Trung Quốc bơm thêm 126 tỉ đô la Mỹ vào nền kinh tế
Trong một nỗ lực vực dậy niềm tin của giới doanh nghiệp giữa lúc đối mặt với cuộc chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ, Trung Quốc vừa quyết định bơm 126 tỉ đô la Mỹ vào nền kinh tế thông qua biện pháp hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) ở các ngân hàng thương mại.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm 6-9 thông báo sẽ hạ tỷ lệ RRR (khoản tiền mặt dự trữ bắt buộc so với tổng tiền gửi của khách hàng để bảo đảm tính thanh khoản) ở tất cả các ngân hàng thương mại xuống 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm) vào ngày 16-9 tới. PBoC cho biết riêng đối với các ngân hàng nhỏ, tỷ lệ RRR của họ sẽ được hạ xuống thêm 100 điểm cơ bản trong hai đợt lần lượt có hiệu lực vào ngày 15-10 và 15-11. Đây là lần thứ ba trong năm nay, Trung Quốc hạ tỷ lệ RRR, đưa tỷ lệ này ở các ngân hàng lớn của Trung Quốc giảm về mức 13%.
PBoC cho biết động thái này sẽ giúp các ngân hàng có thêm 900 tỉ nhân dân tệ (126 tỉ đô la Mỹ) để cho vay đối với các dự án có thể giúp thúc đẩy hoạt động xây dựng và duy trì việc làm.
Các động lực tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngày càng không chắc chắn khi tăng trưởng GDP suy yếu và niềm tin của giới doanh nghiệp suy giảm. Cuộc chiến thương mại với Mỹ là mối lo ngại hàng đầu của Bắc Kinh khi vòng áp thuế mới của Mỹ hồi đầu tháng 9 khiến hàng hóa Trung Quốc đắt hơn khi xuất khẩu sang Mỹ.
Trong thông báo hồi đầu tuần này, Quốc Vụ viện Trung Quốc cũng đã đề cập kế hoạch hạ RRR ở các ngân hàng thương mại để “tăng cường hỗ trợ nền kinh tế thực, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ”.
Lần gần nhất, tỷ lệ RRR ở các ngân hàng lớn Trung Quốc chạm tỷ lệ 13% là vào thời điểm ngay trước cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2018. Trong vòng hai năm sau đó, PBoC có 16 lần nâng tỷ lệ RRR nhằm kiểm soát cho vay, khiến tỷ lệ RRR ở các ngân hàng lớn tăng lên mức 20%. Khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong thời gian gần đây, PBoC đã dần hạ tỷ lệ RRR ở các ngân hàng.
Jian Chang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc ở ngân hàng Barclays, nói: “Đây là phản ứng của Trung Quốc trước các đòn thuế leo thang của Mỹ và một loạt dữ liệu kinh tế suy yếu trong thời gian gần đây”.
Không giống như Mỹ, Trung Quốc không thay đổi đổi lãi suất thường xuyên. Các nhà quản lý ở Trung Quốc thích kiểm soát nguồn cung tiền bằng tỷ lệ RRR và hạn mức cho vay của các ngân hàng. Lần giảm lãi suất chính thức gần đây nhất của Trung Quốc là vào năm 2015. Giới phân tích kỳ vọng PBoC sẽ cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản vào giữa tháng 9 nhằm giảm chi phí vay mượn của doanh nghiệp.
Larry Hu, nhà kinh tế ở chi nhánh ngân hàng đầu tư Macquarie Group (Úc) tại Hồng Kông, nhận định động thái hạ tỷ lệ RRR mới nhất cho thấy các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về triển vọng kinh tế. Tuy nhiên, ông cho rằng biện pháp đó chưa đủ để giúp ổn định nền kinh tế.
Ông cho biết điểm kìm hãm quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc là mọi thứ đều tăng trưởng chậm và các doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư vì chiến tranh thương mại, tăng trưởng toàn cầu chậm lại, tăng trưởng bất động sản và xây dựng hạ tầng suy yếu. “Tôi nghĩ có khả năng PBoC sẽ cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản từ 0,05-0,1 điểm phần trăm vào cuối tháng này. Tôi cũng kỳ vọng PBoC hạ tỷ lệ RRR thêm 50 điểm cơ bản nữa vào cuối năm này”.
Julian Evans-Pritchard, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Trung Quốc ở công ty Capital Economics cũng đồng tình với nhận định của nhà kinh tế Harry Hu. Ông nói: “Trước những cản lực đối với nền kinh tế Trung Quốc bao gồm nhu cầu bên ngoài suy yếu và hoạt động xây dựng bất động sản chùng xuống và có khả năng xấu hơn trong những tháng tới, chúng tôi không tin PBoc sẽ dừng lại sau lần hạ tỷ lệ RRR mới nhất”, kèm theo dự báo đến đầu năm 2020, Trung Quốc sẽ tiến hành thêm hai đợt hạ tỷ lệ RRR nữa.
Fan Lei, nhà kinh tế ở công ty chứng khoán Sealand Securities, cho rằng hạ tỷ lệ RRR là động thái cần thiết để củng cố các nỗ lực ổn định thị trường việc làm.
Dù đã tung ra nhiều biện pháp hỗ trợ và các động thái nới lỏng chính sách kể từ năm ngoái, nến kinh tế Trung Quốc vẫn chật vật ứng phó với đà tăng trưởng trì trệ.
Trước quyết định hạ tỷ lệ RRR mới nhất, PBoC đã bơm ròng thanh khoản 3,63 nghìn tỉ nhân dân tệ vào nền kinh tế thông qua các quyết định hạ tỷ lệ RRR kể từ đầu năm 2018. Việc bơm ròng thanh khoản mạnh mẽ của PBoC đã giúp các công ty giảm chi phí vay nợ. Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý nhiều công ty Trung Quốc chỉ tìm kiếm các khoản vay mới với mức lãi suất tốt hơn để trả nợ cũ hơn là vay để phục vụ các hoạt động đầu tư mới.
Giới phân tích cho rằng vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc không phải là thiếu tín dụng mà là niềm tin của giới doanh nghiệp và người tiêu dùng suy yếu khi chiến tranh thương mại kéo dài, gây áp lực cho hoạt động sản xuất, đầu tư và bán lẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận