Trung Quốc đuổi sát nút Mỹ trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới
Các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang "kề vai sát cánh" cùng doanh nghiệp Mỹ trong danh sách Fortune Global 500, bất chấp cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang ở hồi căng thẳng.
Theo Nikkei, trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới xếp theo doanh thu (Fortune Global 500) vừa được Tạp chí Fortune công bố, có 119 công ty Trung Quốc, tăng 8 doanh nghiệp so với con số 111 doanh nghiệp của năm 2018. Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ đã giảm từ 126 trong năm ngoái xuống 121 vào năm nay.
Hai thập kỷ trước, số lượng doanh nghiệp Trung Quốc được ghi tên trong danh sách chỉ dừng ở một chữ số. Do đó, "hiện tại mặc dù các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ bứt phá mạnh mẽ ở gần cuối danh sách thay vì các vị trí đầu bảng, tuy nhiên, đó rõ ràng vẫn là một nguồn động lực", Clifton Leaf, tổng biên tập tạp chí Fortune viết.
Trong số 39 doanh nghiệp Trung Quốc lọt top 150 năm nay, trừ 5 doanh nghiệp nhà nước ra, có rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, sản xuất ô tô, thậm chí, những "ông lớn" về năng lượng như Tập đoàn Sinopec, Tập đoàn dầu khí quốc gia và Tập đoàn Điện lực Trung Quốc đều có tên trong top 10.
Bên cạnh đó, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc cũng đang tăng trưởng nhanh chóng, chẳng hạn như Tập đoàn Alibaba và Tencent Holdings đã lần lượt leo lên vị trí 118 và 94 nhảy rất nhiều bậc so với vị trí 182 và 237 của năm ngoái. Xiaomi sau khi được niêm yết tại thị trường chứng khoán Hồng Kông cũng đã được ghi danh vào danh sách ở vị trí 468.
Sự thăng hạng của các công ty công nghệ Trung Quốc đã nêu bật những vấn đề cốt lõi trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ: tiềm lực kinh tế đang lên của Trung Quốc; một cuộc đua công nghệ ai nhanh hơn sẽ thắng và một cuộc xung đột giữa các mô hình kinh tế.
Washington đã đưa ra cáo buộc Bắc Kinh đang thực hiện chính sách thương mại bất bình đẳng khi bắt chuyển giao công nghệ bắt buộc, trộm cắp bí mật thương mại và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước. Hai bên, đã áp thuế trừng phạt từ hàng chục đến hàng trăm tỷ USD đối với hàng hóa của hai nước trong năm qua và hiện đang đấu tranh để đạt được thỏa thuận thương mại.
Huawei Technologies mặc dù đã trở thành nạn nhân của cuộc chiến thương mại nhưng vẫn tăng 11 bậc lên vị trí 61 trong năm nay. Tuy nhiên, hồi tháng Sáu, người sáng lập kiêm Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi cho biết, doanh thu của hãng có thể sẽ thấp hơn khoảng 30 tỷ USD so với dự báo trong các năm 2019 và 2020 khi Mỹ cấm các công ty Mỹ cung cấp linh kiện cho hãng.
Thuế quan của Mỹ áp với 250 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc cũng đang làm giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, gây cản trở cho sự tăng trưởng của các công ty ở nước này.
Và mặc dù các công ty công nghệ Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp đà phát triển của công nghệ, nhưng chỉ có Huawei lọt vào top 100, nơi mà các đại gia công nghệ Mỹ như Apple, Amazon hay Alphabet - công ty mẹ của Google đang ung dung ngồi.
Mỹ cũng đang duy trì sự thống trị của mình nhờ thế hệ các công ty công nghệ tiếp theo. Nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là ngôi nhà của 49% kỳ lân của thế giới (các công ty tư nhân có định giá trên 1 tỷ USD) - theo một báo cáo công bố hồi tháng 6 của công ty nghiên cứu đầu tư mạo hiểm CB Insights.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận