'Trump 2.0': Áp thuế, đô la tăng và kinh tế Việt Nam
Trong bối cảnh Việt Nam là quốc có thương mại lớn thứ ba với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico, vấn đề được thảo luận tiếp theo là câu chuyện áp thuế và rủi ro đô la tăng, sau khi kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc.
Áp thuế cao, đô la tăng
Khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, thị trường đang hướng đến những chính sách của chính quyền mới sẽ ảnh hưởng đến thế giới, trong đó có không ít lo ngại về tác động đến kinh tế Việt Nam.
Lo ngại chủ yếu xuất phát từ việc trước đó ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và áp thuế 20-30% đối với các quốc gia khác để thực hiện mục tiêu này.
Trong khi đó, Việt Nam đang có thặng dư thương mại khoảng 100 tỉ đô la với Mỹ vào năm ngoái, trở thành quốc gia có cán cân thương mại lớn thứ ba với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico.
Bình luận về sự kiện mới nhất này, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích khối Khách hàng Cá nhân, Công ty chứng khoán Maybank, cho rằng việc ông Trump tái đắc cử có khả năng tạo ra những tác động mạnh mẽ lên chuỗi cung ứng toàn cầu, bằng cách tăng thuế nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc lên 60% và từ các quốc gia khác lên 10%.
“Điều này không chỉ tác động mạnh lên các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam, mà cũng làm tăng giá trị của đồng đô la Mỹ trên toàn cầu do dòng vốn tiếp tục chảy vào các tài sản an toàn”, ông Lâm đánh giá.
Vướng mắc không chỉ nằm ở thuế quan mà còn nằm ở lãi suất của đồng đô la Mỹ. Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 với chủ đề "Khai thông & Bứt phá" diễn ra sáng ngày 8-11, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital, cho biết chính quyền Mỹ mong muốn đồng tiền mạnh, nghĩa là lãi suất duy trì ở mức cao.
Ngoài ra, thị trường Trung Quốc cũng đang chuẩn bị gói kích cầu tương ứng với kịch bản của Mỹ, do đó nếu đánh thuế hàng Trung Quốc thì khả năng phá giá tiền đồng cũng chịu áp lực riêng. “Điều này đồng nghĩa với việc không gian về chính sách tiền tệ cũng sẽ hẹp đi”, ông Tuấn bình luận.
Trong bài phân tích trước khi sự kiện bầu cử diễn ra, ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) cũng có đánh giá tương tự khi cho rằng các chính sách thuế quan của ông Trump đặt ra có thể dẫn đến lạm phát, hệ quả của việc giá hàng nhập khẩu cao hơn cũng như thắt chặt thị trường lao động.
“Trên bề mặt, các chính sách mà ông Trump đề xuất có thể kéo dài chu kỳ tăng trưởng mạnh hơn dự kiến của nền kinh tế Mỹ, nhưng ngay cả khi chỉ được thực hiện một phần, cũng có thể gây ra lạm phát. Mức lạm phát cao hơn này có thể dẫn đến một lộ trình cắt giảm lãi suất ít hơn từ Fed so với dự đoán của thị trường”, ông bình luận.
Đánh giá tương tự, ông Lâm của Chứng khoán Maybank cũng cho rằng các chính sách của Trump có thể khiến lạm phát Mỹ tăng trở lại và Fed có khả năng sẽ không cắt giảm lãi suất mạnh như dự kiến, dẫn đến tạo áp lực đến tỷ giá của Việt Nam.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Ở góc độ lạc quan, theo ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, Tập đoàn VinaCapital, đánh giá những rủi ro về thương mại và dòng vốn sản xuất đã bị đẩy lên “quá mức cần thiết”. Chuyên gia này nhìn nhận, không có lý do gì để lo ngại rằng chính quyền mới của Nhà Trắng sẽ làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế đang ở mức lành mạnh của Việt Nam.
Cụ thể hơn, đại diện phân tích của VinaCapital bình luận Trung Quốc mới là mục tiêu hướng đến của thương chiến, không phải Việt Nam. Trong khi Mỹ lại đang mở rộng mối quan hệ kinh tế tích cực với Việt Nam, ở cấp cao nhất của chính phủ Mỹ.
Mặt khác, Việt Nam có thể được xem là một đối tác hữu ích trong việc giúp Mỹ thoát khỏi việc phụ thuộc vào hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Bởi mức lương cao và sự khan hiếm công nhân nhà máy có tay nghề sẽ hạn chế nỗ lực của Mỹ trong việc đưa các công việc sản xuất trở về, chỉ tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
“Tóm lại, Việt Nam có thể sản xuất những mặt hàng mà người tiêu dùng Mỹ muốn mua nhưng quá đắt để sản xuất tại Mỹ và ông Trump sẽ thích nếu họ không mua hàng từ Trung Quốc”, ông Michael Kokalari bình luận.
Còn với vấn đề thuế quan, cơ sở để kỳ vọng Mỹ chưa vội áp thuế là chuyện lạm phát mà Mỹ có thể gặp phải trong năm tới. Cũng cần nhắc lại một lý do được cho là giúp ông Trump tái đắc cử đến từ sự bất mãn của cử tri đối với nền kinh tế, theo đại diện VinaCapital.
Với Việt Nam, ông Michael Kokalari cho rằng, “rất khó có khả năng” Mỹ sẽ áp thuế nặng (20-30%) đối với hàng hóa. Tuy nhiên, trong kịch bản mà Mỹ áp thuế toàn diện, chẳng hạn như như 5-10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia ngoài Trung Quốc, Việt Nam vẫn được cho là sẽ giữ được lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác về dòng vốn FDI.
Theo ông Lâm, ngoài những thách thức từ “Trump phiên bản 2.0”, cơ hội cho Việt Nam còn đến từ việc dòng vốn FDI có thể sẽ tăng thêm. “Điều này tương tự như trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, bởi 10% thuế nhập khẩu vẫn tốt hơn nhiều so với mức 60%”, ông Lâm bình luận.
Ngoài ra, những cơ hội kinh doanh mới có thể xuất hiện trong các ngành năng lượng, công nghệ thông tin và logistics hàng không, khi Việt Nam có thể tìm cách nhập khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn từ Mỹ (như LNG, phần mềm…) nhằm làm hạ nhiệt căng thẳng với đối tác của mình.
Trở lại vấn đề thặng dư thương mại của Việt Nam ở mức cao, cũng như từng nằm trong danh sách “thao túng tiền tệ” mà Bộ Tài chính Mỹ đưa ra, hiện cũng đang được giải quyết bằng cách mua các sản phẩm giá trị cao như khí LNG và động cơ máy bay từ Mỹ.
“Những yếu tố khiến Việt Nam hấp dẫn đối với các nhà sản xuất và đã thu hút hàng tỉ đô la FDI sẽ tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ có lợi nếu bắt đầu xem xét cách giảm thặng dư thương mại với Mỹ trước khi vấn đề này trở thành mối quan ngại lớn với chính quyền mới”, ông Michael Kokalari bình luận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận