Trụ vững trước "giông bão", PVN đạt kết quả ấn tượng
Thời gian qua, giá dầu giảm mạnh chưa từng có, nhiều doanh nghiệp dầu khí quốc tế phải tạm ngừng sản xuất, đóng mỏ, cắt giảm nhân sự..., thậm chí tuyên bố phá sản.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã nắm bắt cơ hội để củng cố lại “đội hình”, sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới. Tinh thần của PVN là phải đạt bằng được "mục tiêu kép" trong "khủng hoảng kép" - tức vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Dưới ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tác động “kép” đối với ngành dầu khí được đánh giá nặng nề hơn rất nhiều so với các ngành khác. Giá dầu trung bình trong 4 tháng đầu năm khoảng 48 USD/thùng (trong khi giá kế hoạch là 60 USD/thùng). Lượng tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu, hiệu quả khai thác dầu khí giảm mạnh... khiến doanh thu bán dầu và nộp ngân sách nhà nước từ dầu thô cũng giảm mạnh.
Với phương châm “Quản trị biến động, tối ưu giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ, nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội, an toàn về đích”, Tập đoàn đã quyết liệt triển khai đồng bộ các gói giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trong từng lĩnh vực hoạt động về quản trị, đầu tư, tài chính, thị trường và cơ chế chính sách nhằm ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trước “khủng hoảng kép”.
Trong 4 tháng đầu năm 2020, tất cả các đơn vị trong Tập đoàn đều giữ được nhịp độ sản xuất, sản lượng cơ bản hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 7,2 triệu tấn, vượt 7,7% kế hoạch. Sản xuất điện đạt 7,03 tỷ kWh. Sản xuất đạm đạt 601,6 nghìn tấn, vượt 7,8% kế hoạch. Sản xuất xăng dầu ước đạt 4,53 triệu tấn, vượt 2,2% kế hoạch.
Tình hình tiêu thụ các sản phẩm dầu khí trong tháng 4/2020 bắt đầu khởi sắc, sản lượng tiêu thụ xăng dầu của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn và Chi nhánh Phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn đều tăng 3,6% - 17,6% so với tháng trước. Tình trạng tồn kho có xu hướng giảm so tháng 3, tuy nhiên vẫn còn tương đối cao.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 4 tháng ước đạt 203,9 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 24,1 nghìn tỷ đồng.
Song song với sản xuất kinh doanh, PVN và các đơn vị thành viên đã tập trung, chủ động ứng phó với đại dịch Covid-19. Công tác an toàn, an ninh, phòng chống dịch tại các đơn vị, công trường, nhà máy được các nhà thầu dầu khí, đơn vị thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, của thị trường dầu khí quốc tế cũng như khó khăn của kinh tế trong nước, những kết quả trên là rất đáng ghi nhận. Nếu không có sự chủ động, linh hoạt trong việc triển khai các nhóm giải pháp như trên, PVN khó có thể trụ vững và đạt được kết quả tích cực, nhất là khi Tập đoàn vừa trải qua cơn "khủng hoảng" giá dầu kéo dài từ giữa năm 2015 đến cuối năm 2018.
Phát biểu tại Hội nghị giao ban với Tổng giám đốc/Giám đốc các đơn vị/dự án về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 4 tháng năm 2020 ngày 8/5, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhận định, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều biến động, nhiều yếu tố liên quan đến động lực tăng trưởng vẫn còn nhiều thách thức. PVN vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Trong các tháng còn lại của quý II, đề nghị các đơn vị phải thay đổi cách quản trị để phù hợp hơn với các biến động vì tình hình đã nghiêm trọng hơn dự báo từ trước. Mặt khác, qua đánh giá, đã có những cơ hội để phục hồi tăng trưởng, vì thế cần chuẩn bị tốt các điều kiện để nắm bắt nhanh nhất cơ hội.
Đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh trong nước đã phần nào được kiểm soát nhưng với các đối tác nước ngoài của PVN vẫn còn rất nhiều nguy cơ. Do đó, các đơn vị cần phải có ý thức trong việc phòng chống dịch, nhằm giảm thiểu thấp nhất những tác động của dịch bệnh đến hoạt động của các dự án.
“Khó khăn trước mắt còn rất lớn, nhưng với sự cố gắng của Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên, tôi tin rằng, chúng ta sẽ tránh được những cơn sóng lớn”, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận