menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đại Tư Tế

Trump 'quay đầu' ủng hộ tiền mã hóa

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã phản đối mạnh mẽ tiền mã hóa. Nhưng hiện tại, ông lại đang 'tỏ vẻ' muốn ủng hộ. Vậy lý do đằng sau quyết định 'quay đầu' của ông Trump là gì?

Vào tháng 5 vừa qua, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã phát biểu tại Hội nghị Quốc gia của Đảng Tự do, bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tiền mã hoá: "…Tôi cũng sẽ ngăn chặn chiến dịch huỷ diệt tiền mã hoá của ông Joe Biden… Tôi sẽ đảm bảo rằng tương lai của tiền mã hoá và tương lai của bitcoin sẽ được tạo ra ở Hoa Kỳ chứ không bị thao túng ở nước ngoài. Tôi sẽ ủng hộ quyền tự nắm giữ tiền mã hoá [self-custody - người dùng tự nắm giữ khoá riêng của ví tiền mã hoá]. Tôi muốn nói với 50 triệu cử tri nắm giữ tiền mã hoá trong nước: Với phiếu bầu của bạn, tôi sẽ giữ bitcoin của các bạn tránh xa Elizabeth Warren [Thượng nghị sĩ Dân chủ phản đối tiền mã hoá] và những kẻ ‘hung hãn’ của bà ấy".

Kể từ đó, ông Trump đã tiếp tục "ve vãn" ngành công nghiệp tiền mã hoá. Tuần vừa qua, ông xuất hiện tại Hội nghị Bitcoin 2024 ở Nashville cùng với ứng viên tổng thống độc lập Robert F. Kennedy Jr. Khi ra về ông đã nói: "Chúc các bạn có một khoảng thời gian vui vẻ với bitcoin và với các loại tiền mã hoá mà bạn đang chơi". Giọng của ông Trump không tỏ ra có nhiều sự nhiệt thành, nhưng trong bản thân ngành công nghiệp tiền mã hoá vẫn tràn ngập những người ủng hộ ông một cách mãnh liệt.

Sự thay đổi này gây bất ngờ vì trước đây ông Trump là người phản đối mạnh mẽ tiền mã hoá. Vào năm 2019, khi Facebook tung ra dự án tiền mã hoá Libra, ông Trump đã đăng lên twitter [nay là X]: "Tôi không phải là người hâm mộ Bitcoin và các loại tiền mã hoá khác, những thứ không phải là tiền và giá trị của chúng rất dễ biến động và mơ hồ". Cuốn hồi ký về Nhà Trắng của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, Căn phòng nơi chuyện đó xảy ra, trích lời của ông Trump nói với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin: "Đừng trở thành một nhà đàm phán thương mại. Hãy theo Bitcoin [để lừa đảo]". Vào năm 2021, trong một cuộc phỏng vấn của Fox Business, ông Trump nói rằng Bitcoin "có vẻ giống như một trò lừa đảo… Tôi muốn đồng USD trở thành tiền tệ của thế giới".

Trump 'quay đầu' ủng hộ tiền mã hóa

Hiện tại có khoảng 19,8 triệu đồng Bitcoin đã được đào trên tổng cung 21 triệu. Giá của Bitcoin trong tháng 7/2024 dao động trong khoảng từ 54.000-70.000 USD. Ảnh: CoinMarketCap.

Tại sao ông Trump lại có sự thay đổi như vậy? Trong khi, có vẻ như sẽ không có nhiều phiếu bầu từ ngành công nghiệp tiền mã hoá. Con số "50 triệu cử tri" mà ông Trump đưa ra xuất phát từ một cuộc thăm dò được lấy mẫu "ẩu" của sàn giao dịch tiền mã hoá Coinbase, cho rằng có 52 triệu người dùng tiền mã hoá ở Hoa Kỳ tính đến tháng 2/2023. Nhưng một cuộc khảo sát được Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ thực hiện vào tháng 10 năm ngoái cho thấy chỉ có 7% người trưởng thành (khoảng 18,3 triệu người) thừa nhận đã nắm giữ hoặc sử dụng tiền mã hoá - giảm từ 10% vào năm 2022 và 12% vào năm 2021. Nhiều người trong số đó có khả năng là những nhà đầu tư ngoan cố đã nắm giữ những đồng tiền mã hoá không còn giá trị sau khi thị trường sụp đổ vào năm 2022.

Điều ông Trump thực sự muốn là tiền từ ngành công nghiệp tiền mã hoá! Ngành công nghiệp tiền mã hoá đã gom hơn 180 triệu USD để "ném" vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 thông qua các siêu PAC như Fairshake, Defend American Jobs và Protect Progress. [Siêu PAC là những Hội đồng hành động chính trị (PAC - Political Action Committee) tập trung vào việc hỗ trợ các ứng cử viên ủng hộ ngành công nghiệp tiền mã hoá].

Fairshake đã chi 10 triệu USD để "hạ gục" Thượng nghị sĩ Katie Porter trong cuộc chiến đầu tiên giành ghế Thượng viện California của bà Dianne Feinstein (1992-2023), bằng cách tài trợ cho đối thủ của Porter là Adam Schiff - là người ủng hộ tiền mã hóa. Hội đồng này cũng đã bỏ ra 2 triệu USD để đánh bại Hạ nghị sĩ Jamaal Bowman trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại Quận 16 New York để hỗ trợ cho George Latimer - một nghị sĩ cũng ủng hộ tiền mã hóa. Trong cuộc bầu cử sơ bộ tại Thượng viện đảng Cộng hòa ở Utah, nghị sĩ John Curtis đã đánh bại Trent Staggs với 4,7 triệu USD tiền hỗ trợ từ Defend American Jobs. Tại Hạ viện Quận 2 Alabama, phần lớn cho chiến dịch tranh cử đến từ ngành công nghiệp tiền mã hóa.

Phần lớn tiền tài trợ của Fairshake đến từ sàn giao dịch Coinbase, công ty phát hành tiền mã hóa Ripple Labs và công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz (a16z) ở Thung lũng Silicon. Thung lũng Silicon đã tập trung sâu vào tiền mã hóa trong bong bóng năm 2021. Và đặc biệt, hiện tại a16z vẫn tiếp tục thúc đẩy các công ty khởi nghiệp blockchain và vẫn nắm giữ một lượng lớn tiền mã hóa từ bong bóng năm 2021.

Trump 'quay đầu' ủng hộ tiền mã hóa

Hình biếm họa Sam Bankman-Fried - nhà sáng lập, CEO của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX. Từng được coi là gương mặt đại diện cho ngành công nghiệp tiền mã hóa, hiện Sam bị kết án với 7 tội danh lừa đảo, tham ô và âm mưu phạm tội... Ảnh: FP.

Ba tuyên ngôn của a16z là "Chính trị và Tương lai"; "Tuyên ngôn lạc quan về công nghệ" và "Chương trình nghị sự nhỏ về công nghệ" năm 2024 - nêu ra những yêu cầu của Marc Andreessen và Ben Horowitz về hình thái chủ nghĩa tư bản được thúc đẩy bởi công nghệ mà không bị cản trở bởi quy định, chế tài hoặc sự cân nhắc của xã hội. Họ gọi "các chuyên gia", "bộ máy quan liêu" và "trách nhiệm xã hội" là "kẻ thù" của họ. Tuyên bố năm 2024 của họ tuyên bố rằng các ngân hàng không công bằng khi đang cắt đứt các công ty khởi nghiệp khỏi hệ thống; đó chính là các công ty tiền mã hóa được tài trợ bởi a16z.

Người được ông Trump chọn làm phó tổng thống để liên danh tranh cử, Thượng nghị sĩ James David Vance, trước đây là một nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon. Ông từng được Peter Thiel [đồng sáng lập Paypal với Elon Musk] tuyển dụng. Thiel đã tài trợ cho cuộc tranh cử thành công của Vance vào Thượng viện năm 2022. Ông Vance đã được mô tả là "tạo tác của Thiel". Ông đã gia tăng sự ủng hộ dành cho ông Trump trong số các cộng sự đầu tư mạo hiểm. Ông Vance có sở hữu Bitcoin và ủng hộ tiền mã hóa. Gần đây, ông đã lan truyền một dự thảo luật xem xét lại cách kiểm soát tiền mã hóa của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC). Vào năm 2023, ông đã đưa ra một dự luật ngăn các ngân hàng loại bỏ các sàn giao dịch tiền mã hóa.

Những quy chế tối thiểu đã từng được áp dụng trước đây. Nó dẫn đến sự bùng phát trong thị trường tài chính vào những năm 1920 và kết thúc bằng sự sụp đổ trong ngày Thứ Ba Đen Tối năm 1929, dẫn tới cuộc Đại suy thoái trong những năm 1930. Vào thời điểm này, các cơ quan quản lý như SEC được thành lập để bảo vệ các nhà đầu tư và biến đổi thị trường chứng khoán từ một khu rừng rậm thành một khu vườn được chăm sóc cẩn thận, dẫn đến nhiều thập kỷ thịnh vượng và ổn định sau đó.

Tiền mã hóa tạo ra những gì đi ngược lại với một hệ thống ổn định và hoạt động tốt. Nó là một ví dụ điển hình của việc thiếu quy định, chế tài đã tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội và lừa đảo gây ra thảm họa trên quy mô lớn như thế nào. Sự sụp đổ năm 2022 của tiền mã hóa đã tái hiện lại cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 ở quy mô nhỏ. Sam Bankman-Fried của FTX từng được tôn vinh là người trẻ xuất sắc trong lĩnh vực tài chính, người sẽ mang lại những điều kỳ diệu về kinh tế nếu bạn để anh ta "rảnh tay". Cuối cùng, Sam đã đánh cắp hàng tỷ USD của khách hàng, hủy hoại cuộc đời của những người bình thường và hiện phải sống trong tù.

Từ lâu, các nhà quản lý Hoa Kỳ đã lo lắng về những tác động tiêu cực từ tiền mã hóa sẽ lan sang nền kinh tế rộng lớn hơn. Hoạt động rửa tiền là đặc hữu của tiền mã hóa. Ngay cả chính quyền của ông Trump vào tháng 12/2020, cũng đã đưa ra các quy định để giảm thiểu rủi ro rửa tiền qua tiền mã hóa. Trong khi đó, ngành công nghiệp tiền mã hóa lại liên tục cố gắng để thâm nhập vào các lĩnh vực rủi ro mang tính hệ thống của nền kinh tế Hoa Kỳ, chẳng hạn như quỹ hưu trí.

Trong cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2023, đã có 4 ngân hàng Hoa Kỳ sụp đổ. Hai trong số này là Silvergate và Signature, đã liên quan quá sâu với thế giới tiền mã hóa. Đặc biệt là Silvergate - ngân hàng đã sụp đổ trực tiếp do phụ thuộc quá nhiều vào FTX. Ngân hàng Silicon Valley không tham gia vào tiền mã hóa nhưng đã phá sản sau cuộc tháo chạy của khách hàng do sự hoảng loạn từ những người nắm giữ tiền gửi đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là từ Quỹ Founders của Thiel.

Project 2025, còn được gọi là 2025 Presidential Transition Project, là sáng kiến được phối hợp bởi Heritage Foundation nhằm thúc đẩy các chính sách bảo thủ thiên hữu để tái hình thành chính phủ liên bang Hoa Kỳ và tập trung quyền lực hành pháp nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Sáng kiến này nhiều lần được ông Trump và ông Vance tán thành nhưng cố gắng tránh xa. Đây là kế hoạch nhấn mạnh tầm quan trọng của những người trung thành với đảng Cộng hòa, đặc biệt lưu ý đến các quy định tài chính.

Kế hoạch này khuyến nghị thay thế nhân sự quan liêu càng nhiều càng tốt bằng những người trung thành và các quan chức "đáng tin cậy" thay vì các 'chuyên gia' phi đảng phái. Năm 2021, ông Vance tán thành rằng ông Trump nên "sa thải mọi quan chức quan liêu cấp trung, mọi công chức trong bộ máy hành chính" và "thay thế họ bằng người của chúng ta". Lòng trung thành có khả năng chiến thắng năng lực!

Trump 'quay đầu' ủng hộ tiền mã hóa

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Phó tướng liên danh tranh cử James David Vance tại Đại hội đảng Cộng hòa ngày 16/7. Ảnh: The Economic Times.

Tiền mã hóa ít khi được đề cập trực tiếp trong Project 2025. Điều này cho thấy rằng nó nhận được ít sự hỗ trợ tích cực từ liên minh bảo thủ. Nhưng ở gần cuối bản tuyên ngôn của Project 2025 là kế hoạch dỡ bỏ hầu hết các quy định tài chính và bảo vệ nhà đầu tư của Hoa Kỳ được áp dụng từ những năm 1930, đề xuất sự miễn trừ mà ngành công nghiệp tiền mã hóa mong muốn rời khỏi các quy định hiện hành của SEC và CFTC.

Bitcoin, loại tiền mã hóa đầu tiên, bắt đầu như một dự án muốn thúc đẩy ý tưởng của nhà kinh tế học Murray Rothbard - chủ nghĩa tư bản Arnacho, một triết lý chính trị và lý thuyết kinh tế chính trị ủng hộ việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ tự nguyện trong một xã hội được điều chỉnh chủ yếu bởi thị trường thay vì nhà nước, kết hợp với nền kinh tế kim bản vị của Áo. Đây chính là nền kinh tế mà Hoa Kỳ đã phải từ bỏ để thoát khỏi cuộc Đại suy thoái. Tiền mã hóa nhanh chóng bám vào các thuyết âm mưu của các nhóm thiên hữu John Birch và Eustace Mullins như "kết thúc Fed" và "quyền lực của giới tinh hoa"... Đó là lý do vì sao mà giới tỉ phú tư bản như Thiel, Andreessen và Elon Musk luôn chối bỏ rằng họ không thuộc về cái gọi là "tinh hoa".

Nếu ông Trump lại đắc cử và gây khó khăn cho các cơ quan quản lý tài chính, cho phép tiền mã hóa tự do, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ hỗn loạn và tiếp tục biến động nhiều hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả