Trung Quốc cấm cửa than Australia, than Mông Cổ lập tức "chiếm sóng"
Lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc đối với than Australia đã làm gia tăng nhập khẩu than từ Mông Cổ.
Các nhà máy thép và nhà máy điện của Trung Quốc đã bắt đầu chuyển sang mua than Mông Cổ từ sau khi Bắc Kinh gia tăng căng thẳng thương mại Trung Quốc-Australia, áp đặt lệnh cấm nhập khẩu than từ châu Đại Dương này. Với tình hình hiện nay, Mông Cổ có thể sớm chiếm lại vị trí là nhà cung cấp than hàng đầu của Bắc Kinh. Tuy nhiên, người dùng Trung Quốc có thể phải chịu nhiều gánh nặng kinh tế từ lệnh cấm than Australia do chi phí thay thế cao và vận chuyển khó khăn.
Theo các nhà phân tích, mặc dù chính trị có thể đóng một vai trò nào đó trong quyết định “cấm cửa” than cốc và than nhiệt của Australia, nhưng về lâu dài, những khó khăn thực tế khi thực hiện có thể khiến Chính phủ Trung Quốc buộc phải suy nghĩ lại về lệnh cấm này.
Sự thay thế tức thời
Theo Công ty phân tích năng lượng Mỹ S&P Global Platts, than từ Mông Cổ, quốc gia láng giềng phía Bắc với Trung Quốc, là sự thay thế tức thời cho than Australia, trong khi các nhà cung cấp khác như Mỹ, Nga hay Canada ở quá xa, không có khả năng đáp ứng nhu cầu gia tăng trong ngắn hạn.
Nhưng trong khi người tiêu dùng ở miền Bắc Trung Quốc sớm có thể chuyển đổi nguồn cung, thì người tiêu dùng ở miền Nam sẽ gặp khó khăn hơn vì hậu cần và chi phí vận chuyển. Điều này có thể buộc nhiều người phải phụ thuộc vào than nội địa đắt tiền hơn nếu họ không tiếp cận được hàng nhập khẩu của Australia.
Cho đến nay, lệnh cấm nhập khẩu than Australia của Bắc Kinh đã tương đối thành công với việc các nhà nhập khẩu đã chuyển đối tác ở các nước khác Australia. Nếu có thêm các giải pháp hiệu quả về chi phí, các nhà phân tích kỳ vọng nhu cầu về than Mông Cổ sẽ tăng lên.
Nhà phân tích Jeffery Lu và Yile Weng của S&P Global Platts nhận định: “Điểm sáng hiện nay là Mông Cổ, nơi có chất lượng than cốc tốt có thể thay thế. Mông Cổ đang tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc và hiện mỗi ngày khoảng hơn 1000 xe tải chở than qua biên giới hai nước”.
Giành lại vị trí nhà cung cấp hàng đầu
Việc bán được ngày càng nhiều than có thể khiến Mông Cổ lấy lại vị trí là nhà cung cấp than hàng đầu cho Trung Quốc, đặc biệt là than cốc được sử dụng để sản xuất thép. Mông Cổ đã bị tuột khỏi vị trí dẫn đầu hồi đầu năm nay sau các đợt phong tỏa và đóng cửa biên giới do đại dịch Covid-19 khiến tụt giảm sản lượng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Theo S&P Global Platts, các công ty than từ Australia đã chớp lấy thời cơ lấp đầy sự thiếu hụt và xuất khẩu nhiều than cốc sang Trung Quốc cho đến khi lệnh cấm xuất hiện.
Simon Wu, nhà phân tích thị trường hàng hóa của Tập đoàn tư vấn CRU, cho biết, mối quan hệ chính trị bền chặt giữa Trung Quốc và Mông Cổ cũng là yếu tố ủng hộ người tiêu dùng Trung Quốc sử dụng than Mông Cổ.
Trung Quốc và Mông Cổ đang tăng cường thương mại song phương sau khi Ulan Bator đồng ý cắt giảm thuế đối với 366 loại hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, bao gồm thủy sản, rau quả và các sản phẩm hóa học vào tuần trước khi nước này gia nhập Hiệp định Thương mại châu Á-Thái Bình Dương (APTA).
Đồng thời, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Mông Cổ sẽ được giảm thuế “có đi có lại” theo thỏa thuận và nói thêm rằng, việc Mông Cổ gia nhập APTA có thể mở ra nhiều cơ hội hơn cho các dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Khó khăn với phía Nam Trung Quốc
Tuy nhiên, các nhà máy thép phụ thuộc nhiều vào than cốc Australia trước đây sẽ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn khi hiện chỉ có than cốc Mông Cổ được cung cấp rộng rãi.
“Than cốc của Mông Cổ đã được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc, đặc biệt là bởi các nhà máy thép Hà Bắc (ở miền Bắc Trung Quốc). Tuy nhiên, các nhà máy thép phụ thuộc nhiều vào than cốc Australia trước đây sẽ phải suy tính lại trong bối cảnh hiện nay”, ông Simon Wu đánh giá.
Theo ông Deepak Kannan - chuyên gia về than nhiệt của S&P Global Platts, với một số công ty ở miền Nam Trung Quốc, nhập khẩu than nhiệt từ các quốc gia khác sẽ là lựa chọn tốt hơn là dựa vào Mông Cổ hoặc các nguồn trong nước, đặc biệt bởi giá thành thấp và hậu cần dễ dàng hơn. Hàng hóa đi bằng đường biển có thể được chuyển thẳng đến các cảng phía Nam Trung Quốc trong khi than vận chuyển bằng đường sắt từ Mông Cổ và các khu vực khác của Trung Quốc có thể bị chậm trễ do tai nạn và giao thông đông đúc trên các tuyến đường vận tải chính.
(theo SCMP)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận