Trung Quốc cảnh báo Mỹ nếu vượt 'lằn ranh đỏ'
Bắc Kinh đang ngầm truyền thông điệp cảnh báo rằng, nếu Washington can thiệp vào các vấn đề nhạy cảm như Hồng Kông, Tân Cương, điều này có thể đe dọa đến thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai bên.
Hôm 25-6, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật đặt ra các biện pháp trừng phạt bắt buộc nhằm vào các quan chức doanh nghiệp và ngân hàng Trung Quốc làm xói mòn quyền tự trị tương đối của Hồng Kông, đặc khu kinh tế của Trung Quốc, đang được hưởng quy chế “một quốc gia, hai chế độ”.
Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc thông qua dự luật an ninh Hồng Kông, cho phép Bắc Kinh xử lý những người bị tình nghi là thành phần ly khai, khủng bố, cấu kết với các thế lực nước ngoài muốn lật đổ chính quyền ở Hồng Kông.
Hôm 28-6, Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc bắt đầu thảo luận lần 2 về dự luật an ninh Hồng Kông để có thể thông qua trong vài ngày tới.
Trước đó, vào ngày 17-6, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo ở Hawaii (Mỹ), Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, Dương Khiết Trì, đã bày tỏ sự phản đối trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây ký thông qua dự luật đặt ra biện pháp trừng phạt các quan chức và tổ chức có liên quan đến việc “giam giữ hàng loạt” người Hồi giáo Ngô Duy Nhĩ ở vùng Tân Cương, Trung Quốc.
Theo tường thuật của các nguồn tin nắm rõ thông tin cuộc gặp, dù khẳng định Trung Quốc cam kết thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ, ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh rằng cả hai bên phải “làm việc cùng nhau” để triển khai thỏa thuận này.
Một quan chức Trung Quốc nói rằng thông điệp này có nghĩa là Mỹ phải dừng lại việc can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Vị quan chức này nói: “Mỹ không được vượt qua các lằn ranh đỏ”.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biế,t ông Pompeo đến dự cuộc gặp ở Hawaii với kỳ vọng ông Dương Khiết Trì sẽ nêu ra quan điểm mới mẻ và các hành động cụ thể để giải quyết bất đồng giữa hai nước nhưng rốt cục “thất vọng”. Vị quan chức này này nói: “Ông Dương Khiết Trì không nêu ra điều gì mới mẻ cả”
Ngay sau cuộc gặp đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người đứng đầu phái đoàn Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, nói rằng để Bắc Kinh có khả năng thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một, điều này đòi hỏi Mỹ phải nới lỏng sức ép đối với Trung Quốc trên các mặt trận khác.
Phát biểu tại một diễn đàn tài chính ở Thượng Hải hôm 18-6, ông nhấn mạnh rằng cả hai nước phải loại bỏ hành động can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đồng thời tạo ra các điều kiện và bầu không khí thuận lợi để cùng thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Theo một số quan chức Trung Quốc, bằng cách sử dụng cụm từ “bầu không khí”, ông Lưu Hạc muốn nhắc nhở Mỹ về thái độ cứng rắn đang dâng cao ở Trung Quốc và giới lãnh đạo nước này có thể bị đặt vào thế khó nếu tiếp tục mua nông sản và hàng hóa khác của Mỹ với số lượng lớn giữa lúc dư luận trong nước đang sục sôi chỉ trỉ trích Mỹ.
“Mỹ không thể yêu cầu chúng tôi mua hàng hóa giữa lúc Mỹ liên tục công kích chúng tôi”, Mei Xinyu, nhà phân tích ở một tổ chức tư vấn thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, nêu quan điểm.
Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết hồi đầu năm nay, Bắc Kinh cam kết tăng mua nông sản, hàng hóa công nghiệp, năng lượng và dịch vụ Mỹ thêm 200 tỉ đô la Mỹ trong 2 năm tới. Dù Trung Quốc gần đây đẩy mạnh mua hàng hóa Mỹ, vẫn còn một chặng đường dài để đạt mục tiêu nói trên.
Các thông điệp cảnh báo Trung Quốc cũng gợi nhớ đến giai đoạn đàm phán thương mại căng thẳng giữa hai nước vào đầu năm 2019. Lúc đó, Mỹ rất tự tin sẽ đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nhưng nhận diện sai tình hình chính trị ở Bắc Kinh, nơi tâm lý chống đối Mỹ đang tăng cao.
Đến tháng 5-2019, đàm phán thương mại Mỹ-Trung sụp đổ và Mỹ giận dữ phản ứng bằng các đòn áp thuế thêm vào hàng hóa Trung Quốc. Phải mất thêm 7 tháng nữa, hai bên mới có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với nội dung hẹp hơn.
Tổng thống Donald Trump muốn thỏa thuận thương mại giai đoạn một được thực hiện suôn sẻ vì điều này giúp tăng cơ hội tái đắc cử cho ông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay. Nhưng ông cũng đối mặt với sức ép của Quốc hội Mỹ về việc trừng phạt Trung Quốc do nước này bị cáo buộc che giấu thông tin dịch Covid-19 ở giai đoạn đầu cũng như làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông.
Một cuốn sách mới phát hành của cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, cho rằng ông Trump sẵn sàng hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc trong các vấn đề nhạy cảm nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giúp ông tái đắc cử bằng các cam kết mua hàng hóa Mỹ, đặc biệt là nông sản.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đối mặt rủi ro “già néo đứt dây” nếu duy trì lập trường quá cứng rắn với Mỹ như từng xảy ra nhiều lần trong các cuộc đàm phán thương mại với Washington trong 2 năm qua. Chẳng hạn, ngay từ đầu, các nhà đàm phán Trung Quốc xác định các cam kết mua nông sản Mỹ, đặc biệt là đậu nành, chiếm vị trí trọng tâm trong các yêu cầu của ông Trump đặt ra với Trung Quốc. Trung Quốc đã tìm cách tận dụng lợi thế đó nhưng do nhiều lần không mua nông sản Mỹ như cam kết, hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế trả đũa nhiều hơn.
Theo Wall Street Journal
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận