Trúng đấu giá biển số trên 50 triệu đồng, cán bộ có phải kê khai tài sản?
"Trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, mà có tham gia đấu giá, có sở hữu biển số trúng đấu giá với giá trị cao hơn 50 triệu đồng, thì có phải kê khai hay không", đại biểu Đỗ Đức Duy nêu.
Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, không có số đẹp, số xấu, vì xấu đẹp là do ý thích của từng người. “Với Quảng Nam chúng tôi, 9 điểm là đẹp, còn Hà Nội 10 điểm mới đẹp. Hay số ngày tháng năm sinh của tôi, hoặc trùng với số nhà của tôi thì với tôi rất ý nghĩa, nên xấu đẹp tuỳ người, tuỳ nơi. Vì thế, không phải số không đấu giá được, đưa vào kho số là số xấu”, ông Bình nêu.
Nêu ý kiến tại tổ, đại biểu Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội băn khoăn về giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá, vùng 1 (Hà Nội, TP HCM) 40 triệu đồng và vùng 2 (các địa phương còn lại) 20 triệu đồng.
“Dự thảo để mức giá 40 triệu, 20 triệu đồng thì sẽ loạn”, ông Trần Sỹ Thanh nói và đề nghị dự thảo nghị quyết chỉ quy định mức sàn của giá khởi điểm, còn lại giao HĐND các tỉnh, thành quyết định mức giá khởi điểm, bước giá.
Đại biểu đoàn Quảng Nam cũng nêu một số trường hợp bất khả kháng, như thiên tai, cháy nổ, xe không còn sử dụng được nữa, buộc phải mua xe mới, lúc đó cũng nên cho phép sử dụng biển số xe cũ gắn vào xe mới.
Về mức giá, ông Bình cũng đồng tình thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng, bằng với mức đăng ký cao nhất hiện nay.
Cùng quan điểm, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng cho rằng, số đẹp xấu là do suy nghĩ của mỗi người, có thể số đẹp với người này, nhưng lại xấu với người khác.
“Nhiều người thích số 66 là số lộc, nhưng theo kinh dịch, những người sở hữu số đấy sẽ rất vất vả. Nên cứ đem tất cả kho số ra đấu giá, một người mua thì trả giá, còn hai người mua thì đấu giá, đỡ phải có hướng dẫn”, ông Tuấn nêu.
Về vấn đề thừa kế, theo ông Tuấn, quy định giới hạn trong vòng 12 tháng phải đăng ký xe là phù hợp. Nhưng đấu xong rồi không cho chuyển nhượng, lại cho chuyển nhượng theo xe, trong khi thực tế có tình trạng trúng biển số đẹp lại đăng ký xe giá rẻ, trong khi người khác có xe sang, lại rất thích biển số này, nên cho tặng, hoặc bán lại biển số đó. Vì thế, theo ông Tuấn, không nên giới hạn, cứ cho phép được bán sau trúng đấu giá và nộp thuế bình thường, như vậy sẽ giải quyết được vấn đề thực tế đặt ra.
Đại biểu Lê Quốc Phong, Bí thư Đồng Tháp thống nhất tính cần thiết phải thực hiện thí điểm, song việc chọn địa bàn hay triển khai trên toàn quốc cần phải xem xét cho kỹ. “Chúng ta vẫn đang quản lý theo địa bàn, muốn mở ra đấu giá toàn quốc, thì cơ chế vận hành quản lý và cách thực hiện phải thật chặt chẽ, cụ thể”, ông Phong nêu.
Về vấn đề chuyển nhượng, ông Phong lưu ý, tránh hình thành thị trường chợ đen trong chuyển đổi về giao dịch biển số xe. Theo ông, nếu mở ra, cho phép được cho, tặng, chuyển nhượng, về hình thức là cho tặng, chuyển nhượng, nhưng bản chất bên trong là một sự giao dịch có thoả thuận với nhau, hình thành thị trường rất bất công về việc này.
“Nói quyền lợi của người sở hữu, nhưng chúng ta cũng phải lường trước được việc hình thành phương thức không tốt trong vận hành”, ông Phong cho rằng, quy định như dự thảo khá chặt chẽ, nên cứ thí điểm, sau ba năm vận hành, nếu cần mở sẽ tính toán tiếp, còn nếu vội vàng cũng hơi khó trong quản lý thực hiện.
Giá biển số trên 50 triệu đồng, có phải kê khai tài sản?
Đại biểu Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái, quy định tại điều 3 và 4, cần quy định theo hướng chủ thể có quyền, nghĩa vụ là người đang sở hữu biển số trúng đấu giá, còn đối tượng để thực hiện quyền, nghĩa vụ là biển số trúng đấu giá, chứ không phải chiếc xe ô tô đang đăng ký biển số đó.
“Cần quy định theo hướng, không được chuyển nhượng cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng cho, tặng biển số trúng đấu giá kèm theo xe ô tô đang đăng ký biển số đó, không được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe ô tô đang đăng ký biển số đó để đăng ký cho xe khác thuộc quyền sở hữu của mình”, ông Duy nêu.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Yên Bái cũng đề nghị bổ sung quy định, người đang sở hữu biển số trúng đấu giá đã đăng ký cho xe ô tô thuộc sở hữu của mình, mà xe ô tô đó bị mất cắp, không tìm lại được, hoặc tai nạn rủi ro, hư hỏng, không đủ điều kiện lưu hành, thì được đề nghị cấp lại biển số và được đăng ký cho một xe ô tô khác thuộc quyền sở hữu của mình.
Ảnh Như Ý
Đáng lưu ý, biển số trúng đấu giá được xác định là tài sản cố định, được phép giao dịch dưới hình thức chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế, kèm theo xe ô tô đang đăng ký biển số đó, tuy nhiên trong dự thảo nghị quyết còn thiếu các quy định liên quan.
“Trong trường hợp khi chuyển nhượng xe ô tô kèm theo biển số trúng đấu giá, có thể giá trị biển số lên tới 500 triệu đồng, nhưng giá trị xe ô tô chỉ 200 – 300 triệu đồng, trong nghị quyết chưa đề cập đến nội dung này. Chúng tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về việc định giá, xác định mức thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ khi có chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá kèm theo ô tô đăng ký biển số đó”, ông Duy nêu.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, có thể bổ sung quy định về kê khai tài sản trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng phải kê khai tài sản theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng.
“Chúng ta quy định tài sản có giá trị 50 triệu đồng trở lên đã phải kê khai tài sản, trong khi biển số trúng đấu giá, giá khởi điểm đã là 40 triệu đồng. Vậy trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, mà có tham gia đấu giá, có sở hữu biển số trúng đấu giá với giá trị cao hơn 50 triệu đồng thì có phải kê khai hay không, phải quy định rõ”, đại biểu Đỗ Đức Duy nêu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận