Trung Quốc lại đề xuất mua nông sản Mỹ
Trung Quốc ngỏ ý mua một lượng vừa phải nông sản Mỹ nhưng có thể kèm theo điều kiện: Mỹ phải nới lỏng lệnh cấm vận đối Huawei đồng thời trì hoãn quyết định tăng thuế đối với hàng hóa nước này.
Trang tin Politico dẫn các nguồn tin cho biết, trong cuộc điện đàm với quan chức thương mại Mỹ vào tuần trước, phía Trung Quốc đề xuất mua hàng hóa nông sản Mỹ với số lượng vừa phải.
Song sự nhượng bộ này có thể đi kèm với điều kiện: Mỹ phải nới lỏng lệnh cấm vận đối với hãng thiết bị viễn thông và điện thoại thông minh (smartphone) Huawei và đồng thời phải hoãn tăng thuế từ 25 lên 30% đối với 250 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc vào ngày 1-10 tới.
Thông qua cuộc điện đàm trên, hai nước đồng ý nối lại đàm phán giữa các quan chức cấp thấp vào giữa tháng 9 và cuộc gặp đàm phán cấp bộ trưởng vào đầu tháng 10.
Các nguồn tin nói rằng tùy thuộc vào tiến triển của cuộc đàm phán thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể xem xét trì hoãn vòng áp thuế 15% đối với gần 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15-12 tới bao gồm laptop, smartphone và các mặt hàng tiêu dùng khác.
Các nhà tài trợ chính trị và các lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Mỹ bao gồm tập đoàn bán lẻ Walmart đã vận động mạnh mẽ cách đây hai tuần để thuyết phục ông Trump rút lại vòng áp thuế vào giữa tháng 12 tới. Vòng áp thuế này sẽ tác động lớn đến người tiêu dùng cũng như các công ty Mỹ đang mua hàng hóa tiêu dùng được sản xuất tại Trung Quốc.
Hôm 6-9, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói rằng, đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ nóng lên khi các quan chức thương mại cấp cao của hai bên gặp nhau ở Washington vào đầu tháng 10.
“Tôi không muốn dự báo bất cứ điều gì. Tôi chỉ nói rằng điều tích cực là họ sẽ đến đây và hiện nay thái độ của hai nước đã bình tĩnh hơn”, ông Kudlow nói.
Đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sụp đổ hồi đầu tháng 5 sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc rút lại các cam kết đã đưa ra trong một bản dự thảo thỏa thuận dài 150 trang. Mỹ muốn Trung Quốc phải xóa bỏ chính sách trợ cấp công nghiệp và cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ hoặc tài sản sở hữu trí tuệ nếu muốn làm ăn ở nước này.
“Chúng tôi muốn trở về nơi chúng tôi dừng lại vào tháng 5 khi mà chúng tôi sắp đạt được thỏa thuận thương mại”, ông Kudlow nói.
Tổng thống Donald Trump cũng nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tăng mua hàng hóa nông sản Mỹ như đậu nành và ngô. Trung Quốc là một trong những thị trường hàng hóa nông nghiệp lớn nhất của Mỹ. Các nông dân Mỹ đang hứng đòn bởi Trung Quốc áp thuế trả đũa Mỹ nhằm vào các mặt hàng nông sản.
Tuy nhiên, Bắc Kinh tìm cách gắn cam kết việc tăng mua hàng hóa nông sản với cách mà Mỹ đối xử với Huawei, vốn đã bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách đen hồi tháng 5. Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét hàng chục đơn của các hãng xin cấp phép bán các sản phẩm chip cho Huawei, tuy nhiên cho đến nay chưa có đơn nào được phê duyệt.
Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản hồi cuối tháng 6, Mỹ cho biết phía Trung Quốc cam kết tăng mua hàng hóa nông sản Mỹ, đổi lại Mỹ sẽ tiếp tục cho phép các công ty bán hàng cho Huawei. Tuy nhiên đến đầu tháng 8, ông Trump bất ngờ leo thang cuộc chiến thuế khi thông báo sẽ áp thuế 10% lên 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ chưa bị ảnh hưởng bởi các đòn thuế trước đây.
Viết trên Twitter, ông Trump giải thích lý do áp thuế là vì “Trung Quốc đã nhất trí mua nông sản Mỹ với số lượng lớn nhưng đã không làm như vậy”.
Ít ngày sau đó, chính phủ Trung Quốc chỉ đạo các công ty nhà nước ngưng mua hoàn toàn nông sản Mỹ từ đậu nành, cotton cho đến thịt heo.
Trung Quốc hiểu rằng nông dân Mỹ là bộ phận cử tri quan trọng góp phần giúp ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016 và ông muốn họ tiếp tục là chỗ dựa vững chắc trong nỗ lực tái đắc cử vào năm tới. Đó là lý do Trung Quốc đánh thuế trả đũa mạnh vào các mặt hàng nông nghiệp Mỹ.
Tổng thống Trump đã dàn xếp các khoản trợ cấp với tổng trị giá 28 tỉ đô la dành cho nông dân để giúp bù đắp thiệt hại do các đòn thuế trả đũa. Song các nông dân Mỹ đang lo lắng nếu chiến tranh thương mại kéo dài, họ sẽ đánh mất thị trường Trung Quốc.
Tim Summers, học giả của chương trình châu Á - Thái Bình Dương ở tổ chức tư vấn Chatham House (Anh) cho rằng, trong các cuộc đàm phán sắp tới với Mỹ, Trung Quốc vẫn sẽ không đưa ra các nhượng bộ có thể gây đảo lộn mô hình phát triển kinh tế do nhà nước dẫn dắt. Song theo ông, Trung Quốc ít nhất có thể cam kết tăng mua hàng hóa nông sản để đổi lại việc Mỹ nới lỏng các hạn chế thương mại đối với Huawei và các công ty khác.
Ông cho rằng hai bên cũng có thể nhất trí trì hoãn các đòn thuế nhằm vào hàng hóa của nhau.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận