Trung Quốc điều tiết thị trường bất động sản như thế nào?
Đợt suy giảm năm 2022 trên thị trường bất động sản Trung Quốc là đợt suy giảm trầm trọng nhất trong vòng 15 năm qua. Nhiều giải pháp, chính sách được quốc gia này áp dụng đã giúp thị trường dần “hồi sinh”.
Nhiều chuyên gia nhận định, các chương trình điều tiết của chính quyền Trung Quốc đã giúp khôi phục lại thị trường bất động sản đông dân nhất thế giới. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng chính sách, Bộ Xây dựng cũng đã tổng hợp, tham khảo kinh nghiệm điều tiết của Trung Quốc để vận dụng phù hợp với đặc điểm, tình hình tại nước ta. Một số kinh nghiệm đã được chỉ ra gồm:
Chính quyền Trung Quốc hạn chế đầu cơ bất động sản, bảo đảm khả năng chi trả, tiếp cận nhà ở của người dân thông qua việc: Xác định nhà là để ở, không phải để đầu cơ, yêu cầu không được sử dụng bất động sản làm phương tiện để kích cầu kinh tế, đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản nhằm giảm thiểu rủi ro thanh khoản và rủi ro tài chính thông qua việc: Thứ nhất, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản hoàn thành các dự án chưa hoàn thiện thông qua việc kêu gọi các địa phương có chính sách đặc thù. Chính phủ thì thành lập các quỹ trị giá 300 tỷ NDT (44 tỷ USD) để mua lại các dự án nhà dang dở, rồi hoàn thiện việc xây dựng, bàn giao cho người mua; ngân hàng cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các ngân hàng chính sách để cho các địa phương vay.
Thứ hai, Ủy ban Điều tiết ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc cùng ban hành “Thông báo về việc thực hiện tốt công tác mua bán, sáp nhập và xử lý rủi ro các dự án bất động sản quan trọng”, đồng thời khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn tăng cường sáp nhập và mua lại các dự án bất động sản trên nguyên tắc thị trường.
Thứ ba, nới lỏng hợp lý các quy tắc đấu giá đất: giảm tiền đặt cọc, kéo dài thời gian nộp phí chuyển nhượng, hạ giá đấu khởi điểm một số lô đất… nhằm tăng sức hấp dẫn với các doanh nghiệp bất động sản tham gia đấu giá.
Trung Quốc cũng thực hiện chính sách hỗ trợ người mua nhà thông qua việc: Giảm lãi suất cơ bản các khoản vay nhằm hỗ trợ và cung cấp vốn cho doanh nghiệp, người mua nhà, kích cầu tổng thể nền kinh tế; khuyến khích các tổ chức cho vay đẩy mạnh giải ngân tín dụng đối với nền kinh tế thực. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ cho người mua nhà từ Quỹ dự phòng. Theo đó, công nhân, viên chức có thể rút tiền từ Quỹ dự phòng để giúp con cái hoặc người thân trong gia đình mua nhà ở.
Chính phủ nước này cũng đẩy nhanh phát triển nhà cho thuê giá rẻ thông qua việc: Ủy ban Quản lý ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc ban hành “Thông báo về việc loại trừ các khoản cho vay liên quan đến nhà ở cho thuê giá rẻ”, yêu cầu các tổ chức tài chính ngân hàng tăng cường hỗ trợ cho các loại hình nhà ở cho thuê giá rẻ và không tính vào cho vay bất động sản. Quan tâm, hỗ trợ đối tượng có thu nhập thấp và dự kiến trong năm 2022 sẽ xây dựng, cung cấp thêm cho thị trường 2,4 triệu căn hộ cho thuê giá rẻ.
Bên cạnh những giải pháp trên, chính sách nới lỏng các hạn chế về định cư ở các thành phố lớn nhằm kích cầu nhà ở cũng được chú trọng, thông qua việc: Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc ban hành Kế hoạch “Đô thị hóa mới” trong đó hủy bỏ hoàn toàn các hạn chế đối với việc “định cư thành thị”, các điều kiện để định cư tại thành phố lớn được nới lỏng toàn diện.
Giải pháp về tối ưu hóa môi trường kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người mua nhà cũng được quốc gia đông dân nhất thế giới quan tâm, thông qua việc: Đơn giản hóa thủ tục phê duyệt dự án, rút ngắn thời gian phê duyệt. Đẩy mạnh cải cách kết cấu nguồn cung nhà ở; tăng cường xây dựng hệ thống cung ứng nhà ở theo hướng sở hữu hóa; không gian nhà ở theo hướng đô thị hóa; tiện ích, dịch vụ theo hướng thông minh hóa.
Và tăng cường giám sát toàn bộ quá trình phát triển dự án bất động sản. Xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật, như: đăng quảng cáo sai sự thật trong lĩnh vực bất động sản; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà.
Theo ghi nhận, trong thời gian tới, nhằm phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, Trung Quốc dự kiến sẽ: Tăng cường đối mới các giải pháp giải quyết khủng hoảng nợ. Ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ lan rộng gây nguy cơ rủi ro cho hệ thống tài chính và nền kinh tế.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án xây dựng nhà ở xã hội và nới lỏng các chính sách ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm người thu nhập thấp mua nhà.
Tập trung giải quyết tình trạng nhà bỏ trống. Xây dựng quỹ phát triển nhà ở. Đặc biệt, hoàn thiện chính sách thuế và cơ chế đấu giá đất cũng như các quy định về truyền thông trong quản lý và phát triển thị trường bất động sản...
Trung Quốc triển khai nhiều giải pháp để hồi phục thị trường bất động sản (Ảnh minh họa: Internet).
Tại Việt Nam, mới đây, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững được ban hành. Nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đưa ra.
Chính phủ Việt Nam thể hiện rõ quan điểm phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, tập trung bảo đảm hiệu quả, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường; không điều hành chính sách “giật cục”, không chuyển trạng thái đột ngột từ “nới lỏng” sang kiểm soát chặt chẽ, hoặc ngược lại.
Đặc biệt, huy động sức mạnh tổng hợp của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế bất động sản lớn; tiếp tục có cơ chế, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận