Trung Quốc muốn vực dậy tăng trưởng bằng kinh tế ban đêm
Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh vào ban đêm nhằm thuyết phục người tiêu dùng trẻ rút hầu bao nhiều hơn cho các hoạt động ăn uống, giải trí và mua sắm.
Gia tăng các giải pháp kích cầu ban đêm
Vào một buổi tối thứ bảy gần đây, quán bar Nayuki ở đường Đông Phương thuộc quận Phố Đông, Thượng Hải trở nên đông đúc hơn. Hàng chục vụ khách trẻ đã mua vé có giá từ 100-200 nhân dân tệ để xem màn trình diễn của Kamu, một diễn viên hài độc thoại nổi tiếng.
Kể từ khi quán bar này giới thiệu các buổi diễn hài độc thoại vào dịp cuối tuần hồi tháng 9, lượng khách tăng vọt. Người quản lý quán bar này nói ông chủ quán bar đang suy tính tăng tuần suất các buổi diễn hài độc thoại vào những ngày trong tuần để thúc đẩy doanh thu.
Đây chính xác là những gì các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang tìm kiếm để thúc đẩy nền kinh tế vốn đang tăng trưởng trì trệ lại kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ nổ ra cách đây 15 tháng.
Chi tiêu người tiêu dùng trong suốt Tuần lễ vàng từ 1 đến 7-10 nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc chỉ tăng 8,5% lên mức 1.520 tỉ nhân dân tệ, mức tăng thấp nhất trong gần 20 năm qua kể từ khi chính phủ Trung Quốc tăng ngày nghỉ lễ quốc gia để giúp thúc đẩy chi tiêu.
“Chi tiêu ban đêm cho thực phẩm, đồ uống và một số hoạt động giải trí chẳng hạn như karaoke rồi đây sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Chắc chắn ngày càng có nhiều người dân đổ về các khu phố mua sắm vào ban đêm như là kết quả của hiệu ứng đám đông”, Eric Han, một quản lý cấp cao của Công ty tư vấn kinh doanh Shanghai Suolei nhận định.
Kể từ tháng 7, các chính quyền địa phương ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến đã công bố một loạt các biện pháp kích thích tiêu dùng vào ban đêm trong một nỗ lực biến các thành phố của họ trở thành những thủ phủ của đời sống về đêm ngang tầm thế giới.
Hồi tháng 8, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã thông qua 20 biện pháp kích thích tiêu dùng bao gồm cho phép các cơ sở kinh doanh đóng cửa muộn hơn, thành lập các khu chợ đêm, mở thêm các cửa hàng tiện lợi 24/24 và các quán ăn uống mở cửa đến tận khuya.
Chẳng hạn, Bắc Kinh đã kéo dài thời gian hoạt động của hai tuyến tàu điện ngầm trong ngày thứ sáu và thứ bảy hàng tuần. Chuyến tàu cuối cùng sẽ khởi hành trong hai ngày này là sau 12 giờ đêm. Thành phố Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên cũng kéo dài thời gian mở cửa của các sở thú, rạp xiếc, phòng triển lãm và các thẩm mỹ viện.
Cuối tháng 9, chính quyền thành phố Thượng Hải đã thiết kế 9 khu phố mua sắm ban đêm tiêu biểu bao gồm Bến Thượng Hải, Tân Thiên Địa và Chùa Tĩnh An.
Các doanh nghiệp như quán bar Nayuki đang dụng các nỗ lực thúc đẩy chi tiêu vào ban đêm của chính quyền để mở rộng kinh doanh.
Quán bar Nayuki đang kinh doanh thêm 2-3 tiếng kinh doanh mỗi ngày và đóng cửa lúc 2 giờ sáng. Quán bar này cho biết chi tiêu trung bình của mỗi khách vào dịp cuối tuần vào khoảng 500 nhân dân tệ (1,6 triệu đồng Việt Nam).
“Chúng tôi nhận thấy có ít nhất 10% doanh nghiệp ăn uống ở các thành phố lớn ở Trung Quốc đang kéo dài thời gian hoạt động trong nỗ lực kiếm một phần miếng bánh của nền kinh tế ban đêm đang phát triển. Các khu mua sắm ở các thành phố lớn của Trung Quốc giờ đây được khuyến khích thiết lập khu kinh doanh ngoài trời ở tầng trệt để cho thuê và hoạt động đến tận khuya”, Joseph Zheng, Giám đốc mảng tư vấn và giao dịch bán lẻ ở CBRE tại thành phố Quảng Châu cho biết.
Nhiệm vụ vực dậy các chỉ số tăng trưởng
GDP của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,2% trong quí 2-2019, mức thấp nhất kể từ năm tháng 3-1992. Điều này làm dấy lên các lo lắng về nguy cơ tăng trưởng của Trung Quốc suy yếu hơn, dẫn đến hàng loạt vụ phá sản và sa thải việc làm trên cả nước. Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tổng doanh thu bán lẻ của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất từ năm 2004.
Song trong bối cảnh đầu tư tài sản cố định suy yếu và tăng trưởng xuất khẩu chậm lại do các tác động từ chiến tranh thương mại với Mỹ, bán lẻ vẫn là lĩnh vực đóng góp chủ lực cho tăng trưởng, chiếm đến 60% tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay.
Bến Thượng Hải vào ban đêm. Ảnh: Tour Beijing
Đó là lý do Trung Quốc muốn muốn củng cố mức tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ thông qua các biện pháp khuyến khích nền kinh tế ban đêm để nhắm đến người tiêu dùng trẻ.
Các nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và các buổi trình diễn trực tiếp là những điểm đến yêu thích hàng đầu của người tiêu dùng trẻ tại Trung Quốc sau giờ làm việc, theo công ty tư vấn iiMedia Research.
Mức chi tiêu hàng năm của người tiêu dùng trẻ Trung Quốc có thể lên mức 30.000 tỉ nhân dân tệ vào năm 2020.
Năm ngoái, thị trường đồ uống có cồn tiêu thụ ở các cơ sở ăn uống giải trí như nhà hàng, quán bar ở Trung Quốc tăng 1% lên mức 565 tỉ nhân dân tệ nhưng hãng nghiên cứu thị trường Mintel China dự báo con số này có thể tăng trưởng 1,6% mỗi năm và đạt 611 tỉ nhân dân tệ vào năm 2023.
“Giới trẻ ở độ tuổi từ 25-30 được xem là lực lượng tiêu dùng chủ yếu vào đêm muộn và họ cũng là nhóm tiêu dùng lớn của đồ uống có cồn. Do vậy, chúng tôi thấy rằng các chính sách ưu ái các doanh nghiệp kinh doanh ban đêm sẽ giúp thúc đẩy tiêu thụ đồ uống có cồn”, Belle Wang, nhà phân tích thực phẩm và đồ uống ở hãng nghiên cứu thị trường Mintel China, nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận