Trung Quốc mới dự kiến tăng thuế xuất khẩu thép đã khiến cả thế giới chao đảo
Trong khi cả thế giới đang trên đà phục hồi kinh tế, nguyên liệu cơ bản thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là mặt hàng thép xây dựng các loại, việc Trung Quốc dự định nâng thuế xuất khẩu mặt hàng này đã khiến thị trường thế giới chao đảo.
Trung Quốc hiện cân nhắc áp thêm thuế đối với hoạt động xuất khẩu thép với mức thuế suất lên tới 25%, bao trùm nhiều sản phẩm thép. Động thái này nhằm giúp Trung Quốc đẩy mạnh điều tiết nguồn cung thép và kiểm soát hoạt động sản xuất thép trong nước, điều tiết giá bán hòng thu lợi nhuận lớn nhất.
Hãng tin Bloomberg cho biết Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc áp thêm thuế đối với hoạt động xuất khẩu thép với mức thuế suất dự kiến từ 10-25% và danh mục các sản phẩm thép xuất khẩu bị áp thuế sẽ bao gồm cả thép cuộn cán nóng (HRC). Dự kiến việc áp thuế này có thể được triển khai trong quý 3 tới đây. Thông tin chi tiết về kế hoạch này chưa được Chính phủ Trung Quốc công bố.
Việc áp thêm thuế xuất khẩu đối với nhiều sản phẩm thép được xem là động thái mới nhất của Chính phủ Trung Quốc trong việc kìm giữ giá thép nội địa cũng như kiểm soát sản lượng thép thô của nước này trong năm nay tương đương với mức của năm 2020.
Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp khối ngành sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 6 vừa qua tiếp tục sụt giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu do giá hàng hóa cơ bản, nguyên liệu đầu vào như thép tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2021, Trung Quốc đã hủy bỏ việc hoàn thuế VAT (13%) đối với nhiều mặt hàng thép xuất khẩu của nước này nhằm điều tiết nguồn cung thép trên thị trường nội địa. Thuế nhập khẩu đối với sắt thép phế liệu, thép thô, gang thỏi… được nước này hạ về 0% nhằm tăng cường nguồn cung đầu vào cho hoạt động sản xuất thép nội địa.
Lần này, thuế xuất khẩu được áp dụng để điều tiết nguồn cung một số sản phẩm thép chưa được đề xuất trong đợt bỏ hoàn thuế VAT hồi tháng 4 vừa qua. Trong khi đó, ông Atilla Widnell, CEO hãng dữ liệu thị trường hàng hóa Navigate Commodities (Singapore), nhận định “Hành động áp thêm thuế của Chính phủ Trung Quốc muốn nhắm đến những hãng sản xuất thép cố tình bỏ qua yêu cầu kiểm soát sản lượng khi biên lợi nhuận từ sản xuất thép quá lớn”.
Trong hai tuần gần đây, một số hãng sản xuất thép tại các tỉnh Giang Tô, Phúc Kiến và Vân Nam (Trung Quốc) được chính quyền địa phương yêu cầu cắt giảm sản lượng. Các hãng truyền thông địa phương cũng cho biết chính quyền thành phố Đường Sơn, khu vực sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, vừa cảnh báo sẽ áp dụng chế tài mạnh nếu như các hãng sản xuất thép tại đây vi phạm quy định cắt giảm sản lượng.
Nhằm đạt mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính và giữ sản lượng thép thô năm 2021 tương đương năm ngoái, Trung Quốc sẽ cần duy trì sản lượng thép thô trong 6 tháng cuối năm nay ở khoảng 502 triệu tấn, thấp hơn 11% so với mức sản lượng 6 tháng đầu năm 2021. Trong 6 tháng vừa qua, sản lượng thép thô của nước này đã đạt kỷ lục 563,33 triệu tấn, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Atilla Widnell nhận định hoạt động xuất khẩu thép cuộn cán nóng sẽ chịu mức thuế suất lên tới 20% nếu Trung Quốc thông qua kế hoạch áp thuế và dự báo động thái này sẽ tác động lớn đến các hãng sản xuất thép quy mô nhỏ, có biên lợi nhuận thấp tại nước này.
Một số chuyên gia lo ngại việc kiểm soát chặt chẽ sản lượng thép, khiến nguồn cung suy giảm có thể khiến giá thép trên thị trường nội địa nước này tăng cao kỷ lục như hồi tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, các dữ liệu cho thấy nhu cầu sử dụng thép của Trung Quốc có thể suy giảm trong thời gian tới khi nước này thu hẹp đáng kể các khoản đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cũng như hoạt động sản xuất công nghiệp đang ở mức bình thường.
Dự kiến thị trường thép quốc tế sẽ chịu ảnh hưởng lớn nếu Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất thế giới, siết chặt hoạt động xuất khẩu. Giá thép tại nhiều quốc gia trên thế giới đã chạm mức cao kỷ lục trong giai đoạn vừa qua khi nhu cầu bất ngờ tăng mạnh và nguồn cung thiếu hụt.
Trong tháng 5/2021, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã giảm tới hơn 30% dưới tác động của việc hủy hoàn thuế VAT 13% đối với nhiều sản phẩm thép xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu thép trong tháng 6 vừa qua của nước này đã bật tăng mạnh hơn 20%. Giá thép tại khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục xu hướng tăng cao khi các nền kinh tế ở đây đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.
Giá các loại thép trên thị trường tương lai tại Trung Quốc hiện đang có xu hướng bật tăng trở lại vùng ngưỡng giá lịch sử xác lập hồi tháng 5 vừa qua. Điều này đang gây áp lực lạm phát lớn lên nền kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc.
Có thể thấy rằng, việc ông lớn ngành thép Trung Quốc đang làm chủ cuộc chơi khống chế giá cũng như sản lượng thép sẽ tạo áp lực lớn đến các quốc gia khác trong quá trình phục hồi kinh tế, đặc biệt là những nước có độ mở lớn như Việt Nam. Ngay từ lúc này, các doanh nghiệp Việt trong ngành thép, xây dựng cần chuẩn bị những kịch bản để đối phó, tìm nguồn cung trong nước, quốc tế để tránh việc bị động, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận