menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Sơn Tuấn

Trung Quốc: Lạm phát ổn định tạo cơ hội nới lỏng tiền tệ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Trung Quốc ổn định trong tháng cuối năm 2019 trong khi chỉ số giá sản xuất giảm với tốc độ chậm hơn. Song chừng đó cũng đủ để Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ khi tăng trưởng

Lạm phát ổn định

Một số nhà đầu tư đã lo lắng rằng lạm phát của người tiêu dùng, lơ lửng gần mức cao nhất trong 8 năm, có thể khiến Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thận trọng hơn về các kích thích tiếp theo.

Cục Thống kế quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố, CPI tháng 12 của nước này tăng 4,5% so với một năm trước đó, không thay đổi so với tốc độ tăng của tháng 11, nhưng thấp hơn một chút so với dự báo của các nhà phân tích là 4,7%.

Nguyên nhân chủ yếu do sự tăng vọt của giá thịt lợn khi dịch tả lợn châu Phi đã làm sụt giảm mạnh nguồn cung. Theo đó, giá thịt lợn đã tăng tới 97% so với cùng kỳ trong tháng 12, chiếm tới 2,34 điểm phần trăm của mức tăng CPI chung.

Tuy nhiên, lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực và năng lượng) vẫn rất yếu ớt. Cụ thể, CPI cơ bản tăng 1,4% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước, cùng tốc độ với tháng trước. Tính chung cả năm 2019, CPI của Trung Quốc tăng 2,9%, cao hơn mức tăng 2,8% của năm 2018, nhưng vẫn trong mục tiêu của nước này là tăng khoảng 3%.

Các nhà phân tích dự đoán lạm phát giá tiêu dùng có thể sẽ tăng cao trong một thời gian do giá lương thực cao hơn trong dịp Tết Nguyên đán, cộng thêm giá dầu mỏ toàn cầu tăng đột biến trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đang nóng lên.

“Chúng tôi dự báo CPI sẽ tăng trên 5% trong tháng 1 (năm 2020) nhưng lạm phát sẽ giảm đáng kể trong nửa cuối năm nay do nguồn cung thịt lợn tăng”, Niu Li - chuyên gia kinh tế của Trung tâm Thông tin Nhà nước cho biết.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) - được xem là một chỉ số chính phản ánh lợi nhuận của doanh nghiệp – tiếp tục giảm 0,5% trong tháng 12 so với một năm trước đó, thấp hơn so với tốc độ giảm 1,4% của tháng 11, song vẫn cao hơn mức giảm 0,4% mà các nhà phân tích dự báo. Tính chung trong năm 2019, PPI giảm 0,3% so với mức tăng 3,5% của năm trước.

Tốc độ giảm giá sản xuất chậm hơn phù hợp với sự cải thiện giá một số sản phẩm theo các cuộc khảo sát gần đây của nhà máy. Theo NBS, tốc độ giảm giá chậm lại một phần cũng bởi sự phục hồi của các ngành công nghiệp chế biến dầu mỏ, than đá và các nhiên liệu khác.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát về kinh tế Trung Quốc đều cho rằng, chỉ số giá sản xuất giảm nhẹ trong tháng 12 do chỉ số của cùng kỳ năm trước cũng thấp hiệu ứng, cộng thêm giá năng lượng tăng. Trên thực tế hoạt động sản xuất vẫn rất yếu.

“Việc giảm bớt áp lực giảm phát đối với lĩnh vực công nghiệp không có nghĩa là có sự cải thiện đáng kể trong sản xuất công nghiệp. Nhưng với sự ấm lên trong quan hệ thương mại Trung – Mỹ và những hỗ trợ từ chính sách vĩ mô, chúng ta có thể sẽ thấy PPI chuyển biến tích cực hơn trong quý 2 năm 2020”, Liu Xuezhi - một nhà phân tích của Bank of Communications cho biết.

Cơ hội tiếp tục nới lỏng tiền tệ

Trung Quốc có kế hoạch đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế thấp hơn, khoảng 6% vào năm 2020, dựa vào chi tiêu của nhà nước vào cơ sở hạ tầng để hãm lại đà giảm tốc của nền kinh tế, Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết. Tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm tốc mạnh từ 6,8% trong năm 2017 xuống còn 6% trong quý 3 năm 2019, chậm nhất kể từ đầu những năm 1990.

Bên cạnh đó, Trung Quốc có kế hoạch sẽ duy trì mục tiêu lạm phát ở mức khoảng 3% vào năm 2020, không thay đổi so với năm ngoái. Tuy nhiên, theo Gao Ming - nhà phân tích của China Merchants Securities, “CPI không phải là một hạn chế đối với chính sách tiền tệ. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục với tốc độ mà chính phủ trung ương đặt ra”.

Còn nhớ ngay ngày đầu tiên của năm 2020, PBoC đã tuyên bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 50 điểm cơ bản (0,5%) đối với các ngân hàng; lần cắt giảm dự trữ bắt buộc thứ 8 kể từ đầu năm 2018 nhằm giải phóng thêm tiền để bơm vào nền kinh tế đang chậm lại. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 6/1, qua đó giải phóng khoảng 800 tỷ nhân dân tệ (115 tỷ USD) cho các nhà cho vay của nước này.

“PBoC có thể sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ lãi suất và thanh khoản để nới lỏng các điều kiện tiền tệ vào năm 2020, mặc dù việc nới lỏng có thể sẽ ít rõ rệt hơn so với năm ngoái”, David Qu - một nhà kinh tế Trung Quốc tại Bloomberg Economics ở Hồng Kông đã viết trong một ghi chú. “Chúng tôi hy vọng PBoC sẽ giữ vững lập trường nới lỏng thận trọng để chống lại sự giảm tốc của nền kinh tế”.

Các nhà kinh tế tại Nomura cũng dự báo, PBoC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thêm 50 điểm cơ bản trong quý 2 khi áp lực lạm phát giảm bớt, trong khi những cơn gió ngược đối với tăng trưởng tiếp tục mạnh lên, đặc biệt là từ lĩnh vực bất động sản nguội lạnh và tình hình tài chính xấu đi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả