Trung Quốc đau đầu giữa chống lạm phát và cứu tăng trưởng
Nếu lạm phát trong năm nay tiếp tục tăng, Trung Quốc sẽ không còn nhiều dư địa để dùng chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”...
Dù ở một cấp độ thấp hơn các nước châu Âu và Mỹ, nhưng lạm phát đang leo thang ở Trung Quốc. CNBC dẫn lời các chuyên gia đánh giá, tình trạng này đang thu hẹp cơ hội để Ngân hàng Trung ương nước này (PBOC) có thể giảm lãi suất và thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ khác để hỗ trợ tăng trưởng.
Đầu tuần này, số liệu mới nhất được công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc đều tăng mạnh hơn dự báo trong tháng Ba. Cụ thể, CPI tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 0,9% ghi nhận trong tháng 2. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 8,3%, giảm so với mức tăng 8,8% của tháng 2, nhưng cao hơn dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó.
“Giá lương thực-thực phẩm và năng lượng tăng đang đặt ra giới hạn đối với PBOC trong việc cắt giảm lãi suất, cho dù nền kinh tế đang yếu đi nhanh chóng”, chuyên gia kinh tế trưởng Ting Lu của Nomura nhận định.
Trong khi đó, trưởng nghiên cứu vĩ mô và chiến lược của China Renaissance, ông Bruce Pang đánh giá: “Chúng tôi cho rằng tháng 4 có thể là cơ hội cuối cùng để giới chức Trung Quốc cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn, trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành thu hẹp quy mô của bảng cân đối kế toán”.
Ông Pang cũng cho rằng nếu lạm phát tiếp tục tăng, giới chức Trung Quốc có thể không còn nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Dù vậy, các chuyên gia của Citigroup đánh giá PBOC có thể vẫn sẽ cắt giảm lãi suất ngay trong tháng này, hoặc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tập đoàn tài chính này đánh giá dịch COVID-19 bùng phát ở Thượng Hải gây nguy cơ gián đoạn đà phục hồi của nền kinh tế, đòi hỏi PBOC phải nới lỏng chính sách tiền tệ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận