Trump gọi điện cho CEO của 3 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ sau khi chứng khoán lao dốc
Tổng thống Donald Trump đã tổ chức một cuộc gọi hội nghị với các CEO của ba ngân hàng lớn nhất của Mỹ khi thị trường chứng khoán giảm mạnh hôm 14/8.
Ông Trump đã tổ chức cuộc gọi với Giám đốc điều hành (CEO) J.P. Morgan Chase - ông Jamie Dimon, CEO Bank of America - ông Brian Moynihan và CEO Citigroup - ông Michael Corbat, Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết. Chỉ số Dow Jones đã giảm 800 điểm, tương đương 3%, trong ngày tồi tệ nhất năm vào ngày 14/8 vì tín hiệu cảnh báo suy thoái kinh tế từ thị trường trái phiếu.
Tổng thống yêu cầu ba người đàn ông này đưa ra nhận định về sức chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, một trong các nguồn thạo tin cho biết. Các giám đốc điều hành trả lời rằng sức mua của người tiêu dùng vẫn tốt, nhưng có thể còn tốt hơn nữa nếu các vấn đề, bao gồm cả thương chiến Mỹ - Trung Quốc, được giải quyết, nguồn tin này nói.
Ông Michael Corbat, trái, CEO của Citigroup, và ông Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase. Ảnh: CNBC/Getty.
Các vị CEO cũng nói với ông Trump rằng tranh chấp thương mại đang làm tổn hại đến triển vọng chi tiêu vốn của các tập đoàn, theo một nguồn tin khác am hiểu các cuộc thảo luận. Nguồn tin này cũng cho biết rằng Tổng thống Mỹ đã chấp nhận khái niệm rằng sự không chắc chắn về thương mại đang làm tổn thương niềm tin của giới doanh nghiệp. Họ cũng thảo luận về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại khiến các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới chuyển sang nới lỏng tiền tệ, nguồn tin này nói. Một ý kiến được thảo luận nhiều trong suốt cuộc gọi: Việc FED cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản khó lòng thay đổi dòng vốn trên thị trường. Cuộc gọi kéo dài khoảng 20 phút, diễn ra sau khi các CEO kết thúc cuộc họp trước đó với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tại Washington.
Các chỉ số chứng khoán trên toàn thế giới sau phiên 16/8. Ảnh: Indexq.com
Ông Trump đã tiếp xúc với các nhà lãnh đạo công ty trong tuần này vì Tổng thống Mỹ lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng đến cơ hội tái tranh cử của ông, theo nhận định của tờ Washington Post.
Cuộc thảo luận gợi nhớ đến một cuộc họp khác được tổ chức vào tháng 12 năm ngoái, diễn ra giữa ông Mnuchin và người đứng đầu của 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, sau khi thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh trước đó.
Cổ phiếu ngân hàng là nhóm giảm giá nhiều nhất trong thời gian gần đây sau khi đường cong lợi suất đảo ngược hôm 14/8, một sự kiện bất thường khi lợi suất trái phiếu dài hạn giảm xuống dưới mức lợi suất ngắn hạn. Lý do là vì lãi suất giảm gây áp lực cho biên lợi nhuận của ngành ngân hàng, và cũng là tín hiệu báo hiệu rằng một cuộc suy thoái đang đến, điều vốn sẽ khiến tỷ lệ vỡ nợ tăng.
Trong phiên giao dịch ngày 16/8, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh, khi lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ hồi phục và có tin Chính phủ Đức có thể tung một gói hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo Reuters, cả ba chỉ số chính đều chốt phiên với sắc xanh rực rỡ, nhưng khép lại tuần giảm điểm thứ ba liên tục.
Một bài báo trên tờ Der Spiegel của Đức nói rằng Chính phủ liên minh của nước này sẵn sàng tạm gác nguyên tắc ngân sách cân bằng sang một bên để vay nợ cho việc kích cầu nền kinh tế. Thông tin này làm dấy lên hy vọng nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể tránh được suy thoái, đồng thời xoa dịu nỗi lo về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu.
Nguồn CNBC
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận