Trong khủng hoảng dịch corona, giải pháp công nghệ phát huy thế mạnh
Trong suốt 20 năm qua, các nhân viên của hãng công nghệ Tencent trong ngày đầu đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ có cơ hội gặp chủ tịch Pony Ma Huateng và các lãnh đạo cấp cao, đồng thời nhận phong bao lì xì từ người đứng đầu tập đoàn.
Thế nhưng, điều này đã thay đổi khi công ty quyết định hủy bỏ hoạt động tụ họp và gặp mặt đông người này, nhằm phòng chống sự lây lan của virus corona. Và, trong cơn khủng hoảng dịch bệnh, nền tảng Wechat của Tencent cũng như những ứng dụng công nghệ khác, đã có cơ hội phát huy tính tiện ích.
Chủ tịch Pony Ma Huateng của Tencent từng kể rằng việc phát phong bao lì xì trong gần 20 năm qua đã giúp ông có thể gặp gỡ và gửi những lời chúc trực tiếp đến mỗi nhân viên. Một điểm đáng lưu ý, nhân viên của Tencent có số lượng lên đến hơn 54.000 người. Và theo thống kê, dịp Tết Nguyên đán năm 2019, các nhân viên của hãng này đến nhận lì xì từ ông chủ đã xếp hàng đủ để phủ kín 48 tầng tòa nhà trụ sở tập đoàn tại Thâm Quyến, Quảng Đông.
Thể hiện sự tiện ích trong giai đoạn khó khăn
Trước sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh viêm phổi cấp dochủng mới của virus corona gây ra, nhằm đề phòng việc lây lân bệnh dịch, Tencent đã quyết định hủy bỏ hoạt động gặp mặt và phát phong bao lì xì Tết Nguyên đán thường niên trong suốt 20 năm qua. Theo nhiều nhân viên của tập đoàn, họ cảm thấy buồn khi nghe về quyết định này, mặc dù tất cả nhân viên sẽ được nhận tiền lì xì qua ứng dụng thanh toán Wechat Pay của tập đoàn.
Tương tự như Wechat, nhiều ứng dụng dịch vụ khác đã có cơ hội khẳng định tính tiện ích của mình đối với người sử dụng Trung Quốc, trong cơn khủng hoảng dịch bệnh do corona trong những ngày gần đây.
Khi các nhà chức trách Trung Quốc ra quyết định phong tỏa Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, cũng là tâm điểm của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới gây ra, các ứng dụng video ngắn như Douyin và Kuaishou đã trở thành một trong những kênh tin tức quan trọng nhất để người ngoài biết được những gì đang xảy ra ở thành phố này.
Trên Douyin của ByteDance, nền tảng với 400 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, các chủ đề liên quan đến Vũ Hán là một trong những mục được tìm kiếm nhiều nhất, trong số đó có từ khóa "nhà khoa học Zhong Nanshan" (scientist Zhong Nanshan), một chuyên gia hàng đầu về dịch bệnh truyền nhiễm từng có công phát hiện hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003, hay cụm từ "đóng cửa Vũ Hán" (Wuhan’s lockdown). Douyin cũng cung cấp các thông tin cập nhật trực tiếp về số lượng bệnh nhân bị nhiễm bệnh, dựa trên các thông báo chính thức.
Còn trên Kuaishou, nền tảng được Tencent hậu thuẫn, có khoảng 300 triệu người dùng hàng ngày, các chủ đề trong danh sách "nóng" (hot search) đều liên quan đến virus corona, bao gồm cả cụm từ khóa "Tết trong sự bùng phát của virus corona".
Các đoạn video ngắn (video clip) mang tính thông báo, ghi nhận và tin tức thời sự được cập nhật liên tục, ghi lại việc người dân mua đồ nhu yếu phẩm, khẩu trang, mặt nạ phòng độc hoặc các hoạt động hỗ trợ của nhân viên y tế, đội ngũ y bác sĩ đang lấp đầy nền tảng này. Hầu hết các clip tin tức này có nguồn từ các phương tiện truyền thông nhà nước và các nguồn được nhà nước phê duyệt, như Nhân dân Nhật báo, Hồ Bắc Nhật báo và Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).
Để đối phó với sự lây lan của virus corona và cũng nhằm dập xuống sự hoảng loạn của người dân, các công ty công nghệ của đất nước đông dân nhất thế giới đã thông báo việc bình ổn giá các mặt hàng, miễn phí và hoàn tiền đơn hàng trên các chợ điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử.
Các nhà điều hành các ngôi chợ điện tử lớn như Taobao, Suning và JD.com đã cam kết ngăn chặn sự tăng giá của các mặt hàng y tế như khẩu trang và thuốc khử trùng, đồng thời, cung cấp dịch vụ giao hàng không ngừng nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán, vì tin đồn lan truyền rằng nguồn cung cấp các mặt hàng như khẩu trang phòng độc đã cạn kiệt tại hầu hết các hiệu thuốc.
Trong bài đăng trên Weibo, Alibaba cho biết họ sẽ trợ cấp các mặt hàng liên quan đến mặt nạ, khẩu trang và đảm bảo người tiêu dùng mua được sản phẩm đúng chất lượng với giá cả hợp lý, và Alibaba Health sẽ cung cấp dịch vụ giao hàng không ngừng nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán. Gã khổng lồ thương mại điện tử tuyên bố sẽ cung ứng ra thị trường gần 50 triệu chiếc khẩu trang.
Suning cũng có tuyên bố ổn định giá tương tự và các dịch vụ giao hàng mở rộng đồng thời cho biết ,thêm rằng các sản phẩm y tế bao gồm mặt nạ, chất khử trùng, rửa tay, máy lọc không khí và đèn khử trùng UV đã được cung cấp đầy đủ thông qua ứng dụng thương mại điện tử và hệ thống cửa hàng của hãng này.
Trong khi đó, Xiaomi đang giúp đỡ người dân vùng dịch bằng cách vận chuyển mặt nạ N95 cũng như mặt nạ y tế, nhiệt kế trị giá 43.200 đô la Mỹ cho trung tâm phòng chống dịch bệnh Vũ Hán. Xiaomi đã xuất xưởng lô hàng đầu tiên từ các phân xưởng sản xuất khác nhau vào đêm trước ngày Vũ Hán bị phong tỏa. Công ty cũng thông báo trên trang mạng xã hội Weibo của mình rằng họ đang theo dõi tình trạng dịch bệnh và sẽ tiếp tục phân bổ nguồn hàng liên quan đến y tế để giúp đỡ thành phố trong thời điểm khủng hoảng này.
Ưu tiên cho mục tiêu phòng chống dịch bệnh
Không chỉ đảm bảo chất lượng dịch vụ trong giai đoạn người tiêu dùng hạn chế đi lại, các nền tảng giao thức ăn, thực phẩm như Meituan và Ele.me cũng chú trọng việc bảo đảm an toàn cho các nhân viên giao hàng của mình, vốn là những người phải tiếp xúc gần gũi với nhân viên nhà hàng và người mua hàng. Các công ty công nghệ này cho biết họ đã thành lập các đội kiểm soát virus chuyên dụng để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Meituan và Ele.me cho biết đã trang bị mặt nạ, khẩu trang y tế cũng như theo dõi chặt chẽ nhiệt độ cơ thể cho tất cả nhân viên dịch vụ giao hàng ở Vũ Hán và các khu vực khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cụ thể, Meituan đã đình chỉ việc giao hàng đến một số bệnh viện ở Vũ Hán để đảm bảo an toàn cho người giao hàng và người tiêu dùng, trong khi Ele.me đình chỉ việc giao hàng đến các bệnh viện ở cả Vũ Hán và các khu vực khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Các nền tảng bán vé xem phim trực tuyến cũng có động thái hỗ trợ khách hàng khi chấp nhận cho hủy vé miễn phí xem các bộ phim trong dịp Tết Nguyên đán, với lý do sự an toàn của những người đi xem phim và sự cần thiết phải ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Ứng dụng bán vé xem phim lớn nhất Trung Quốc Maoyan Entertainment, đang cung cấp chương trình hoàn tiền vô điều kiện cho các buổi chiếu ở Vũ Hán từ ngày 22-1 (ngày 28 Tết Nguyên đán) đến ngày 8-2 (ngày Tết Nguyên tiêu), cũng như cho phép người dùng gửi yêu cầu hoàn tiền cho các khu vực bên ngoài thành phố.
Tương tự, Taopiaopiao thuộc sở hữu của Alibaba, đã công bố hoàn tiền vô điều kiện cho vé xem phim ở các rạp chiếu phim Vũ Hán từ ngày 22-1 đến ngày 31-1 (Mùng 7 Tết) và sẽ xem xét yêu cầu hoàn tiền cho các buổi chiếu ở các địa điểm khác.
Các công ty dịch vụ gọi xe cũng cho phép khách hàng hủy miễn phí đặt xe ở Vũ Hán. Cụ thể, nền tảng Hello Transtech, trước đây gọi là Hellobike, thông báo rằng cả tài xế và hành khách sẽ có thể hủy các chuyến đi đến hoặc ra khỏi Vũ Hán mà không phải trả phí và hoàn tiền vô điều kiện. AutoNavi, nhà cung cấp dịch vụ bản đồ trên khắp Trung Quốc, cho biết sẽ miễn phí hủy dịch vụ đi xe trong thành phố Vũ Hán.
Theo Reuters, Bloomberg, NY Times
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận