Trung Quốc: Chi phí vận chuyển bằng tàu dự kiến sẽ tăng cao
Số lượng tàu container đang chờ ngoài khơi Thanh Đảo, một trong những cảng lớn nhất của Trung Quốc, đang tiếp tục tăng lên trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh chính sách "Zero COVID".
Việc này làm gia tăng sự chậm trễ cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang bị gián đoạn.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, khoảng 72 tàu đã được phát hiện ngoài khơi cảng Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 14/3, gần gấp đôi số lượng vào cuối tháng 2/2022.
Sự chậm trễ cho tàu qua cảng ngày càng tăng tại cảng Thanh Đảo và các khu vực khác của Trung Quốc dự kiến sẽ đẩy giá cước vận chuyển lên cao.
Thông thường, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sẽ có một lượng lớn các tàu tìm cách “cập bến” Trung Quốc. Tuy nhiên, con số trong năm nay dự kiến lớn hơn rất nhiều do các đợt phong tỏa nhằm hạn chế sự bùng phát của biến thể Omicron.
Salmon Aidan Lee, thuộc công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, cho biết dịch COVID-19, với sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, đang bùng phát trở lại ở nhiều khu vực khác nhau ở Trung Quốc và các biện pháp phong tỏa dường như không có hiệu quả bởi khả năng lây lan của các biến thể mới cao hơn.
Ông Lee cho hay điều này khiến tình hình tại Thanh Đảo trở nên tồi tệ hơn trong những ngày qua. Giá cước dự kiến sẽ tăng do sự chậm trễ này. Có khoảng 262 tàu đang đứng “đợi bến” tại đây, tăng so với mức 243 tàu trong một tuần trước đó.
Trong khi đó, tình hình “tắc nghẽn” tại Thâm Quyến và Hong Kong (Trung Quốc) đã đỡ hơn đôi chút, số tàu chờ cập bến giảm từ 208 tàu xuống còn 162 tàu trong ngày 7/3.
Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron tại Trung Quốc đang làm gia tăng áp lực lên các chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng do xung đột Nga - Ukraine. Các hãng tàu như AP Moller-Maersk đã hủy các dịch vụ đến Nga và tạm dừng một số chuyến hàng đường sắt từ Trung Quốc vào châu Âu.
Trung Quốc cũng đã phong tỏa toàn bộ thành phố Thâm Quyến và tỉnh Cát Lâm phía Đông Bắc nước này trong nỗ lực mới nhất nhằm kiểm soát dịch bệnh, điều làm ảnh hưởng đến sản lượng ô tô và lĩnh vực công nghệ.
Hiện chỉ có cảng container Yantian lớn nhất Thâm Quyến là các hoạt động đang diễn ra bình thường.
Cách tiếp cận không khoan nhượng của Trung Quốc đối với chính sách "Zero COVID" đã dẫn đến việc đóng cửa một phần cảng trong năm qua, làm trầm trọng thêm lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự gia tăng chi phí sản xuất.
Giá dầu và khí đốt toàn cầu tăng cao do căng thẳng Nga và Ukraine đang làm tăng thêm rủi ro lạm phát ở Trung Quốc khi chi phí nhà máy tiếp tục tăng./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận