Trung Quốc có thay đổi chính sách tiền tệ?
Cùng với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, từ đầu năm 2020 tới nay, kinh tế vĩ mô được dẫn dắt bởi chính sách tài chính, nhưng giới kinh tế không còn căng thẳng như trước về chính sách tiền tệ nữa.
Ngày 17/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục gần bằng 0 hiện nay, đồng thời cam kết duy trì lãi suất ở mức từ 0 tới 0,25%, đến khi điều kiện thị trường lao động được cải thiện và lạm phát ở mức mong muốn.
Giống như trước đây, sau khi kết quả các cuộc họp về chính sách lãi suất của Fed được công bố, giới kinh tế sẽ lại dồn sự quan tâm chú ý vào cơ quan quản lý tiền tệ Trung Quốc để cố gắng tìm hiểu những thay đổi về chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nếu chú ý có thể thấy tới nay, chính sách tiền tệ của Trung Quốc vẫn ổn định trên khung được thiết lập vào đầu năm 2020, chỉ có một số điều chỉnh nhỏ.
Như cách nói của cơ quan quản lý tiền tệ Trung Quốc, nhiệm vụ cơ bản nhất, cũng chính là mục tiêu chủ chốt của việc thực hiện chính sách tiền tệ, là trợ giúp "6 bảo đảm" (bảo đảm việc làm, bảo đảm sinh kế cơ bản của người dân, bảo đảm chủ thể thị trường, bảo đảm an ninh lương thực và an ninh năng lượng, bảo đảm ổn định chuỗi cung ứng và chuỗi ngành nghề, bảo đảm vận hành ở cơ sở), đồng thời thúc đẩy "6 ổn định" (ổn định việc làm, ổn định tài chính, ổn định ngoại thương, ổn định đầu tư nước ngoài, ổn định đầu tư và ổn định kỳ vọng).
Một số chuyên gia tài chính cũng cho rằng chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ không có những thay đổi lớn như thay đổi lãi suất.
Tuy nhiên, theo tờ Economic Journal, giới kinh tế Trung Quốc bắt đầu chú ý tới xu hướng chính sách tiền tệ. Có người đã đưa ra một số đề xuất đặc biệt. Có chuyên gia nêu yêu cầu cần bức thiết giải quyết vấn đề dòng tiền chỉ luân chuyển trong các tổ chức tài chính, không được rót vào nền kinh tế thực thể. Cũng có nhà nghiên cứu chủ trương giảm lãi suất toàn diện và coi đây là “con đường tài chính” mà Trung Quốc cần phải đi.
Vào tháng 4/2020, chuyên gia kinh tế trưởng Lý Tấn Lôi thuộc Công ty chứng khoán Trung Thái (Zhongtai Securities) đã làm dấy lên những đồn đoán khác nhau khi công bố một bài phân tích dài về tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc.
Gần đây, chuyên gia Lý Tấn Lôi lại gây chú ý bởi bài viết mang tính hỏi đáp về những xu thế lớn trong lĩnh vực kinh tế dài tới 10.000 từ. Về trung hạn, chuyên gia này cho rằng vẫn còn tồn tại tình trạng dòng tiền chỉ chảy trong các tổ chức tài chính ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc có cần phải đưa ra biện pháp kích thích kinh tế mạnh hay không? Theo chuyên gia Lý Tấn Lôi, chính sách của Trung Quốc cần phải cân nhắc nhiều hơn tới chuyện lâu dài và vấn đề kết cấu.
Khi đánh giá về chính sách vĩ mô, chuyên gia này cho rằng chính sách tiền tệ cứ nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại phải ngăn chặn tình trạng “dòng nước lớn, nhưng lại chảy chậm”.
Năm 2015, Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 5 lần, giảm lãi suất 5 lần, sau đó phát hiện đại bộ phận tiền bơm ra không chảy vào nền kinh tế thực thể, phần lớn chảy vào thị trường vốn, khiến cho thị trường vốn chao đảo mạnh. Bài học kinh nghiệm này rất sâu sắc, cho nên chính sách hiện nay cần chú ý hơn tới tính hiệu quả.
Theo chuyên gia Lý Tấn Lôi, chính sách tài chính và chính sách tiền tệ hiện nay đều là chính sách mang tính tổng lượng. Trong khi đó, chính sách tổng lượng có vai trò tương đối hạn hẹp trong việc giải quyết vấn đề kết cấu mà kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt hiện nay.
Muốn giải quyết tình hình này, Trung Quốc cần phải “giảm lãi suất toàn diện”. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh, việc Trung Quốc không giảm lãi suất chính là nguyên nhân chủ yếu khiến tiêu dùng hồi phục chậm chạp.
Kể từ quý II/2020 trở lại đây, kinh tế Trung Quốc tuy đã trở lại tăng trưởng dương, nhưng mức độ khôi phục trong lĩnh vực tiêu dùng và dịch vụ vẫn thấp hơn kỳ vọng. Đại bộ phận ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể đối mặt với áp lực sinh tồn tương đối lớn.
Đối mặt với dịch bệnh, cung ứng tiền tệ ở Trung Quốc có chút nới lỏng so với chính sách chắt chặt của vài năm trước, nhưng nói chung Bắc Kinh vẫn rất kiềm chế về chính sách tiền tệ, đặc biệt giảm lãi suất không đủ mạnh.
Xem xét ở khía cạnh giảm giá thành sản xuất cho doanh nghiệp và ổn định tiêu dùng, việc giảm mạnh lãi suất sẽ mang lại hiệu quả giảm giá thành sản xuất cho doanh nghiệp hơn bất cứ chính sách tài chính nào. Hơn nữa, giảm lãi suất còn là lựa chọn tốt nhất để ổn định tiêu dùng, vấn đề rất bức thiết hiện nay.
Nói tóm lại, theo chuyên gia Lý Tấn Lôi, giảm lãi suất toàn diện nên là công cụ chính sách tiền tệ mà Trung Quốc cần lựa chọn và lựa chọn đầu tiên, không chỉ nhằm giảm giá thành huy động vốn của doanh nghiệp, cải thiện lợi nhuận doanh nghiệp, mà còn nhằm thúc đẩy tiêu dùng hồi phục, thay đổi sự mất cân bằng mang tính kết cấu về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận