Trung Quốc ngừng nhập thanh long Việt Nam: thanh long 'bán đổ, bán tháo'
Việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) từ 29-12 đến hết ngày 26-1-2022 khiến hàng loạt nhà vườn trồng thanh long gặp khó trong tiêu thụ, nguy cơ đổ bỏ hàng loạt.
Trong sáng nay 31-12, Bộ NN&PTNT tổ chức diễn đàn trực tuyến Kết nối sản xuất - chế biến nông sản và thúc đẩy thị trường nội địa.
Trong đó ngành chức năng các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh sẽ chia sẻ thông tin về việc ách tắc nông sản tại các cửa khẩu, các bộ ngành và chuyên gia sẽ bàn cách "giải cứu" nông sản thời gian tới.
Tài xế quay đầu, bán tháo thanh long
Ngày 30-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, tài xế Lê Trần Trung Định (Ninh Thuận) cho biết đã ăn chực nằm chờ ở cửa khẩu Tân Thanh hơn một tháng qua cùng nhiều tài xế khác.
Tuy nhiên, sau khi có thông tin từ phía Bằng Tường (Trung Quốc) thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam từ ngày 29-12, nhiều doanh nghiệp (DN), chủ hàng đã yêu cầu tài xế quay đầu, đưa hàng về tiêu thụ nội địa.
"Hàng đoàn xe nông sản, trong đó có nhiều xe chở thanh long đã lần lượt rời bãi xe Bảo Nguyên và khu phi thuế quan ở cửa khẩu Tân Thanh về xuôi tiêu thụ, bán lẻ.
Bãi xe Bảo Nguyên hôm kia vẫn còn khoảng 1.000 xe nhưng đến hôm nay (30-12) chỉ còn chưa đến một nửa, những xe nằm chờ lại chủ yếu là xoài, mít và dưa hấu. Chủ lô hàng này cũng yêu cầu tôi nằm lại vài hôm nữa để xem tình hình, có thể cũng sẽ quay đầu đưa hàng về tiêu thụ nội địa trong vài ngày tới" - tài xế Định nói.
Theo tài xế Nguyễn Đình Hòa (Bình Thuận), tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, nhiều xe chở thanh long cũng quay đầu.
"Tôi nằm chờ ở trạm Dốc Quýt (Lạng Sơn) hơn 20 ngày qua. Ngày 29-12, chủ hàng đã yêu cầu tôi quay xe thanh long về Hà Nội để bán nhưng vẫn chưa liên hệ được người mua, tiêu thụ giúp" - tài xế Hòa nói.
Ông Trần Ngọc Hiệp - phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) - cho biết vừa cho hai xe container chở thanh long ở cửa khẩu Lạng Sơn về Hà Nội để tránh hư hỏng phải đổ bỏ và bán giá rẻ nhằm thu hồi được đồng nào hay đồng đó.
Việc Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu thanh long trong gần một tháng khiến các DN xuất khẩu bị động.
Để có nguồn hàng xuất khẩu, DN đã phải đầu tư và hợp tác với nông dân để phát triển vùng trồng có mã số, cơ sở đóng gói cũng phải được phía Trung Quốc cấp phép chứ không phải cứ đưa hàng lên biên giới là bán được.
Đây lại là dịp cao điểm tiêu thụ cuối năm nên càng làm cho DN và người trồng thanh long gặp khó đầu ra. "Bây giờ DN chỉ còn hy vọng vào thị trường nội địa nhằm "giải cứu" lượng thanh long không xuất khẩu được" - ông Hiệp nói.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Vinafruit, thông tin từ các đối tác nhập khẩu phía Trung Quốc cho biết sau 4 tuần tạm ngừng nhập khẩu thanh long Việt Nam, ngày 26-1-2022 là 25 tháng chạp nên có thể phía bạn cũng nghỉ Tết Nguyên đán luôn.
Phải 2 tuần sau khi nghỉ Tết, phía Trung Quốc mới mở cửa trở lại nhưng việc xuất khẩu nông sản sang thị trường này dự báo tiếp tục gặp khó trong quý 1-2022.
"Các địa phương cần giảm diện tích trồng các loại nông sản để xuất sang Trung Quốc nhằm tránh tình trạng đến hẹn lại ùn ứ, gây thiệt hại cho DN và nông dân" - ông Nguyên nói.
Nếu cứ giữ cách buôn bán qua các cửa khẩu đường bộ như thời gian qua, rất khó giải quyết dứt điểm việc ùn tắc và bị động. Việt Nam nên chọn ra các sản phẩm chủ lực, có nguồn cung cấp quanh năm để tập trung quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm đưa các loại trái cây này vào sâu trong thị trường Trung Quốc qua các hợp đồng và xuất khẩu bằng đường biển.
Ông Phùng Văn Hiền, giám đốc Công ty Toàn cầu trái cây tươi (Châu Thành, Bến Tre)
Nhà vườn, thương lái lao đao
Những ngày gần đây, ông Đỗ Tấn Yên (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, Long An) đứng ngồi không yên vì thanh long trong vườn đang chín rộ mà các thương lái "lặn không thấy tăm hơi", trong khi đây thường là thời điểm thanh long bán chạy vì thương lái gom hàng bán sang Trung Quốc dịp Tết âm lịch.
Theo ông Yên, vườn có 2.000 trụ thanh long, đợt này có 5 tấn trái chuẩn bị thu hoạch mà cửa khẩu biên giới với Trung Quốc tiêu thụ khó khăn nên thương lái không đến mua.
Cả năm nay giá phân bón, vật tư đầu vào tăng quá cao mà cuối năm lại không tiêu thụ được nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ. "Chỉ mong sao Nhà nước sớm mở cửa lại cửa khẩu với phía Trung Quốc để chúng tôi bán được nông sản" - ông Yên nói.
Trước đó, ngày 29-12, hàng chục thương lái và người trồng thanh long ở huyện Châu Thành (Long An) đã kéo đến kho thanh long của Công ty TNHH trái cây Hoa Cương (xã Thanh Phú Long), một trong những kho thanh long được xem là lớn nhất Long An, để bày tỏ bức xúc trước việc kho này ra thông báo sẽ đóng cửa không hoạt động từ 28-11 âm lịch (31-12-2021) đến 4-1 âm lịch (4-2-2022) và hủy tất cả các hợp động thu mua thanh long đã thỏa thuận trước đó.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh - chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An - cho biết địa phương này có gần 300 container thanh long ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc, sản lượng thanh long từ nay đến Tết dự kiến còn khoảng 20.000 tấn.
Trong khi đó, việc một số nhà kho, đơn vị thu mua đóng cửa, "hủy kèo" đang là tình trạng chung trước thông tin cửa khẩu Hữu Nghị không cho phép thông quan mặt hàng thanh long vì quy trình kiểm tra COVID-19.
"Việc phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu thanh long trong 4 tuần là sự cố không mong muốn, hai bên nên đối thoại, thỏa thuận với nhau để có phương án tốt nhất, cùng chia sẻ với nhau để còn làm ăn lâu dài" - ông Trịnh nói.
Cửa khẩu tại Lạng Sơn đóng cửa khiến hàng ngàn containner chở nông sản ùn tắc do phía Trung Quốc kiểm soát dịch vẫn chưa được thông quan - Ảnh: NAM TRẦN
Nông sản cần quy trình kiểm soát dịch
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An - cho biết việc tiêu thụ khoảng 20.000 tấn thanh long trong tình hình xuất khẩu gặp khó khăn như hiện nay đang là một bài toán nan giải của địa phương này.
"Ngoài việc tiếp tục mở rộng, kêu gọi tiêu thụ nội địa ở nhiều khu vực như khu, cụm công nghiệp, mở rộng thêm nhiều đầu mối bán thanh long trong nước, chúng tôi cũng đang thăm dò tình hình vận chuyển xuất khẩu bằng đường thủy.
Chúng tôi đã nhờ cảng quốc tế Long An hỗ trợ tìm những đơn vị có container lạnh, có thể hỗ trợ thêm giá vận chuyển để chia sẻ thêm cùng vùng thanh long Châu Thành" - ông Thanh nói.
Bà Đinh Thị Phương Khanh - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An - cho biết đây là một năm hết sức khó khăn của nông nghiệp, từ việc giá vật tư nông nghiệp đang tăng cao không ngừng từ giữa năm đến nay, giá nông sản thì không tăng được, mà xuất khẩu lại gặp nhiều ách tắc khi thị trường chủ lực vẫn là Trung Quốc.
Dù những loại nông sản như thanh long tại Long An, các quy trình như chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng... đều đã được thực hiện, nhưng câu chuyện khó khăn đầu ra vẫn chưa thể tháo gỡ.
"Ngoài 20.000 tấn thanh long chưa biết hướng tiêu thụ, còn khoảng 3.500 tấn mít giá đang giảm sâu, chỉ còn khoảng 2.000 - 4.000 đồng/kg. Ước chừng nông dân Long An thiệt hại khoảng 300 tỉ đồng nếu không giải quyết được các vấn đề hiện nay" - bà Khanh bày tỏ lo lắng.
Cũng theo bà Khanh, để giải quyết việc trước mắt là thông quan được nông sản qua Trung Quốc, lãnh đạo tỉnh Long An đã kiến nghị trung ương có thể tăng cường đàm phán với Trung Quốc để sớm có giải pháp, giải quyết việc ùn tắc cửa khẩu.
Địa phương này cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Y tế xem xét hướng dẫn quy trình kiểm soát dịch Covid-19 trong quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế và đóng gói nông sản để có thể hướng dẫn cũng như chủ động quản lý từ trong nước, tránh ảnh hưởng đến công việc chung.
Chẳng hạn, có thông tin trên bao bì thanh long từ Việt Nam sang Trung Quốc xuất hiện virus SARS-CoV-2, nhưng phía Việt Nam chưa có một quy trình thống nhất nào về việc bảo đảm không xảy ra điều đó.
"Nếu chúng ta có quy trình, như quay video giám sát quá trình thu hoạch đến đóng gói, hay cách thức vận chuyển, đảm bảo phòng chống dịch được thực hiện thì sẽ chủ động hơn khi xuất hiện những thông tin gây ảnh hưởng thế này" - bà Khanh nói.
Đồng thời cho biết Long An cũng kiến nghị Chính phủ xem xét có gói hỗ trợ 50% chi phí sản xuất cho nông dân bị thiệt hại do không tiêu thụ được để có nguồn vốn tái sản xuất.
Xe hàng lần lượt rời cửa khẩu
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 30-12, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết phía Bằng Tường (Trung Quốc) chưa có thông báo chính thức tới tỉnh Lạng Sơn về việc tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Hữu Nghị. Tuy nhiên, ngày 30-12, thanh long cũng không thể thông quan qua cửa khẩu của Lạng Sơn.
"Tỉnh đã chủ động đề nghị phía bạn trao đổi chi tiết nhưng Trung Quốc chưa hồi âm" - ông Thiệu thông tin.
Theo Sở Công thương Lạng Sơn, đến sáng 30-12, tổng lượng xe tồn tại khu vực 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma là 3.136 xe, trong đó số xe chở hoa quả xuất khẩu là 1.970 xe, tập trung chủ yếu tại cửa khẩu Tân Thanh. So với ngày 29-12, số xe tồn giảm gần 400 xe nhưng chỉ có khoảng 70 xe được xuất khẩu, còn lại xe nông sản quay đầu.
Cần đa dạng thị trường xuất khẩu
Theo ông Võ Văn Men - chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Tiền Giang), tỉnh Tiền Giang triển khai cấp mã số vùng trồng cây ăn trái từ năm 2017.
Đến nay hầu hết các loại trái cây đặc sản như mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chuối, chôm chôm và mới đây nhất là sầu riêng được cấp mã vùng trồng.
Tổng cộng có khoảng 280 mã vùng trồng đã được cấp, trong đó chủ yếu là mã số vùng trồng được cấp sang thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, một số loại trái cây đặc sản như thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa ở tỉnh Tiền Giang cũng đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.
Sau khi các cửa khẩu phía Bắc bị tắc nghẽn hàng hóa, trong đó có mít Thái và thanh long của tỉnh Tiền Giang, cơ quan này cũng đã có khuyến cáo các nhà vườn cần quan tâm đầu tư đến chất lượng sản phẩm nhiều hơn nữa để nâng cao giá trị.
"Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều nước khác nhau, tránh phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc như thời gian vừa qua" - ông Men nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận