Trung Quốc có muốn gia tăng quyền lực mềm bằng vắc-xin Covid-19?
Khi cuộc đua vắc-xin nóng lên, Trung Quốc đã hứa với các quốc gia ở Đông Nam Á và châu Phi rằng họ sẽ đứng đầu danh sách được cung cấp vắc-xin do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại đặt câu hỏi về “lòng tốt” này. Trung Quốc đã cấp cho một số quốc gia đang phát triển từ Malaysia và Philippines đến một số quốc gia châu Phi quyền ưu tiên tiếp cận với vắc-xin coronavirus mà họ hiện đang phát triển.
Các công ty Trung Quốc cũng đã ký thỏa thuận với một số quốc gia đang phát triển này để thử nghiệm và sản xuất vắc-xin. Các chuyên gia cho rằng động cơ đằng sau lời hứa này là tham vọng gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc.
Imogen Page-Jarrett của The Economist Intelligence Unit cho biết: “Tôi không nghĩ lời hứa của Trung Quốc hoàn toàn vô tư, tôi nghĩ rằng họ đang tìm kiếm một số lợi ích từ việc này. “Trung Quốc muốn mở rộng lợi ích thương mại và chiến lược của mình ở những nước này”.
Nhà phân tích nghiên cứu cho biết vắc-xin có thể là “một phương tiện để mở rộng ảnh hưởng và quyền lực mềm của Trung Quốc” cũng như xoa dịu mâu thuẫn với các quốc gia có thể đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra đại dịch.
Jacob Mardell thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc một mặt nói rằng các nước đều có quyền mua vắc-xin nhưng mặt khác lại nói việc này liên quan đến “tình hữu nghị với Trung Quốc và vai trò lãnh đạo toàn cầu”.
Về phần mình, Trung Quốc cho biết họ “sẽ không biến vắc-xin COVID-19 thành bất kỳ loại vũ khí địa chính trị hoặc công cụ ngoại giao nào, và nước này phản đối mọi chính trị hóa việc phát triển vắc-xin”, theo một bài xã luận của hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã.
Chong Ja Ian - phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, khi trả lời CNBC, cho biết rằng không phải chỉ có Trung Quốc mới có động cơ tư lợi, các công ty dược phẩm cũng muốn bán giá cao để có lợi nhuận cao. Ông cho rằng dựa trên những hành động trong quá khứ của Trung Quốc, lợi ích mà họ muốn nhận lại có lẽ lớn hơn nhiều so với thứ mà họ cho đi là đặc quyền vắc-xin.
Khi được hỏi liệu các quốc gia khác cũng có thể sử dụng vắc-xin như một công cụ chính sách đối ngoại hay không, Chong nói rằng điều đó có thể xảy ra, nhưng dường như có "ít bằng chứng hơn".
Liệu chiến lược ngoại giao vắc-xin có thành công?
Các chuyên gia cho biết, việc Trung Quốc có thể giành được lợi thế chính trị từ vắc-xin của mình hay không phụ thuộc hiệu quả của vắc xin do họ phát triển. Nếu vắc xin của họ không hiệu quả hoặc kém an toàn thì tất nhiên nhu cầu sẽ giảm.
Trung Quốc không công bố nhiều dữ liệu về vắc-xin như các quốc gia phương Tây. Tuy nhiên vắc-xin của các nước phương Tây đã cháy hàng và khả năng cao chỉ được phân phối cho những nước giàu. Chính vì vậy vắc-xin của Trung Quốc sẽ vẫn có chỗ đứng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận