Trung Quốc đang “thuần hóa bầy Chiến Lang”?
Ngày 20/12/2021, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) đã chỉ trích tình trạng ngoại giao hiện tại của nước này, đồng thời cảnh báo về “sự bất cẩn, lười biếng và kém cỏi”.
Ông nhắc nhở các đồng nghiệp của mình “hãy luôn nghĩ đến đất nước nói chung, và đừng lúc nào cũng nghĩ về việc trở thành một nhân vật nổi tiếng trên mạng”.
Theo The Diplomat, các bình luận trên nhấn mạnh thông điệp sắc bén nổi lên tại Trung Quốc trong vài năm gần đây, khi các quan chức ngoại giao nước này áp dụng một cách tiếp cận hung hăng, được nhiều người biết đến với tên gọi “Ngoại giao Chiến Lang”.
Mặc dù những chiến thuật cứng rắn của các “Chiến Lang” rõ ràng đã nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo hàng đầu tại Bắc Kinh, nhưng nhận xét công khai của Thôi Thiên Khải cho thấy cách tiếp cận của họ cũng cản trở quá trình thiết lập chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Các nhân vật cấp cao khác trong giới ngoại giao và chính sách của Trung Quốc, trong đó có nhà ngoại giao kỳ cựu Phó Oánh (Fu Ying) và học giả hàng đầu về quan hệ quốc tế Diêm Học Thông (Yan Xuetong), cũng đã chỉ trích chính sách ngoại giao hiếu chiến của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Do uy tín toàn cầu của Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát (ngay cả khi quan điểm của Mỹ đã tích cực hơn so với mức thấp nhất lịch sử vào năm 2020), có vẻ những lời kêu gọi về một chiến lược ngoại giao cân bằng hơn đã bắt đầu xuất hiện trong bộ máy lãnh đạo trung ương của Trung Quốc. Những sự kiện quan trọng trong suốt năm 2021 cho thấy các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đang điều chỉnh lại thông điệp đối ngoại của Trung Quốc, qua đó báo hiệu cho các “Chiến Lang” rằng họ cần “hạ giọng”.
“Thuần hóa bầy Chiến Lang”
Một trong số những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Bắc Kinh đang suy tính lại là phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một phiên họp của Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào tháng 5/2021. Tại phiên họp này, Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc cần cải thiện cách giao tiếp với quốc tế, nhằm “mở rộng vòng tròn những người bạn thấu hiểu Trung Quốc”.
Để đạt được điều này, ông kêu gọi các quan chức xây dựng một hình ảnh Trung Quốc “đáng tin cậy, đáng mến và đáng được kính trọng” ở nước ngoài. Trong khi nhiều nhà phân tích ban đầu tỏ ý nghi ngờ khả năng những chỉ thị này sẽ tạo nên một bước ngoặt lớn trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, một số thay đổi đáng chú ý về nhân sự và thông điệp ngoại giao của nước này kể từ tháng 6/2021 đến nay cho thấy Bắc Kinh đã có nhiều nỗ lực để kiềm chế các “Chiến Lang”.
Ngay cả Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), người phát ngôn mạnh mồm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, được coi là người đi tiên phong trong chính sách “Ngoại giao Chiến Lang”, dường như cũng “hạ giọng” khi nói đến một số vấn đề nóng. Triệu Lập Kiên đã trở nên nổi tiếng toàn cầu vào đầu năm 2020, thu hút sự chú ý vì không ngừng củng cố các thuyết âm mưu trên mạng xã hội Twitter cho rằng đại dịch COVID-19 bắt nguồn từ Fort Detrick, một căn cứ quân sự của Mỹ ở Maryland. Tuy nhiên, các bài đăng của Triệu Lập Kiên về nguồn gốc COVID-19 đã giảm xuống trong năm 2021; Ông đã 13 lần viết về Fort Detrick từ ngày 8/4/2021 đến ngày 3/9/2021, sau đó đột ngột dừng lại. Bài viết gần nhất của ông về thuyết âm mưu này được đăng khoảng một tuần trước thời điểm diễn ra cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Kết luận
Có một loạt yếu tố khiến thời điểm hiện tại là cơ hội để Bắc Kinh điều chỉnh thông điệp ngoại giao của mình. Với việc Tập Cận Bình sắp bước vào nhiệm kỳ chủ tịch thứ ba - qua đó phá vỡ tiền lệ - tại Đại hội ĐCSTQ cuối năm 2022, cũng như việc Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Olympic mùa Đông gây tranh cãi vào tháng 2 tới, những lo ngại ở trong nước năm nay có khả năng được ưu tiên hơn so với những mối lo từ bên ngoài. Hơn nữa, với việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính sách ngoại giao thù địch của ông hiện được thay thế bằng chính quyền Biden vốn ít cứng rắn hơn, Trung Quốc có lẽ đang tiết chế giọng điệu nhằm ổn định mối quan hệ có nhiều xích mích với Mỹ.
Mặc dù chúng ta chưa thấy có sự thay đổi đáng kể nào so với cuộc tranh luận nảy lửa gần đây của một số chuyên gia và quan chức ngoại giao, nhưng bằng chứng trên đã cho thấy sự khác biệt so với thái độ quá khích của các “Chiến Lang” trước đây. Trên thực tế, chúng ta không nên mong đợi những thay đổi lớn đối với thông điệp của Trung Quốc về sự suy tàn của Mỹ, sự bao vây của phương Tây đối với Trung Quốc hoặc những vấn đề nhân quyền, nhưng dường như Trung Quốc đang có một sự thay đổi nhỏ trong giọng điệu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận