Trung Quốc đang hành động để 'phản đòn' Mỹ?
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc tới Trung Đông là cơ hội để Bắc Kinh tìm kiếm một mặt trận thống nhất đối phó loạt lệnh trừng phạt từ Washington.
Hôm 24/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu thực hiện chuyến thăm kéo dài 1 tuần tới khu vực Trung Đông. Đây sẽ là dịp để ông Vương bàn thảo về thỏa thuận hạt nhân Iran, cũng như mở rộng liên minh nhằm đối phó trước loạt lệnh trừng phạt mới từ phương Tây.
Điểm đến đầu tiên trong hành trình tới Trung Đông của ông Vương là Ả Rập Xê-út, sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain và Oman. Ông Vương sẽ trở lại Bắc Kinh vào ngày 30/3.
Theo ông Hua Liming, cụu đại sứ Trung Quốc ở Iran, chuyến công tác của ông Vương nhằm “mở rộng vòng tròn bằng hữu và nâng cấp quan hệ với những quốc gia này”.
“Trung Quốc muốn nhắn gửi một thông điệp rõ ràng tới Mỹ là Bắc Kinh vẫn giữ vai trò chủ chốt trong vấn đề hạt nhân Iran và sẽ không có giải pháp nào được đưa ra nếu như không có sự tham gia của Trung Quốc”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Hua.
Chuyến công tác của ông Vương được thực hiện sau khi ông và ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc có cuộc họp chính thức đầu tiên tại bang Alaska với hai quan chức hàng đầu trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden là Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Antony Blinken vào tuần qua.
Phát biểu sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Blinken thừa nhận Mỹ - Trung vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng sâu sắc. Song nhà ngoại giao Mỹ khẳng định hai nước có lợi ích giao thoa trong vấn đề Iran, Triều Tiên, Afghanistan và biến đổi khí hậu.
Chuyến thăm có làm nên kỳ tích?
Ông Vương sẽ là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc thực hiện chuyến thăm chính thức tới Iran kể từ sau chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2016.
Chuyến công tác của ông Vương nhằm mục đích khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được Iran ký kết với các cường quốc hạt nhân gồm Mỹ, Anh, Nga, Pháp và Đức, Trung Quốc vào năm 2015. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi JCPOA vào năm 2018, đồng thời quay trở lại áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran.
“Trung Quốc từng đóng vai trò chủ chốt trong tiến trình ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và chủ động hợp tác với phía Mỹ trong vấn đề Iran”, ông Hua cho hay.
Trong khi đó, Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, nếu như Tehran tái thi hành những cam kết trong thỏa thuận. Song Iran cho rằng, Mỹ mới là bên đầu tiên cần phải xóa bỏ các lệnh trừng phạt.
Trong năm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc cũng từng 2 lần nói chuyện với ông Robert Malley, đại sứ phụ trách vấn đề Iran của chính quyền Tổng thống Biden.
“Vấn đề Iran vẫn là lĩnh vực gần như đứng đầu để Trung Quốc và Mỹ tìm kiếm cơ hội hợp tác bên cạnh biến đổi khí hậu”, ông Hua nói thêm.
Ông Yin Gang, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề về Trung Đông và hiện công tác tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng đồng tình với nhận định của ông Hua. Song theo ông Yin, chuyến công tác của Bộ trưởng Vương dường như không thể tạo ra kỳ tích.
“Ông Vương gần như cố gắng hòa giải Tehran và Washington, cũng như giữa Tehran với các nươc Ả Rập. Nhưng chuyện này vô cùng khó khăn và chuyến thăm của ông Vương là nhằm chứng minh Trung Quốc đang cố gắng có những nỗ lực giải quyết các vấn đề trên”, ông Yin cho hay.
Ông Shi Yinhong, một chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng “Trung Quốc có thể tìm kiếm một mặt trận thống nhất để chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây”.
Điều này được chứng minh thông qua tuyên bố hôm 23/3 của ông Vương với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov. Theo ông Vương, Nga – Trung cần “hợp tác với nhau để chống lại lệnh trừng phạt”.
Ông Jonathan Fulton, Phó giáo sư tại Đại học Zayed ở Abu Dhabi, nhận định Bắc Kinh đang hành động để phản đòn Washington.
“Chuyến thăm của ông Vương tới Trung Đông là cơ hội để Trung Quốc thắt chặt các mối quan hệ với những nước có chung mối quan ngại như Trung Quốc về chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Biden”, ông Fulton nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận