24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trung Quốc chiều Mỹ bằng cánh cửa 44 nghìn tỷ USD?

Trung Quốc mở rộng cửa thị trường tài chính 44 nghìn tỷ USD vì sức ép thương chiến?

Báo Nhật Bản Nikkei mới đây đưa tin, Trung Quốc đang quyết định dỡ bỏ một số giới hạn về đầu tư nước ngoài ở mảng tài chính.

Tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm 21/7 nêu rõ, Trung Quốc sẽ mở rộng vai trò của các tổ chức xếp hạng tín dụng và công ty môi giới ngoại trên thị trường trái phiếu. Đây là những biện pháp mới được đưa ra với mục đích mở cửa thị trường dịch vụ tài chính.

Kế hoạch tự do hóa thị trường tài chính bao gồm 11 điểm của Trung Quốc cho phép tất cả các công ty thuộc S&P Global xếp hạng tất cả các loại trái phiếu trên thị trường chứng khoán địa phương.

Như vậy, các công ty Mỹ sẽ có thể xếp hạng trái phiếu trên thị trường liên ngân hàng Trung Quốc.

Các công ty môi giới ngoại sẽ được cho phép giữ vai trò bảo lãnh phát hành với các đợt chào bán trái phiếu trên thị trường liên ngân hàng. Ngân hàng ngoại cũng sẽ được cho phép tham gia hoạt động kinh doanh này tại Trung Quốc, biên lợi nhuận tại mảng bảo lãnh phát hành cao.

Các biện pháp cải tổ mới cũng dọn đường cho các tổ chức tài chính nước ngoài tham gia nhiều hơn vào mảng quản lý tài sản, quản lý tiền lương hưu và môi giới tiền tệ.

Quy định các công ty bảo hiểm nước ngoài cần phải có lịch sử hoạt động trên 30 năm mới được phép gia nhập thị trường Trung Quốc đã được gỡ bỏ.

Trung Quốc có thể sẽ xoá bỏ giới hạn sở hữu với nhà đầu tư nước ngoài tại các quỹ, công ty chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ vào năm 2020, sớm hơn 1 năm so với chương trình trước đây vào năm 2021.

Theo Bloomberg, với quy mô lên tới 44.000 tỉ USD, Trung Quốc là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên từ trước đến nay, các công ty quốc tế luôn đối diện với rủi ro từ môi trường pháp lý không rõ ràng ở Trung Quốc, cũng như sự hậu thuẫn của chính quyền cho những đối thủ của họ.

Trung Quốc thúc đẩy sớm kế hoạch mở cửa thị trường tài chính vì thương chiến

Được biết, kế hoạch mở cửa thị trường tài chính đã được Trung Quốc bàn đến từ lâu và cũng đã có những bước đi cẩn thận nhằm chuẩn bị cho tương lai giành thêm sân chơi cho các nhà đầu tư quốc tế.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã chấp thuận cơ chế riêng cho 2 đơn vị bảo hiểm của châu Âu và Allianz của Đức được phép mở chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại Trung Quốc.

Một đơn vị khác của Pháp là Axa cũng được phép nắm quyền kiểm soát tại liên doanh đầu tư tại nước này. Tới tháng 12, giới chức Trung Quốc cũng cho phép một ngân hàng Thuỵ Sĩ hưởng cơ chế riêng trong liên doanh.

Sau đó, hồi tháng 5 vừa rồi, Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ nâng giới hạn sở hữu cổ phần của các cổ đông nước ngoài tại các ngân hàng địa phương và loại bỏ một số yêu cầu tài sản cho các công ty nước ngoài hoạt động tại thị trường nội địa.

Đến đầu tháng 7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới đang diễn ra ở Đại Liên đã cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được sở hữu toàn bộ cổ phần đối với các công ty chứng khoán và công ty bảo hiểm nhân thọ vào năm 2020.

“Lý do chúng tôi thực hiện trước thời hạn là muốn tuyên bố với thế giới rằng, trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, chúng tôi không chỉ theo kịp tốc độ mở cửa mà còn có thể tăng tốc” - ông Lý Khắc Cường tuyên bố.

Thông báo của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến chỉ vài ngày sau khi cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhật Bản, đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước.

Theo giới quan sát, động thái mới nhất của Trung Quốc trong việc mở rộng cửa thị trường tài chính là sức ép đến từ các điều kiện của Mỹ trong đàm phán thương mại. Sau cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản), truyền thông quốc tế đã liên tục đưa tin về việc Mỹ ra điều kiện Trung Quốc cải tổ nền kinh tế mà họ coi là nền kinh tế thị trường.

Theo đó, Trung Quốc cần phải tạo sân chơi bình đẳng hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Dù cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên chưa diễn ra, động thái mới nhất từ Trung Quốc cũng cho thấy sự chuẩn bị trước hướng tới cuộc đàm phán có triển vọng tốt đẹp hơn.

Có quan điểm cho rằng, Trung Quốc buộc phải thúc đẩy các chính sách tài chính nói trên do các con số kinh tế suy giảm gần đây, ảnh hưởng từ thương chiến.

Ngày 15/7, Cục thống kê quốc gia (NBS) công bố tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của nước này đang giảm đến mức chậm nhất trong gần 30 năm.

GDP vào quý 2 của Trung Quốc chỉ còn 6,2% so với 6,4% trong quý 1 năm 2019, sau một năm kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ.

Hubert Tse - đối tác tại công ty luật Boss & Young ở Thượng Hải đánh giá, sự mở cửa của Trung Quốc là “một tin tốt" cho các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức tài chính toàn cầu đang tìm cách mở rộng hoạt động cũng như tìm một chỗ đứng trên thị trường tài chính Trung Quốc

“Mặc dù các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Mỹ, Bắc Kinh vẫn đang phát đi tín hiệu cho thế giới rằng họ quyết tâm và cam kết tiếp tục mở cửa thị trường Trung Quốc” - ông Hubert Tse nhận xét.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả