Trung Quốc bắt đầu trả đũa việc EU đánh thuế xe điện, thịt lợn là nạn nhân đầu tiên
Các công ty Trung Quốc đã nộp đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu từ EU, đáp trả việc xe điện của nước này bị đánh thuế.
Theo báo Nông Nghiệp, động thái này sẽ khiến căng thẳng song phương tiếp tục leo thang sau khi Brussels áp thuế lên tới 38,1% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của khối.
Theo số liệu của hải quan, Trung Quốc đã nhập khẩu thịt lợn từ EU trị giá 6 tỷ USD trong năm 2023, bao gồm cả nội tạng. Các bộ phận như chân, tai và nội tạng của lợn hầu như không được ưa chuộng ở châu Âu, nhưng lại rất phổ biến đối với người tiêu dùng Trung Quốc, trở thành một thị trường có giá trị và quan trọng đối với châu Âu.
"Phần lớn hàng nhập khẩu từ châu Âu không phải là thịt cơ", một nhà phân tích giấu tên cho biết. Nếu nội tạng lợn được xem là mục tiêu, Trung Quốc sẽ cần phải nhập khẩu thêm nhiều nội tạng lợn từ các quốc gia khác, nơi mặt hàng này không được thị trường địa phương ưa chuộng, nhà phân tích nói thêm.
Các công ty thực phẩm thế giới đang phải đối mặt với các biện pháp trả đũa có thể xảy ra sau khi EU áp thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất.
Trung Quốc thường nhắm mục tiêu vào các mặt hàng lương thực trong các cuộc tranh chấp thương mại với các nước khác. Quan điểm của Bắc Kinh là "Nếu như nông dân mất thị trường khổng lồ của Trung Quốc, các quan chức được bầu sẽ hứng chịu hậu quả ngay lập tức", Even Pay, nhà phân tích nông nghiệp tại công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.
Tây Ban Nha là nhà cung cấp thịt lợn hàng đầu của Trung Quốc trong năm 2023, tiếp theo là Brazil và Mỹ. Các nhà cung cấp lớn khác bao gồm Pháp, Đan Mạch và Hà Lan.
Hiệp hội các nhà sản xuất thịt lợn Interporc của Tây Ban Nha cho biết vị trí là nhà cung cấp hàng đầu cho Trung Quốc dựa trên chất lượng và an toàn thực phẩm, cũng như "sự tin tưởng mà các công ty của chúng tôi đã giành được như những đối tác nghiêm túc và trung thành".
Tại Pháp, Hiệp hội công nghiệp Inaporc cũng đang chờ xem liệu Trung Quốc có thực hiện điều tra chống bán phá giá thịt lợn hay không, Phó Chủ tịch Thierry Meyer cho biết thêm: "Rất khó để duy trì hoạt động mà không có thị trường Trung Quốc".
Việc đánh mất thị trường Trung Quốc có thể làm suy yếu nền kinh tế châu Âu, như khi Đức bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc hồi năm 2020 do dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, tạo ra tình trạng dư thừa nguồn cung ở châu Âu.
Bắc Kinh đã áp thuế đối với rượu mạnh trong một cuộc điều tra hồi tháng 1/2024, một động thái được cho là nhằm đáp trả việc Pháp ủng hộ cuộc điều tra của EU đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất.
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 13/6 cho biết các công ty Trung Quốc có quyền nộp đơn để kêu gọi các cuộc điều tra chống trợ giá và chống bán phá giá đối với các sản phẩm sữa và thịt lợn nhập khẩu từ châu Âu.
Trong một email trả lời hãng tin Reuters về khả năng Trung Quốc mở cuộc điều tra đối với nhập khẩu thịt lợn và sữa của EU, Ủy ban Châu Âu cho biết: "Chính phủ Trung Quốc có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà không cần thực hiện các biện pháp trả đũa".
Trong chuyến thăm New Zealand hôm 14/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã bày tỏ sự quan tâm đối với các mặt hàng chất lượng cao như sữa, sản phẩm y tế, thịt bò và thịt cừu của nước này. Theo Tân Hoa Xã, ông Lý Cường cam kết sẽ mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận thị trường và tạo ra một môi trường kinh doanh theo định hướng thị trường. Hôm 13/6, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ thực hiện "tất cả các biện pháp cần thiết" để bảo vệ lợi ích của mình sau quyết định áp thuế của EU, sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận