Trung Quốc có thêm bốn tháng nhập máy sản xuất chip từ ASML
Các nhà sản xuất chip Trung Quốc có thể nhập khẩu máy in thạch bản DUV từ ASML đến hết năm nay, sau khi được Hà Lan chấp thuận.
ASML ngày 1/9 cho biết, kết từ 1/1/2024, công ty sẽ không thể bán mẫu Twinscan NXT:2000i cho các công ty Trung Quốc. Twinscan NXT:2000i hiện sử dụng công nghệ in thạch bản nhúng (DUV) nhưng là sản phẩm có khả năng tương thích cao nhất với các cỗ máy khác dùng công nghệ quang khắc cực tím (EUV) tiên tiến nhất hiện nay. Đây cũng là thiết bị mà các công ty sản xuất chip Trung Quốc mong muốn sở hữu trong quá trình tự chủ bán dẫn.
"Theo quy định kiểm soát xuất khẩu mới, chúng tôi có thể bán hệ thống này đến hết năm nay", ASML cho biết.
Một kỹ sư ASML đang vận hành máy in thạch bản ở Veldhoven, Hà Lan, ngày 16/6. Ảnh: Reuters
Trước đó, ngày 30/6, chính phủ Hà Lan cho biết sẽ yêu cầu các công ty trong nước phải nộp đơn xin phép nếu muốn bán thiết bị sản xuất chip ra nước ngoài. Quy định có hiệu lực từ 1/9 và doanh nghiệp được nhắc đến nhiều nhất là ASML, trong khi quốc gia được đánh giá bị ảnh hưởng nhất là Trung Quốc.
Trong lệnh cấm này, các hệ thống có khả năng sản xuất chip ở quy trình dưới 10 nm sẽ không được xuất khẩu sang nước khác trừ khi được Hà Lan cho phép. Trong khi đó, những cỗ máy DUV khác với tiến trình trên 10 nm khác như Twinscan NXT:1980i hay Twinscan NXT:1980Di không bị kiểm soát, nhưng chúng không đủ cho tham vọng tự chủ bán dẫn của Trung Quốc.
Sản phẩm của ASML đóng vai trò trung tâm trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính phủ Mỹ gây áp lực với Hà Lan nhằm ngăn nước này cấp giấy phép xuất khẩu cần thiết để ASML chuyển giao máy quang khắc cho khách hàng Trung Quốc.
ASML đã bị cấm bán các cỗ máy máy EUV cho Trung Quốc kể từ 2019. Công ty Hà Lan vẫn xuất khẩu DUV, nhưng sẽ bị hạn chế từ cuối năm nay. Giới quan sát đánh giá động thái mới của Hà Lan được xem như hành động nới lỏng để các công ty Trung Quốc có thêm thời gian chuẩn bị.
Một CEO lĩnh vực bán dẫn cho biết thời gian qua Bắc Kinh liên tục thúc đẩy sử dụng công cụ sản xuất trong nước, nhưng tỷ lệ nội địa hóa trong các xưởng đúc chip hiện chỉ chiếm 15%. 85% máy móc còn lại đến từ Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản.
Trong khi đó, dữ liệu Hải quan Trung Quốc cho thấy, việc nhập khẩu công cụ sản xuất chip của nước này trong tháng 6 và tháng 7 đạt tổng cộng gần 5 tỷ USD, tăng 70% so với 2,9 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. "Đây là một trong những phản ứng của Trung Quốc trước bối cảnh bị hạn chế", Lucy Chen, Phó chủ tịch công ty nghiên cứu Isaiah Research, nói với FT. "Trung Quốc đã tăng trữ lượng tồn kho thiết bị bán dẫn nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tiềm ẩn về thiếu hụt trong chuỗi cung ứng".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận