Trung Quốc chìm trong giảm phát, áp lực kích cầu ngày càng lớn
Theo giới chuyên gia, những rủi ro mà giảm phát đặt ra đối với nền kinh tế Trung Quốc là rất lớn...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Giá tiêu dùng ở Trung Quốc trong tháng 1 vừa qua giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, gia tăng sức ép đòi hỏi Chính phủ nước này tăng cường các biện pháp kích cầu nhằm vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng xấu đi khiến thị trường tài chính biến động mạnh.
Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố ngày 8/2 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2009 và sâu hơn nhiều so với mức dự báo giảm 0,5% mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó.
“Dữ liệu CPI ngày hôm nay cho thấy Trung Quốc đương đầu với áp lực lạm phát dai dẳng”, nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management nhận định với hãng tin Bloomberg. “Trung Quốc cần hành động nhanh chóng và quyết liệt để tránh rủi ro kỳ vọng lạm phát ăn sâu vào tâm lý người tiêu dùng”.
Không chỉ giá tiêu dùng giảm, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) giảm 2,5% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 16 liên tiếp của giá hàng hoá tại cổng nhà máy.
Những con số thống kê mới nhất này được đưa ra giữa lúc giới chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư ra sức kêu gọi Bắc Kinh hành động nhiều hơn để kích thích nền kinh tế và đảo ngược đà “tuột dốc không phanh” của thị trường chứng khoán.
Niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang suy giảm, dù Chính phủ Trung Quốc đã triển khai các biện pháp kích cầu như giảm lãi suất, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các dự án hạ tầng. Các nhà kinh tế cho rằng những nỗ lực này là chưa đủ để đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng.
Những ngày gần đây, Trung Quốc đã có nhiều động thái nhằm chặn đà bán tháo trên thị trường chứng khoán. Theo tiết lộ của nguồn thạo tin với hãng tin Bloomberg, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ triệu tập một cuộc họp với các quan chức đứng đầu các cơ quan giám sát thị trường. Và vào hôm thứ Tư tuần này, Bắc Kinh bất ngờ thay người đứng đầu Uỷ ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) - một động thái gây chấn động.
Năm 2023, đà phục hồi gây thất vọng của kinh tế Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 đã khiến người tiêu dùng nước này bi quan và duy trì xu hướng hạn chế chi tiêu, dẫn tới tình trạng giá cả giảm sút trong phần lớn thời gian của năm. Tron quý 4, một thước đo giá cả trong toàn nền kinh tế Trung Quốc đánh dấu đợt giảm nhất kể từ năm 1999, cho thấy thách thức to lớn mà các nhà hoạch định chính sách nước này phải đương đầu trong việc vực dậy tăng trưởng trong năm 2024.
Chỉ số CPI lõi - không bao gồm các nhóm hàng hoá có mức độ biến động lớn và thường xuyên về giá cả là thực phẩm và năng lượng - tăng 0,4% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng ghi nhận trong tháng 12 và là mức tăng yếu nhất kể từ tháng 6 năm ngoái. Giá thịt lợn giảm 17%, là nguyên nhân chính khiến giá thực phẩm giảm 5,9% - mức giảm mạnh nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được ghi lại vào năm 1994.
Theo giới chuyên gia, những rủi ro mà giảm phát đặt ra đối với nền kinh tế Trung Quốc là rất lớn. Nếu không xoay chuyển được tình hình, nền kinh tế có thể rơi vào một vòng xoáy đi xuống mà ở đó người tiêu dùng trì hoãn chi tiêu do kỳ vọng giá cả sẽ tiếp tục giảm. Tổng tiêu dùng vì thế sẽ suy giảm và sự suy giảm sẽ lan sang doanh nghiệp.
Các nhà kinh tế học dự báo áp lực giảm phát ở Trung Quốc sẽ tiếp tục trong ít nhất 6 tháng nữa, chủ yếu do cuộc khủng hoảng bất động sản chưa có hồi kết. Trung Quốc đã đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) chính thức khoảng 5% trong năm 2023, việc lặp lại kết quả tăng trưởng này trong năm nay có thể đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn từ các nhà hoạch định chính sách.
“Khủng hoảng bất động sản kéo dài và biến động thị trường chứng khoán đang khiến tâm lý của các hộ gia đình trở nên bi quan. Áp lực giảm phát đang lớn”, nhà kinh tế trưởng Raymond Yeung của ngân hàng ANZ nhận định, đề cập đến sự suy giảm của nhu cầu dẫn tới tình trạng dư thừa công suất.
Vị chuyên gia nói rằng nhu cầu giảm lãi suất trong nền kinh tế Trung Quốc đang rất lớn, và dữ liệu lạm phát yếu là một lý do hợp lý để nhà chức trách hành động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận