menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thục Quyên

Trung Quốc chính thức đệ đơn gia nhập CPTPP

Trung Quốc đã đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau một thời gian thảo luận.

Reuters dẫn thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16/9 cho biết, Bộ trưởng Thương mại Wang Wentao đã gửi thư đề nghị gia nhập CPTPP cho người đồng cấp New Zealand Damien O'Connor.

Hiện tại New Zealand là một trong các nước thành viên của CPTPP và có nhiệm vụ xử lý các công việc hành chính liên quan đến hiệp định này, trong đó có việc tiếp nhận đơn xin gia nhập, còn Nhật Bản giữ chức chủ tịch cơ quan ra quyết định của CPTPP. Khi cơ quan ra quyết định chấp thuận bắt đầu tiến trình gia nhập, một nhóm công tác sẽ được lập ra để đảm nhiệm các cuộc đàm phán. Nước đệ đơn gia nhập phải cho thấy họ sẵn sàng tuân thủ các quy định của CPTPP và bắt đầu các đàm phán thuế quan trên cơ sở song phương với các quốc gia thành viên của hiệp định.

CPTPP là một hiệp định thương mại tự do gồm 11 quốc gia thành viên là Singapore, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand. Tổng GDP của 11 quốc gia thành viên CPTPP hiện đạt khoảng 13,5 nghìn tỷ USD, tương đương 13,4% GDP toàn cầu. Hiệp định được ký kết vào năm 2018 tại thành phố Santiago, Chile. CPTPP xóa bỏ 95% thuế quan giữa các nước thành viên.

Tiền thân của hiệp định này là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ là một trong các nước tham gia đàm phán. Tuy vậy, Mỹ đã rút khỏi đàm phán vào năm 2017 không lâu sau khi cựu Tổng thống Donald Trump nhậm chức.

Sau một thời gian dài tỏ ra không mấy mặn mà với hiệp định, bắt đầu từ năm ngoái Bắc Kinh thay đổi thái độ với tuyên bố xem xét gia nhập. Hồi tháng 2 năm nay, Trung Quốc thông báo đã tiến hành các cuộc thảo luận không chính thức với một số thành viên CPTPP, song không nêu chi tiết các trao đổi này.

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ rất được hưởng lợi nếu tham gia hiệp định. Tuy nhiên, con đường gia nhập CPTPP của Trung Quốc có thể sẽ gặp những thách thức.

Thứ nhất, một số thành viên CPTPP dù đang phụ thuộc lớn vào thương mại với Trung Quốc, nhưng có vẻ chưa sẵn sàng để trở thành đối tác của Bắc Kinh trong khuôn khổ hiệp định.

Thứ hai, một số thành viên, như Australia, đang có những bất đồng thương mại với Trung Quốc, nên có thể không dễ dàng chấp nhận Bắc Kinh gia nhập. Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc leo thang đáng kể từ đầu năm nay sau khi Thủ tướng Australia Scott Morrison đề nghị mở một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19. Trung Quốc đã cấm nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ Australia như rượu vang, lúa mạch, thịt bò, than đá.

Ngoài ra, việc Trung Quốc gia nhập CPTPP cũng vấp phải những lo ngại về vấn đề sử dụng lao động tại nước này.

Để trở thành thành viên của CPTPP, Trung Quốc cần sự đồng thuận của 11 quốc gia thành viên. Nếu đơn đề nghị gia nhập được chấp nhận, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế thành viên lớn nhất và vị thế về thương mại, đầu tư của Trung Quốc trong khu vực sẽ được nâng lên đáng kể.

Không chỉ Trung Quốc, một số nước cũng bày tỏ mong muốn gia nhập hiệp định. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là cũng có thể cân nhắc quay trở lại CPTPP.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại