Trục lợi nhà ở xã hội
Kê khai không trung thực về thu nhập, sở hữu đất đai... lợi dụng chính sách để được mua nhà ở xã hội.
Kê khai không trung thực
Câu chuyện trục lợi nhà ở xã hội đã xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhiều người có điều kiện kinh tế khá giả, song nhờ các mối quan hệ vẫn “chạy chọt” để chiếm hữu các căn hộ trong dự án nhà ở xã hội. Trong khi đó, một bộ phận lớn những người có thu nhập thấp đối tượng chính sách lại rất khó lòng để tìm cho mình một chốn an cư... Những bất cập này đã và đang để lại bức xúc trong dư luận, và cũng khó để ngăn chặn một cách triệt để khi còn rất nhiều kẽ hở về pháp lý cũng như trong công tác quản lý các dự án nhà ở xã hội như hiện nay.
Mới đây, Thanh tra TP. Đà Nẵng đã có Thông báo số 924/TB-TTTP về kết quả thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác xét duyệt, quản lý và sử dụng nhà ở xã hội tại chung cư An Trung 2, nằm trên địa bàn phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. Dự án này do Liên doanh Công ty CP Đức Mạnh và Công ty CP Đầu tư và xây dựng 579 (DMC - 579) làm chủ đầu tư. Theo kết luận thanh tra, có 324 trường hợp đã được xét duyệt mua nhà ở xã hội tại chung cư An Trung 2. Nhưng, có đến 80 trường hợp sai phạm. Điều đáng nói là 80 trường hợp trên đã nhận nhà và vào ở từ lâu. Thậm chí, một số trường hợp còn bỏ tiền ra tu sửa, tân trang các căn hộ đã được mua.
Cụ thể, qua kiểm tra đối chiếu 324 trường hợp được mua nhà tại dự án nhà ở xã hội tại chung cư An Trung 2, cơ quan chức năng thành phố đã phát hiện 24 trường hợp có nhà trên đất, 11 trường hợp có 2 thửa đất trở lên, 42 trường hợp có 1 thửa đất… Trong số 80 trường hợp được bán nhà sai quy định có 40 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân theo Luật Thuế thu nhập cá nhân nên không đủ điều kiện được mua nhà ở xã hội. Ngoài ra, có 10 trường hợp người mua nhà ở xã hội kê khai không trung thực về đối tượng lao động làm việc trong doanh nghiệp để được hưởng chính sách nhà ở xã hội, chủ doanh nghiệp xác nhận không đúng.
Thanh tra TP. Đà Nẵng cũng đã kết luận, “trách nhiệm chính thuộc về các cá nhân mua nhà ở xã hội kê khai không trung thực về thu nhập chịu thuế của mình theo pháp luật về thuế thu nhập cá nhân (trong hồ sơ xét duyệt khai là thu nhập thấp), để lợi dụng chính sách được mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc xác nhận không đúng về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của mình để mua nhà ở xã hội, chưa xem xét cụ thể nhà ở, thu nhập của đối tượng này trước khi xác nhận. Cụ thể, trách nhiệm xét duyệt hồ sơ không đúng đối tượng, điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội thuộc về liên doanh DMC - 579, Sở Xây dựng và có trách nhiệm của UBND các xã phường, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc xác nhận không có cơ sở về tình trạng nhà ở và thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân cho các đối tượng mua nhà ở xã hội.
Kẽ hở công tác quản lý
Ngay sau khi vụ việc được công khai, thanh tra TP. Đà Nẵng đã kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, các cá nhân thuộc Sở Xây dựng có liên quan trực tiếp đề xuất, xác nhận danh sách mua nhà ở xã hội tại Chung cư An Trung 2 và trong việc tham mưu xét duyệt sai quy định của Luật Nhà ở. Thanh tra cũng đề nghị Liên doanh Công ty CP Đức Mạnh và Công ty CP Đầu tư và xây dựng 579, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, rà soát đối với 80 trường hợp sai phạm phải xử lý trong thời gian xét duyệt và được mua nhà ở xã hội chung cư An Trung 2 để lập thủ tục chấm dứt hợp đồng theo quy định. Thanh tra kiến nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức viên chức, người lao động kê khai không trung thực, không đúng về nhà đất, thu nhập cá nhân...
Theo nhiều người, bên cạnh lòng tham của không ít người, việc dễ dàng trục lợi tại các dự án nhà ở xã hội bộc lộ kẽ hở trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Trên thực tế, những lùm xùm tại dự án nhà ở xã hội tại chung cư An Trung 2, không phải là những trường hợp tiêu cực đầu tiên liên quan đến dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Được biết, trên địa bàn thành phố hiện có 177 khu chung cư, block chung cư, nhà ở xã hội với gần 10 nghìn căn hộ thuộc sở hữu nhà nước. Số lượng căn hộ chung cư hiện có của Đà Nẵng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu căn hộ chung cư trên địa bàn thành phố. Trước sự việc xảy ra ở dự án nhà ở xã hội tại chung cư An Trung 2, cơ quan chức năng của địa phương cũng đã phát hiện nhiều cán bộ, công chức, viên chức có nhà ở và có từ 1 đến nhiều thửa đất nhưng vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ nhà xã hội dành cho người thu nhập thấp...
Trên thực tế đang tồn tại nghịch lý, khi tại các dự án dành cho người nghèo, người có thu nhập thấp song dưới sân lại dày đặc các ô tô “xịn”, chen nhau đậu kín sân. Trong khi đó, theo quy định trong Luật Nhà ở năm 2014, nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội gồm rất nhiều thành phần như, người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; cán bộ, công chức, viên chức... Tiêu chí để lựa chọn người mua nhà ở xã hội rất gắt gao, trải qua nhiều bước thẩm định, chấm điểm hồ sơ người đăng ký mua nhà. Thế nhưng, bằng các mối quan hệ, thủ đoạn khác nhau nhiều người, mặc dù kinh tế đã rất khá giả, song vẫn “chạy chọt”, để có thể sở hữu được các căn hộ trong các dự án nhà ở xã hội. Trong khi, nhiều người có nhu cầu bức tiết về nơi ở thật sự, lại bị loại ra, gây nên những bất công trong chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Điều này, đã và đang gây bức xúc cho dư luận, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Trước mắt, cần thu hồi lại ngay các căn hộ chung cư đã bán sai cho đối tượng, để lấy lại sự công bằng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận