menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thiên Anh

Trung Quốc cần than Nga, Moscow cần những khách hàng mới

Trung Quốc đang mua lượng than đá giá rẻ kỷ lục của Nga, ngay cả khi “cơn mưa” trừng phạt của các quốc gia phương Tây đang giáng xuống Moscow bởi cuộc xung đột với Ukraine.

Thương mại than bùng nổ

Tháng 4/2022, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không chỉ mua nhiều than từ Nga hơn bao giờ hết mà còn xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với tất cả các loại than, một động thái mà các nhà phân tích cho rằng sẽ có lợi cho các nhà cung cấp của Nga.

Theo dữ liệu từ Refinitiv, nhập khẩu than của Trung Quốc từ Nga tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 4/2022, đạt 4,42 triệu tấn. Nga đã vượt Australia trở thành nhà cung cấp than lớn thứ hai của Trung Quốc kể từ năm 2021 và hiện chiếm 19% lượng than nhập khẩu của nước này, tăng so với mức 14% được ghi nhận vào tháng 3/2022.

Thương mại than đang bùng nổ thúc đẩy kinh tế của cả Trung Quốc và Nga.

Bắc Kinh tập trung vào việc đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái và cần than để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện, sản xuất thép cho các dự án cơ sở hạ tầng. Ngược lại, Moscow rất cần những khách hàng mới cho nhiên liệu hóa thạch khi quốc gia này bị phương Tây “xa lánh”.

Năm 2020, Trung Quốc, nước mua than hàng đầu thế giới, tuyên bố sẽ trung hòa carbon vào năm 2060. Tuy nhiên, khi tình trạng thiếu điện trầm trọng xảy ra với hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp vào cuối năm 2021, nước này đã tăng cường tiêu thụ than.

Nhập khẩu than tăng vọt 64% vào năm 2021 và sản lượng nội địa đạt kỷ lục 4,13 tỷ tấn. Năm nay, những con số này được dự đoán sẽ còn cao hơn khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng để vực dậy nền kinh tế.

Theo Matthew Boyle, nhà phân tích tại công ty dữ liệu Kpler, tháng 4/2021, Trung Quốc đã nhập khẩu kỷ lục 1,09 triệu tấn than cốc từ Nga, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020.

Thương mại than giữa Bắc Kinh và Moscow sụt giảm ngay sau khi Nga mở chiến dịch vào Ukraine vào tháng 2/2022, các nước phương Tây bắt đầu ồ ạt trừng phạt Nga.

Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan) cho biết: “Ngay sau khi Nga bắt đầu cuộc tấn công, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác giảm khối lượng mua than để đánh giá nguy cơ bị trừng phạt thứ cấp. Tuy nhiên, đến tháng 3/2022, khi EU chưa vội vã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu than thì lượng mua hàng đã tăng trở lại”.

Trung Quốc đang mua than với giá chiết khấu

Hiện nay, Trung Quốc không chỉ mua nhiều than của Nga mà còn mua với giá chiết khấu lớn.

Nga là nước xuất khẩu than lớn thứ ba thế giới và giá cả toàn cầu của mặt hàng này đã tăng mạnh kể từ tháng 2/2022. Đầu tháng 3/2022, tại sàn giao dịch năng lượng hàng đầu châu Âu (ICE Futures Europe), giá than đá kỳ hạn ở cảng Newcastle đã tăng hơn 40%.

Toby Hassall, chuyên gia phân tích của Tổ chức Nghiên cứu Thị trường Than tại London Stock Exchange Group cho hay: “Trong những tháng gần đây, các lệnh trừng phạt đã tạo ra sự phân chia rõ rệt của thị trường than đường biển toàn cầu. Nhiều nhà nhập khẩu hiện không thể hoặc không muốn nhập khẩu than Nga.

Khi nhóm người mua ngày càng ít đi, những nhà nhập khẩu có khả năng và sẵn sàng mua than Nga sẽ trả giá thấp hơn nhiều cho nguồn cung này so với than từ các nguồn khác".

Theo MySteel - nhà cung cấp dữ liệu ngành công nghiệp Trung Quốc, tháng 4/2022, than cốc cao cấp của Nga giao đến cảng Jingtang ở miền Bắc Trung Quốc có giá 2.710 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 403 USD/tấn). Con số này thấp hơn giá 475 USD/tấn đối với than luyện cốc của Mỹ và 423 USD/tấn đối với than khai thác tại Trung Quốc.

Các đợt giảm giá vẫn tiếp diễn trong tháng này.

Ngày 19/5, hãng Bloomberg dẫn nguồn thạo tin tiết lộ, Trung Quốc đang đàm phán với Nga để mua nguồn cung dầu bổ sung cho kho dự trữ chiến lược. Đối với Bắc Kinh, mua thêm than từ Moscow không chỉ là một cử chỉ thân thiện, mà còn là một động thái thông minh có lợi cho nhu cầu kinh tế.

Tại sao Trung Quốc cần nhiều than?

Bất chấp những cam kết cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, Trung Quốc vẫn cần than để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế của mình.

Năm 2021, khoảng 60% sản lượng điện của Trung Quốc được sản xuất từ ​​nhiệt điện than, trong khi đó, hơn 90% sản lượng thép của Trung Quốc được sản xuất trong các lò cao đốt than luyện cốc. theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, than đá chiếm 56% tổng năng lượng sử dụng của quốc gia này, tính đến cuối năm 2021.

Nhà phân tích Myllyvirta nhận định, chính phủ Trung Quốc hiện đang thúc đẩy tất cả các dự án xây dựng, cơ sở hạ tầng, bao gồm cả các dự án ngành than, nhằm bù đắp sự sụt giảm ngành bất động sản và tác động của các biện pháp phong tỏa vì Covid-19 đến nền kinh tế.

Trung Quốc đã cố gắng thúc đẩy sản xuất than kể từ năm 2021, khi một cuộc khủng hoảng điện nghiêm trọng gây ra tình trạng mất điện cho hàng triệu hộ gia đình và buộc nhiều nhà máy phải cắt giảm sản lượng.

Ngày 19/5, trong chuyến thăm một trung tâm truyền tải điện ở tỉnh Vân Nam, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng, nguồn cung cấp điện ổn định rất quan trọng đối với các mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc.

Cơ quan Năng lượng quốc gia (NEA) đã đặt mục tiêu khai thác các mỏ của Trung Quốc là 4,4 tỷ tấn trong năm 2022, tăng 300 triệu so với sản lượng kỷ lục của năm ngoái.

Ngoài ra, trong một nỗ lực khác để đảm bảo nguồn cung, chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm tất cả thuế nhập khẩu than xuống 0% trong khoảng thời gian từ ngày 1/5/2022 đến ngày 30/3/2022. Trước đó, thuế quan dao động từ 3-6%, tùy thuộc vào loại than.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley ước tính, sản lượng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc sẽ tăng 30% lên 71 triệu tấn trong năm nay, so với 55 triệu tấn vào năm 2021. Cây cầu đường sắt đầu tiên nối hai nước đã được hoàn thành vào tháng 4/2022 sẽ giúp hai quốc gia này thực hiện điều đó.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại