24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thạch Thảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trung Quốc điều chỉnh chiến lược kinh tế

Khi toàn cầu hóa thu hẹp lại với mình, Trung Quốc đang điều chỉnh tiêu điểm chiến lược kinh tế để thích nghi với thực tế mới. Những thay đổi mà Trung Quốc đưa ra có thể có ảnh hưởng sâu rộng đến các đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài của nước này. Nhưng, trên hết, chúng sẽ tác động tới chính nền kinh tế và xã hội Trung Quốc.

Giải mã

Cụm từ mới về kinh tế phổ biến hiện nay ở Trung Quốc là "chiến lược tuần hoàn kép", được đề cập với tần suất ngày càng tăng trong các bài phát biểu của các quan chức, trong các nghiên cứu kinh tế và báo cáo truyền thông. Trong nỗ lực tìm cách giải mã chiến lược này, các học giả đã chỉ rõ rằng "tuần hoàn kép" đề cập đến "tuần hoàn bên trong" và "tuần hoàn bên ngoài".

"Tuần hoàn bên trong" có nghĩa là sản xuất và tiêu dùng trong nước, trong khi "tuần hoàn bên ngoài" đề cập đến sản xuất phục vụ cho xuất khẩu. Có sự đồng thuận cho rằng các chính sách của Trung Quốc sẽ nghiêng về ủng hộ tăng trưởng được thúc đẩy ở trong nước nhiều hơn. Đây có thể là một sự thay đổi về mức độ chú trọng kinh tế của Bắc Kinh, thoát khỏi việc phụ thuộc nặng nề vào các thị trường xuất khẩu trong những thập niên gần đây, đặc biệt là từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã có một số chính sách tái cân bằng. Xuất khẩu của nước này năm 2019 chiếm 18% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - bằng khoảng một nửa so với năm 2006. Giờ đây, sự dịch chuyển sang tăng trưởng được thúc đẩy ở trong nước thậm chí sẽ còn tăng tốc hơn nữa.

Lý do dẫn đến sự thay đổi trọng tâm tăng trưởng của Trung Quốc là đã rõ. Trật tự thương mại tự do dựa trên nguyên tắc vốn đã giúp tiếp thêm sức mạnh cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 20 năm qua đang bị lung lay. WTO, tổ chức được cho là giám sát hệ thống này đã bị gạt sang bên lề, bị thay thế bởi chủ nghĩa đơn phương mạnh mẽ, đặc biệt là về phần Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đang gặp trở ngại trong các mối quan hệ thương mại và đầu tư của mình với các cường quốc khác, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Australia và Ấn Độ. Các công ty Trung Quốc đang vấp phải các biện pháp kiểm soát gắt gao hơn tại các thị trường lớn ở nước ngoài. Đại dịch COVID-19 đã làm phức tạp hơn nữa những vấn đề này bằng việc khiến nhiều nước tăng cường kêu gọi giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, đặc biệt là đối với những sản phẩm "có tầm quan trọng chiến lược".

Hơn nữa, đại dịch cũng đã làm giảm bớt nhu cầu ở các thị trường nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc, hạ thấp triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của nước này. Những bất đồng thương mại cũng đã phơi bày một số điểm dễ bị tổn thương của Trung Quốc.

Tình hình khó khăn nhắm đến với các công ty công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là Huawei, đã khiến cho công ty này không còn có thể dễ dàng mua được những bộ vi mạch xử lý tiên tiến mà họ cần để sản xuất điện thoại thông minh và cơ sở hạ tầng viễn thông, đã làm nổi bật sự phụ thuộc sâu sắc của Trung Quốc vào nhập khẩu chất bán dẫn, ngành công nghiệp mà nước này chỉ tự cung cấp được 15%. Trung Quốc không còn có thể dễ dàng tiếp cận những công nghệ cốt lõi mà họ đã được hưởng cho đến nay. Sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường sản xuất trong nước.

Điều ngạc nhiên là ngay cả khi các nước khác đang thắt chặt giới hạn đầu tư đối với các công ty Trung Quốc, thì Bắc Kinh lại có vẻ như là đang nới lỏng quy định đối với các nhà đầu tư nước ngoài, một động thái được cho là góp phần ngăn chặn hiện tượng tháo chạy hàng loạt khỏi Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã mở cửa hơn nữa các thị trường tài chính và bảo hiểm của mình cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy các công ty nước ngoài ở Trung Quốc đang vững tin phần nào và nhận thấy môi trường chính sách đã được cải thiện.

Rào cản và sự khu biệt

Tuy nhiên, do xu hướng tập trung vào trong nước nhiều hơn trong các chính sách của Trung Quốc nên một số nhà quan sát cho rằng các công ty nước ngoài sẽ ngày càng cần theo đuổi chính sách "ở Trung Quốc, vì Trung Quốc". Đó là họ sẽ cần thay đổi từ việc sử dụng nước này như một cơ sở sản xuất cho xuất khẩu sang phục vụ nhiều hơn cho thị trường địa phương, cạnh tranh với các công ty địa phương.

Tuy nhiên, cho đến nay, đối với cả các công ty nước ngoài lẫn các công ty địa phương vốn tập trung vào xuất khẩu, việc chuyển hướng sang lĩnh vực trong nước có thể có nhiều thách thức. Thứ nhất, một số nhà quan sát chỉ ra rằng việc tập trung bộ máy xuất khẩu khổng lồ của Trung Quốc trở lại thị trường địa phương là rất khó khăn. Đơn giản vì lượng hàng hóa này quá khổng lồ, bán không thể hết trong nội địa. Các công ty cũng cần thay đổi các sản phẩm của họ để phục vụ thị hiếu địa phương, vốn khác nhiều với thị hiếu ở các thị trường xuất khẩu xưa nay.

Một vấn đề khác là phân phối thu nhập vốn đã rất chênh lệch trong bộ phận dân cư. Nhà kinh tế người Pháp Thomas Piketty nhận thấy rằng phần thu nhập trước thuế do 10% số người giàu nhất ở Trung Quốc nắm giữ tăng từ 27% vào cuối những năm 1970 đã tăng lên 41% vào năm 2015. Trong khi Trung Quốc được cho là có một tầng lớp trung lưu khoảng 400 triệu người và hơn 4 triệu triệu phú đô la, thì có khoảng 600 triệu người lại chỉ kiếm được 1.000 nhân dân tệ (khoảng 150 USD) một tháng, như thông báo tại cuộc họp báo chính phủ hồi tháng 5 vừa qua.

Đây là lý do chính giải thích tại sao phần tiêu dùng trong GDP của Trung Quốc chỉ chiếm 38,8%, so với 66% GDP ở Mỹ. Sức mua, đặc biệt là của những người lao động thu nhập thấp còn giảm hơn nữa trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Việc thay đổi thu nhập, của cải và sức mua có lợi cho các nhóm người nghèo hơn sẽ cần phải có những cải cách lớn. Chẳng hạn như mở rộng các mạng lưới an sinh xã hội - để người dân có thể tiêu dùng nhiều hơn. Nó cũng đòi hỏi phải rót trực tiếp nhiều nguồn lực hơn cho khu vực tư nhân, thay vì cho các doanh nghiệp nhà nước.

Một vấn đề khác được giáo sư ngành tài chính Michael Pettis thuộc trường Đại học Bắc Kinh nêu lên là có sự mâu thuẫn giữa việc thúc đẩy nhu cầu trong nước và gia tăng xuất khẩu. Ông lưu ý rằng tính cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc một phần là kết quả của việc người lao động được phân phối một phần ít giá trị của những gì mà họ sản xuất. Thúc đẩy tiêu dùng trong nước sẽ đòi hỏi họ phải được nhận phần lớn hơn rất nhiều. Nhưng điều đó sẽ làm xói mòn tính cạnh tranh xuất khẩu. Theo ông Pettis, "để tuần hoàn kép có hiệu quả tuần hoàn bên trong chỉ có thể đạt được khi gây phương hại cho tuần hoàn bên ngoài".

Ví dụ như khi mức lương của Trung Quốc tăng lên, đặc biệt là ở các tỉnh duyên hải, nhiều ngành công nghiệp tập trung nhiều lao động như may mặc, đồ chơi và giày dép trở nên mất tính cạnh tranh và bắt đầu chuyển sang các nước có mức lương thấp hơn như Bangladesh hay Campuchia.

Trung Quốc có thể vượt qua vấn đề mức lương cao đang làm xói mòn tính cạnh tranh xuất khẩu của nước này nếu họ chuyển sang sản xuất giá trị cao trên quy mô lớn, như Nhật Bản. Nhưng điều đó sẽ còn mất nhiều năm. Bởi vậy, dường như việc Trung Quốc dịch chuyển sang tăng trưởng được thúc đẩy ở trong nước nhiều hơn trong trường hợp tốt nhất là một tiến trình dần dần.

Bộ máy xuất khẩu của nước này sẽ tiếp tục có ý nghĩa then chốt. Nhưng, nó cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế mới là sẽ có nhiều hạn chế thương mại hơn và tốc độ tăng trưởng thấp hơn ở một số thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này và hầu như không có hy vọng nhận được sự bảo vệ của các định chế thương mại quốc tế.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả