Trung Quốc có nhiều khoản cho vay bị che giấu
Việc minh bạch các khoản nợ là cần thiết cho sự phát triển kinh tế, khi các khoản nợ bị che giấu, nó sẽ trở thành vấn đề đối với tất cả chứ không phải riêng gì của WB hay IMF.
Nhiều khoản nợ “bí mật”
Gần đây các chuyên gia cảnh báo rằng các khoản tiền mà Trung Quốc cho các quốc gia khác vay dưới hình thức “bí mật” đã cao hơn rất nhiều so với con số theo dõi. Thực tế đó sẽ dẫn đến nhiều khoản nợ bị che giấu và các rủi ro liên quan sẽ ngày càng tăng. Theo giáo sư Carmen Reinhart của trường Kennedy tại Đại học Harvard thì sự không minh bạch này sẽ ảnh hưởng tới các nhà đầu tư trái phiếu hoặc ảnh hưởng tới các tổ chức tài chính quốc tế.
Nhiều quốc gia tăng phát sinh chi phí khi khoản nợ của Trung Quốc bị che giấu |
Giáo sư Carmen Reinhart cho rằng vai trò chủ nợ toàn cầu của Trung Quốc gia tăng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều khoản vay mượn không được báo cáo cho IMF hoặc WB. Điều đó đã dẫn đến sự đánh giá sai lệch về tình trạng nợ nần của các quốc gia; cản trở IMF hoặc WB trong việc phân tích tính bền vững của nợ, bao gồm việc phân tích gánh nặng nợ quốc gia, đưa ra những khuyến nghị phù hợp trong chiến lược vay nợ để có thể giới hạn được rủi ro của tình trạng nợ nần. Ngoài ra, đối với các nhà đầu tư, các nguồn thông tin bị giới hạn sẽ cản trở họ ra quyết định đầu tư vào các trái phiếu được phát hành bởi các quốc gia nếu như họ không biết chính xác mức vay nợ thực tế của quốc gia đó là như thế nào.
Ông cũng cảnh báo, từ năm 2011 đã có rất nhiều khoản vay được cung cấp bởi các chủ nợ Trung Quốc cần phải được cơ cấu lại hoặc thỏa thuận lại. Đó là các khoản nợ dành cho Sri Lanka, Ukraina, Venezuela, Ecuador, Bangladesh và Cuba. Trung Quốc không phải là thành viên và cũng không hứng thú trở thành thành viên của Câu lạc bộ nợ Paris - một nhóm các quốc gia là chủ nợ với mục đích hỗ trợ các nước khác. Một ví dụ về những khoản vay không rõ ràng là trường hợp của Venezuela - các khoản vay đã được quy đổi bằng dầu. Ông David Malpass - Chủ tịch hiện tại của WB chia sẻ, thực tế này đã che giấu số lượng tiền thanh toán thực tế.
Ông Kaho Yu - chuyên gia cao cấp phân tích khu vực châu Á của Verisk Maplecroft cũng cho rằng, mặc dù các khoản nợ của Trung Quốc có thể giúp các quốc gia phát triển nhưng nếu không được khai báo sẽ có thể dẫn đến sự suy giảm kinh tế của chính các quốc gia vay vốn. Trung Quốc có thể đảm bảo cho các nước đang phát triển rằng chi phí của các khoản vay sẽ được bù đắp bởi nguồn thu của các dự án trong dài hạn khi chúng đi vào hoạt động, nhưng không có một sự bảo lãnh nào được đưa ra.
Thiếu minh bạch
Tại diễn đàn “Một vành đai, một con đường” được tổ chức tại Bắc Kinh lần thứ 2 vào tháng trước, Thống đốc NHTW Trung Quốc - Yi Gang cho biết, hiện các tổ chức tài chính của Trung Quốc đã cung cấp hơn 440 tỷ USD để tài trợ cho sáng kiến này. Rất nhiều chính sách cho vay trong khuôn khổ sáng kiến này đã được thực hiện thông qua 2 ngân hàng chính sách là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc. Trong đó Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc đã cung cấp 149 tỷ USD cho hơn 1.800 dự án của sáng kiến và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã cung cấp hơn 190 tỷ USD cho hơn 600 dự án kể từ năm 2013.
Theo Kaho Yu, nếu có sự thiếu minh bạch của các khoản vay cũng có nghĩa là tồn tại sự không chắc chắn của các dự án. Một ví dụ điển hình trong trường hợp này đó là Sri Lanka - đã phải bàn giao một cảng biển chiến lược cho Bắc Kinh vào năm 2017 sau khi không thể trả được các khoản nợ cho các công ty của Trung Quốc. Khi các quốc gia muốn vay tiền của Bắc Kinh nhưng buộc phải ký cam kết thực hiện những vấn đề thuộc về lãnh thổ quốc gia, hoặc phải nhượng bộ mạnh mẽ nếu họ không đáp ứng được các nghĩa vụ nợ được xem là hiện tượng “ngoại giao bẫy nợ” mặc dù chính quyền của Trung Quốc đã phủ nhận điều này.
Trước thực tế đó, IMF và WB đều yêu cầu cần phải minh bạch hơn nữa khối lượng và kỳ hạn các khoản vay vào các cuộc họp hàng năm. Những bên vay vốn cần phải có dữ liệu nợ toàn diện và kịp thời để đưa ra các quyết định sáng suốt, đồng thời những người cho vay cũng cần phải quản lý rủi ro vay mượn hiệu quả hơn. Điều đó sẽ giúp cho cả bên vay và cho vay giảm thiểu được chi phí vay mượn.
Hơn nữa, các tổ chức quốc tế cũng cho rằng, minh bạch nợ sẽ giúp cho người dân quản lý được trách nhiệm của Chính phủ. Việc minh bạch các khoản nợ là cần thiết cho sự phát triển kinh tế, khi các khoản nợ bị che giấu, nó sẽ trở thành vấn đề đối với tất cả chứ không phải riêng gì của WB hay IMF.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận