Trung Quốc dọa công bố danh sách công ty nước ngoài “không đáng tin cậy”
Lời cảnh báo trên của Bắc Kinh được đưa ra sau khi Chính phủ Mỹ đưa Huawei vào “danh sách đen”...
Trung Quốc ngày 31/5 tuyên bố sẽ đưa ra một danh sách các thực thể nước ngoài mà nước này cho là "không đáng tin cậy", gây thiệt hại đến lợi ích của các công ty trong nước.
Một động thái như vậy có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hàng nghìn công ty nước ngoài ở Trung Quốc, sau khi Mỹ tung các biện pháp nhằm hạ gục Huawei.
Theo tin từ Bloomberg, người phát ngôn Gao Feng của Bộ Thương mại Trung Quốc nói nước này sẽ thiết lập cơ chế để lên danh sách các công ty, tổ chức và cá nhân nước ngoài không tuân thủ các nguyên tắc thị trường, vi phạm hợp đồng, cắt nguồn cung vì lý do phi thương mại, hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chính đáng của các công ty Trung Quốc.
Theo ông Gao, Chính phủ Trung Quốc "sẽ có các biện pháp cần thiết" đối với các thực thể trong danh sách. Người phát ngôn cho biết thêm rằng chi tiết cụ thể của vấn đề này sẽ sớm được công bố.
Lời cảnh báo trên của Bắc Kinh được đưa ra sau khi Chính phủ Mỹ đưa Huawei, một trong những công ty toàn cầu thành công nhất của Trung Quốc, vào một "danh sách đen" nhằm khiến Huawei không thể mua linh kiện và công nghệ Mỹ. Đòn trừng phạt của Mỹ đã đẩy leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vào thời điểm cuộc đàm phán thương mại song phương lâm vào bế tắc.
Theo giới phân tích, lời cảnh báo của Trung Quốc đang đặt ra khả năng nước này trả đũa một loạt công ty lớn trong ngành công nghệ toàn cầu, từ các công ty Mỹ như Google, Qualcomm và Intel, cho tới những công ty đến từ quốc gia khác như Toshiba của Nhật và ARM của Anh. Đây đều là những công ty đã cắt quan hệ với Huawei sau khi Huawei bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách cấm.
"Chắc chắn là những công ty tuyên bố cắt cung cấp cho Huawei, như Panasonic và Toshiba, sẽ bị đe dọa", chuyên gia kinh tế Michelle Lam thuộc Societe Generale ở Hồng Kông nhận định. "Thiệt hại đối với các công ty đa quốc gia sẽ rất lớn".
Ông Gao cho biết, "danh sách đen" của Trung Quốc cũng sẽ bao gồm những công ty "đặt ra nguy cơ hoặc nguy cơ tiềm tàng đối với an ninh quốc gia". Trung Quốc thiết lập danh sách này "để bảo vệ các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế cũng như hệ thống thương mại đa phương, để chống lại chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, và để bảo vệ an ninh quốc gia, lợi ích xã hội của Trung Quốc".
Tuần này, Trung Quốc nói rằng bước đi tiếp theo để nối lại đàm phán thương mại Mỹ-Trung phải đến từ phía Mỹ, trong khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố không vội đi đến một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh. Ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6, nhưng nhiều nhà phân tích không mấy lạc quan về khả năng hai bên đạt một giải pháp nhanh chóng.
Theo nhà phân tích James Yan của Counterpoint Research, lời đe dọa "danh sách đen" của Trung Quốc "gia tăng áp lực đối với Washington vào thời điểm mà Chính phủ Mỹ muốn mở rộng danh sách cấm đối với các công ty Trung Quốc". Theo ông Yan, "Trung Quốc có khả năng chọn một số công ty để trừng phạt, nhưng có thể sẽ không nhằm vào tất cả mọi công ty trong chuỗi cung ứng.
Gần đây, giới thạo tin nói rằng Mỹ có thể đưa thêm một số công ty Trung Quốc vào danh sách cấm, cụ thể là hai công ty công nghệ giám sát bằng camera Zhejiang Dahua Technology và Hangzhou Hikvision Ditigal Technology.
Mấy ngày gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc phát tín hiệu về các biện pháp trả đũa khác mà nước này có thể sử dụng, bao gồm khả năng hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.
"Trả đũa kiểu Trung Quốc khó có thể lay chuyển được chính quyền ông Trump", chuyên gia Jude Blanchette thuộc Crumpton Group nhận xét. "Việc Trung Quốc đưa ra một danh sách thực thể sẽ chỉ khiến các công ty nước ngoài tin rằng rủi ro chính trị và pháp lý đối với hoạt động của họ ở Trung Quốc ngày càng tăng lên".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận