Trung Quốc dần bị đẩy lùi khỏi một số chuỗi cung ứng
Các nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm định hình lại chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đang dần cho thấy những kết quả nhất định tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Sự thay đổi dòng chảy thương mại châu Á
Hôm 14-5, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tăng thuế quan lên một loạt hàng hoá Trung Quốc, từ chip máy tính cho tới ô tô điện.
Theo Bloomberg, đây chỉ là động thái mới nhất trong một chiến dịch đã kéo dài suốt vài năm qua của Mỹ nhằm điều chỉnh lại các tuyến thương mại ở châu Á. Các số liệu gần đây cho thấy những nỗ lực này của Washington bước đầu đã mang lại những kết quả nhất định trong việc định hình lại chuỗi cung ứng trong khu vực.
Thay đổi đáng kể nhất là với Đài Loan. Các số liệu mới công bố hôm 10-5 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của hòn đảo này sang Mỹ trong tháng 4 năm nay đã tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục.
Tính chung trong bốn tháng đầu năm, xuất khẩu của Đài Loan sang Mỹ đã vượt cả kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc, vốn đang trong xu hướng giảm. Thậm chí ngay cả khi tính thêm Hồng Kông, tỷ trọng của thị trường Trung Quốc trong hoạt động thương mại của Đài Loan vẫn có chiều hướng giảm sút.
Tình hình tương tự cũng diễn ra với nhiều nền kinh tế khác trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc. Cả hai nước này đều đang chứng kiến tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ gia tăng, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm xuống. Theo Nikkei Asia, trong năm ngoái Mỹ đã lần đầu tiên sau bốn năm vượt qua Trung Quốc để trở thành điểm đến lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Nhật Bản.
Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ trong tháng 12-2023 cũng đã có lần đầu tiên sau 20 năm vượt xa kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Tính chung trong cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 124,8 tỉ đô la, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 142,8 tỉ đô la.
Những sự thay đổi này được coi là ví dụ rõ nét cho thấy căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã định hình lại các chuỗi cung ứng tại châu Á, và thậm chí dần đẩy lùi Trung Quốc khỏi một số chuỗi cung ứng.
Sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư
Song song với sự thay đổi trong dòng chảy thương mại, dòng vốn đầu tư cũng đang ghi nhận những biến động lớn. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản tiến hành xây dựng nhà máy ở Mỹ để tận dụng các khoản trợ cấp của Chính phủ Mỹ dành cho các ngành công nghệ cao. Bên cạnh đó, nhiều công ty toàn cầu cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào các khu vực khác tại châu Á như Ấn Độ hay Đông Nam Á để tránh thuế quan của Mỹ đối với hàng hoá Trung Quốc.
“Đây là một chủ đề mang tầm khu vực phản ánh cuộc chiến thương mại và tiếp đó là cuộc chiến đầu tư. Tôi cho là xu hướng này sẽ được đẩy mạnh”, nhà kinh tế Trinh Nguyen của ngân hàng đầu tư Natixis nhận định.
Hồi tháng trước, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới của Đài Loan, TSMC, đã tuyên bố sẽ mở rộng dự án đầu tư tại Mỹ với quy mô lên tới 65 tỉ đô la. Động thái này diễn ra sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết cung cấp các gói hỗ trợ với trị giá lên tới 6,6 tỉ đô la để thúc đẩy các cơ sở của công ty ở bang Arizona sớm đi vào hoạt động, sản xuất khoảng một phần năm số chip tiên tiến nhất thế giới vào năm 2030.
Ngoài các khoản đầu tư tại Mỹ, TSMC cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào Nhật Bản, một đồng minh gần gũi với Mỹ trong khu vực. Foxconn, một tập đoàn lớn khác của Đài Loan được biết đến là nhà cung cấp hàng đầu của Apple, đang xây dựng năng lực sản xuất tại Ấn Độ, trong khi Pegatron, một doanh nghiệp Đài Loan khác chuyên sản xuất các bộ phận của iPhone và máy tính, đang đầu tư vào Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, các công ty nước ngoài ngày càng ngần ngại với việc mở rộng hoạt động tại thị trường Trung Quốc. Một khảo sát mới đây cho thấy, chỉ 13% số doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động ở Trung Quốc cho biết vẫn coi nước này là một điểm đến đầu tư hàng đầu. Con số này chỉ bằng một nửa tỷ lệ của năm 2021.
Các số liệu từ Bộ Tài chính Hàn Quốc cho thấy, dòng vốn đầu tư trực tiếp mới của doanh nghiệp nước này vào Trung Quốc trong năm ngoái chỉ đạt 1,87 tỉ đô la – giảm 78,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do sự đi xuống của ngành sản xuất. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1992, Trung Quốc rơi khỏi nhóm năm điểm đến hàng đầu của FDI Hàn Quốc.
Tương tự, dòng vốn đầu tư mới của Nhật Bản vào Trung Quốc cũng đã giảm liên tục kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2021, và rơi xuống mức thấp nhất trong gần một thập kỷ trong năm ngoái.
Thị trường ô tô Trung Quốc – nơi các thương hiệu nước ngoài đang chứng kiến thị phần ngày càng giảm, là một ví dụ rõ nét. Tập đoàn ô tô Hyundai của Hàn Quốc đã phải chấp nhận bán lỗ nhà máy ở Trùng Khánh sau khi doanh số bán hàng sụt giảm mạnh. Hãng xe Mitsubishi Motors của Nhật Bản cũng quyết định chấm dứt sản xuất tại Trung Quốc, trong khi Honda Motor mới đây đã phải cho khoảng 1.700 nhân viên tự nguyện nghỉ việc do doanh số bán hàng ảm đạm.
Đài Loan là một trường hợp đặc biệt hơn cả. Theo Bloomberg, mặc dù quan hệ chính trị giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục thường trong tình trạng căng thẳng, hai bên vẫn có mối ràng buộc khá chặt chẽ về mặt kinh tế.
Trong quá khứ, dù Mỹ là điểm đến cuối cùng đối với nhiều hàng hóa thành phẩm của Đài Loan, quy trình sản xuất các sản phẩm này thường đi qua Trung Quốc, nơi các công ty Đài Loan đã thiết lập nhiều nhà máy trong làn sóng đầu tư hồi đầu thế kỷ 21. Các công ty Đài Loan thông thường sẽ vận chuyển linh kiện sang Trung Quốc để lắp ráp, rồi vận chuyển hàng thành phẩm từ Trung Quốc sang Mỹ hoặc châu Âu.
Tuy nhiên, giờ đây mối quan hệ kinh tế này cũng đang có dấu hiệu suy yếu. Nhưng số liệu mới nhất cho thấy hàng xuất khẩu của Đài Loan đã bắt đầu bớt phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Lượng vốn đầu tư mới của Đài Loan vào Trung Quốc cũng đã giảm mạnh từ mức đỉnh 14,6 tỉ đô la vào năm 2010 xuống chỉ còn 3 tỉ đô la trong năm ngoái, thậm chí ngay cả khi các công ty Đài Loan đang thực hiện các khoản đầu tư kỷ lục ra nước ngoài.
Trung Quốc nỗ lực giữ vững vị thế tại châu Á
Tất cả những thay đổi kể trên cho thấy các chuỗi cung ứng toàn cầu đang dần được định hình lại sau đại dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung được phát động bởi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều diễn ra đúng như những gì mà ông Trump và những người khác có thể đã kỳ vọng khi cuộc chiến này nổ ra vào năm 2018. Theo chuyên gia Trinh Nguyen của ngân hàng đầu tư Natixis, Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn thất thế vì các công ty của nước này cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào Đông Nam Á để tránh thuế quan của Mỹ và đảm bảo thị phần của họ trong chuỗi cung ứng.
Một báo cáo mới cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm ngoái đã đạt gần 20 tỉ đô la, tăng mạnh 37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khoảng 50% đầu tư của Trung Quốc tại khu vực đổ vào Đông Nam Á, tăng 27% so với năm trước. Indonesia là nước nhận nhiều vốn đầu tư nhất với khoảng 7,3 tỉ đô la.
Theo Nikkei, các công ty tư nhân Trung Quốc hiện đang tham gia đầu tư ngày càng mạnh mẽ hơn vào khu vực, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi năng lượng và vật liệu pin. Điều này càng nhấn mạnh việc Trung Quốc đang vươn lên dẫn đầu chuỗi cung ứng công nghiệp năng lượng tái tạo và khoáng sản quan trọng của thế giới.
Các chuyên gia đánh giá, những nỗ lực này sẽ tiếp tục đảm bảo cho vị thế của các doanh nghiệp Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khu vực, bất chấp các áp lực ngày càng gia tăng từ Mỹ.
“Thuế quan của Mỹ là hiệu quả nếu xét đến việc làm giảm được kim ngạch nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc vào Mỹ, nhưng chưa hiệu quả nếu xét đến việc hàng hoá của Trung Quốc vẫn tìm được đường để vào Mỹ”, Giáo sư Henry Gao thuộc Đại học Quản lý Singapore, một nhà nghiên cứu về chính sách thương mại của Trung Quốc, nhận định.
Dù vậy, ông Gao cho rằng nếu mục tiêu cuối cùng của Mỹ là dịch chuyển chuỗi cung ứng về gần quê nhà (near-shoring) hoặc tới những nước thân thiện (friend-shoring), thì chiến lược đó cũng đang dần phát huy những tác dụng nhất định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận