Trụ sở công ty đăng ký vốn 128.000 tỷ đồng là điểm rửa xe
Công ty Toàn Cầu đăng ký trụ sở tại số 143 Trích Sài, nhưng trên thực tế đây là một điểm rửa ôtô, xe máy.
Thời gian gần đây, một doanh nghiệp "vô danh" không có "tên tuổi" trên thị trường cũng như hoạt động gì nổi bật đăng ký vốn lên tới gần 128.000 tỷ đồng (khoảng 5,5 tỷ USD) khiến không ít người ngỡ ngàng.
Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp này được thành lập ngày 9/11/2018, đăng ký trụ sở tại 143 Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội. Ông Bùi Văn Việt (SN 1953) là Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế, địa chỉ số 143 phố Trích Sài ven hồ Tây không có Công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu như đăng ký kinh doanh nêu trên.
Tại địa chỉ số 143 Trích Sài có gắn biển dịch vụ "rửa ôtô, xe máy ngày đêm" ở cổng, không có bất cứ thông tin biển hiệu gì về siêu doanh nghiệp trăm nghìn tỷ này. Bên trong là một căn nhà cấp 4 khóa kín cửa, không có người ở.
Thông tin trên Người Lao Động, người dân sống tại khu vực này cho biết, không có công ty nào hoạt động tại số 143 Trích Sài. Tuy nhiên, hoạt động rửa ôtô - xe máy cũng đã dừng từ lâu, hiện căn nhà cấp 4 bên trong không có người ở.
Theo tìm hiểu của PV, ban đầu, Công ty Toàn Cầu được thành lập với vốn điều lệ 132 tỷ đồng với 5 cổ đông sáng lập gồm: bà Phạm Thị Thành (nắm giữ 36% vốn), cổ đông Bùi Văn Việt, Đào Công Hậu, Đỗ Xuân Đảng cùng sở hữu 18%, cổ đông Trần Đức Thủy nắm 10%.
Chỉ sau chưa đến 1 năm, đến tháng 6/2019, doanh nghiệp này tăng vốn lên gấp 969 lần, ở mức 127.700 tỷ đồng và đến thời điểm hiện tại chưa có thông tin thay đổi.
Trong đó, vốn nước ngoài được góp bởi ông David Aristotle Phan (quốc tịch Mỹ) nắm giữ 40% cổ phần, tương ứng 51.161 tỷ đồng, 60% cổ phần còn lại (tương ứng 76.741 tỷ đồng) là nguồn vốn tư nhân.
Với vốn góp tỷ USD này, tính đến hết năm 2020, Toàn Cầu lọt top 5 doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lớn nhất Việt Nam, chỉ sau sau Vingroup (135.853 tỷ đồng), Samsung Electronics Việt Nam (229.498 tỷ đồng), EVN (240.236 tỷ đồng) và Samsung Electronics Thái Nguyên (274.193 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo dữ liệu của PV, tính đến cuối năm 2019, vốn thực góp vào Toàn Cầu của các cổ đông chỉ vọn vẹn 195,5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tỷ USD cũng không ghi nhận doanh thu và lỗ ròng 3 triệu đồng trong năm 2019.
Về cổ đông ngoại David Aristotle Phan, theo thông tin tự giới thiệu, ông Phan cho biết bản thân đã tốt nghiệp nhiều trường đại học lớn ở Mỹ như Đại học Illinois, Học viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Missouri-Columbia.
Ông từng tham gia vào các hoạt động tài chính quốc tế tại nhiều quốc gia trên thế giới; tham gia sản xuất/biên tập phim 3D/4D, phim tài liệu; nghiên cứu về khoa học máy tính; nghiên cứu về vật lý chuyên sâu, năng lượng nhiệt hạch,...
Hiện tại, ông Phan đang giữ chức vụ tại nhiều tổ chức như: Chủ tịch kiêm CEO của Sophy Investments Ltd.; Giám đốc tài chính (CFO) của Marvel 3-D Films; Chủ tịch HĐQT của Humanity Film Media Inc...
Đáng chú ý, cái tên David Aristotle Phan cùng xuất hiện trong "Hồ sơ Panama" - một trong những bộ tài liệu điều tra của Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) về các công ty offshore (công ty ngoại biên), theo đó tiết lộ hàng trăm nghìn cá nhân và doanh nghiệp lợi dụng các thiên đường thuế, có thể nhằm mục đích trốn thuế và rửa tiền.
Trên website của Sophy Investments Ltd., công ty này được thành lập từ tháng 4/2006, xây dựng được quỹ 237 triệu USD ngay trong năm đầu tiên và tiền được đảm bảo bởi Swiss Mutual Fund (1948).
Tuy nhiên, Swiss Mutal Fund (1948) từng bị cảnh báo là một tổ chức lừa đảo trên nền tảng internet hoạt động trên toàn thế giới, vào năm 2009, bởi Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận