Trung Quốc không muốn bỏ lỡ cơ hội kinh doanh tại EU
Một cuộc khảo sát với đối tượng là các thành viên của Phòng Thương mại Trung Quốc cho thấy 68% doanh nghiệp cảm thấy EU đang thắt chặt chính sách đối với doanh nghiệp Trung Quốc.
Giới quan sát nhận định Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng chơi một trò chơi chiến lược là can dự và đàm phán kết hợp với sẵn sàng phòng vệ chống lại những rủi ro thực tế hoặc tiềm tàng liên quan đến các hoạt động kinh tế do Trung Quốc tiến hành trên lãnh thổ của mình. Về phần mình, Bắc Kinh cũng đang sử dụng nhiều biện pháp để đối phó.
Chiến lược của Brussels là “tự chủ chiến lược” và “cơ hội bình đẳng” với các doanh nghiệp do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. Luật sàng lọc đầu tư mới trên toàn khối sẽ có hiệu lực vào tháng Mười. EU sẽ sớm ban hành luật để kiểm soát các khoản đầu tư nước ngoài từ các công ty được hưởng lợi từ trợ cấp từ đất nước của họ.
Các quốc gia thành viên EU đã bắt đầu quan tâm đến các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng 5G của tập đoàn Trung Quốc Huawei. Bất chấp những nỗ lực của Brussels để các quốc gia thành viên áp dụng cùng tiêu chuẩn pháp lý và kỹ thuật trong cách họ giải quyết vấn đề này, nhưng trên thực tế chính sách và các phản ứng đáp trả đối với hồ sơ Huawei là không nhất quán.
Trong các cuộc đàm phán thỏa thuận đầu tư song phương, EU muốn Trung Quốc nhượng bộ nhiều về vấn đề quản trị, hoạt động doanh nghiệp cũng như trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc. Brussels và Bắc Kinh đều kỳ vọng kết thúc các cuộc đàm phán vào cuối năm nay.
Chủ đề chính cho đến nay cơ bản liên quan đến việc Brussels nghĩ gì về các phương thức kinh doanh của doanh nghiệp Trung Quốc trên lãnh thổ châu Âu và cả ở Trung Quốc, trong khi đó điều khó hơn là đánh giá xem Trung Quốc thực sự nghĩ gì về cách thức kinh doanh của họ - cho đến nay chỉ chiếm 2% đầu tư trực tiếp của nước này - được đối xử ở châu Âu, hoặc những gì Bắc Kinh thực sự mong muốn từ các cuộc đàm phán hiện tại với EU.
Kỹ thuật số rõ ràng là vấn đề ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Ngày 10/9 Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU đã công bố một báo cáo về "môi trường kinh doanh" ở châu Âu.
Cơ quan này được thành lập bởi Ngân hàng Trung Quốc, Tổng công ty Tam Hiệp và Tập đoàn Vận tải biển COSCO với sự hỗ trợ của Bộ Thương mại Trung Quốc và Phái đoàn của Trung Quốc tại EU. Họ mới chỉ bắt đầu phát hành các báo cáo về môi trường kinh doanh và quy định với các khuyến nghị chính sách. Những hoạt động này cũng tương tự các hoạt động của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc.
Báo cáo của Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU cho biết, các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào EU đã bị tác động đáng kể từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát và cuộc khủng hoảng kinh tế sau đó, nhưng họ cũng đã góp phần duy trì việc làm ở châu Âu với hơn 95% công ty không sa thải nhân viên địa phương.
Báo cáo cũng nhấn mạnh việc các công ty công nghệ thông tin-truyền thông Trung Quốc đã hỗ trợ phương thức làm việc từ xa và cung cấp các phương tiện chuyển đổi kỹ thuật số để hỗ trợ khôi phục sau COVID-19.
Tuy nhiên, các hạn chế dựa trên suy đoán về an ninh mạng đã kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp Trung Quốc tại một phần thị trường châu Âu. Theo báo cáo, trên thực tế, các doanh nghiệp như Huawei và ZTE không trực thuộc Chính phủ Trung Quốc và họ không nhận được ưu đãi đặc biệt hoặc trợ cấp nào của chính phủ.
Các công ty Trung Quốc cũng muốn trở thành một phần của dự án Thỏa thuận Xanh của EU. Phát triển xanh là một trong những khái niệm phát triển chính của Trung Quốc, với nền văn minh sinh thái là mục tiêu phát triển trong kỷ nguyên mới của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Âu đã tận dụng thế mạnh của chính họ trong các lĩnh vực như 5G xanh, năng lượng mới, xe điện và phục hồi sinh thái. Tuy nhiên, do sự không nhất quán trong các tiêu chuẩn và sự hiểu lầm lâu dài về các sản phẩm giá rẻ và doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, các công ty năng lượng tái tạo và ô tô xanh của Trung Quốc gặp trở ngại trong việc thâm nhập thị trường châu Âu.
Một cuộc khảo sát với đối tượng là các thành viên của Phòng Thương mại Trung Quốc cho thấy 68% doanh nghiệp cảm thấy EU đang thắt chặt chính sách đối với doanh nghiệp Trung Quốc. Bằng chứng là việc chính trị hóa các đánh giá đầu tư, từ các đánh giá an ninh sang các dự án nhạy cảm về cơ bản không liên quan đến an ninh và việc áp dụng thuế kỹ thuật số ở một số quốc gia, dẫn đến môi trường chính trị kém thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Theo báo cáo, các công ty Trung Quốc cho rằng sự kết hợp giữa “rà soát chống độc quyền, sàng lọc đầu tư nước ngoài và rà soát trợ cấp nước ngoài" là “ba ngọn núi” đại diện cho các rào cản lớn đối với hoạt động của họ ở châu Âu trong tương lai.
Trong số các khuyến nghị về chính sách do giới vận động hành lang kinh doanh của Trung Quốc đưa ra là cho phép các doanh nghiệp nước này tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực y tế của EU sau COVID-19. Nhóm này muốn có một nghiên cứu khả thi cho các kế hoạch sàng lọc trợ cấp và đầu tư mới của EU, đồng thời kêu gọi châu Âu kiềm chế việc kiểm soát quá mức và sàng lọc quá mức.
Rõ ràng, nhóm vận động không thể đợi các cuộc đàm phán đầu tư song phương kết thúc. Vì mục tiêu dài hạn hơn là khởi động các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do với EU. Họ bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán về một FTA sẽ được khởi động càng sớm càng tốt để có thể tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại song phương./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận