Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ trái phiếu lần thứ 3?
Theo nhiều chuyên gia, nếu không xuất hiện động lực tăng trưởng mới thì Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ trái phiếu bất động sản thêm một lần nữa.
S&P Global Ratings, công ty sở hữu hơn 1.400 nhà phân tích tín dụng và hơn 1,2 triệu xếp hạng tín dụng đã công bố cho các chính phủ, tập đoàn kinh tế lớn – vừa đưa ra cảnh báo mới với nền kinh tế Trung Quốc.
Kết quả phân tích gần đây cho rằng, Trung Quốc đang tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến vỡ nợ trái phiếu trong năm 2025. Nếu điều này xảy ra, đây là vụ vỡ nợ trái phiếu thứ 3 trong vòng một thập kỷ tại nền kinh tế số 2 thế giới.
Charles Chang, người đứng đầu S&P Global chi nhánh Trung Quốc nói: “Điều thực sự cần theo dõi đối với các nhà hoạch định chính sách là liệu các chỉ thị hiện tại có đang tạo ra những động cơ méo mó trong nền kinh tế hay không”.
Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp mạnh ngăn ngừa rủi ro tài chính, đặc biệt “núi nợ” khổng lồ tại các địa phương, bất động sản mất thanh khoản trầm trọng. Các chuyên gia cho rằng, cách tiếp cận có phần “nặng tay” có thể xảy ra đợt vỡ nợ tiếp theo.
Ví dụ, phương pháp “sách trắng bất động sản”, “ba lằn ranh đỏ” gần như loại bỏ hoàn toàn khả năng tiếp cận “phao cứu sinh” của doanh nghiệp cỡ vừa - vốn chiếm đa số. Chính bất động sản đã và sẽ dẫn đầu nguy cơ vỡ nợ trái phiếu từ năm 2020 - 2025.
Theo cơ chế này, hơn 6.000 dự án bất động sản trên khắp Trung Quốc đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, ông Ni Hong, Bộ trưởng Nhà đất khẳng định Bắc Kinh sẽ không giải cứu những công ty đang “khủng hoảng nghiêm trọng”.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 5,2% trong năm ngoái và Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% cho năm 2024. Tuy nhiên dự báo của các nhà phân tích nhìn chung là gần hoặc thấp hơn con số đó.
Phần lớn tài sản của các hộ gia đình ở Trung Quốc là bất động sản. Vì vậy, bất cứ đợt vỡ nợ trái phiếu nào cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Charles Chang nói: “Vấn đề lớn hơn đối với chính phủ là liệu thị trường bất động sản có thể ổn định và giá bất động sản có thể ổn định hay không. Điều đó có khả năng giảm bớt một số tác động tiêu cực đến tài sản mà chúng ta đã thấy kể từ giữa năm ngoái”.
Trung Quốc tìm cách tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, cũng như tăng cường mạng lưới an sinh xã hội để các hộ gia đình sẵn sàng chi tiêu hơn. Vẫn còn phải xem liệu các lĩnh vực khác có thể “hóa giải” lực cản của bất động sản đối với nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng tổng thể hay không?
Mặt khác, sự tham gia quá lớn của bất động sản trong cơ cấu nền kinh tế cũng là “con dao hai lưỡi” - tại Trung Quốc, mảng bất động sản chiếm tới 1/3 GDP - quá cồng kềnh để có thể giải cứu toàn bộ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận