Trợ thủ của bà Hứa Thị Phấn: Giám đốc không biết vốn điều lệ công ty, đi lên từ tạp vụ
Các bị cáo là người thân quen của bà Hứa Thị Phấn đều khai chỉ làm theo chỉ đạo và không được hưởng lợi gì.
Chiều ngày 15/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank), nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư phát triển Phú Mỹ chuyển qua phần xét hỏi các bị cáo.
Bị cáo chính trong vụ án là bà Hứa Thị Phấn viện lý do sức khỏe chỉ còn 7% không tới dự phiên tòa. Hội đồng xét xử (HĐXX) tiến hành xét hỏi 5 bị cáo, vốn là con cháu, người thân quen được bà Phấn cất nhắc vào các vị trí chủ chốt ở ngân hàng cũng như các doanh nghiệp sân sau của mình.
Cụ thể, HĐXX hỏi bị cáo Lâm Kim Dũng, cựu Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang - là cháu rể bà Phấn. Bị cáo Dũng khai nghe lời bà Hứa Thị Phấn suốt quá trình đứng tên chủ doanh nghiệp. Dũng nghe theo chỉ đạo của bà Phấn ký hợp đồng hợp tác với Đại Tín, nhận tiền đầu tư vào 2 dự án bất động sản là dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở tái định cư Lam Giang (dự án The Star City) và dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà tái định cư Nhơn Đức - Lam Giang (dự án Go Go City).
Bị cáo Dũng cũng khai đã ký nhiều biên bản thỏa thuận liên quan đến việc nhận tiền góp vốn ngân hàng chuyển vào Công ty Địa ốc Lam Giang. Từ đó, Hứa Thị Phấn chiếm đoạt hơn 195 tỷ đồng.
Cháu rể của bà Phấn cho biết, dù là giám đốc nhưng bị cáo này không biết Công ty Địa ốc Lam Giang có vốn điều lệ bao nhiêu, quy trình hoạt động ra sao. Bị cáo thừa nhận bản thân không có trình độ, nghiệp vụ nhưng vẫn đứng tên, ký hồ sơ, giấy tờ giao dịch.
Bị cáo khai, ban đầu bị cáo này chỉ làm tạp vụ, bảo trì tòa nhà công ty. Đến năm 2010, bà Phấn giao bị cáo làm giám đốc Công ty Lam Giang. Bị cáo cho biết, bà Phấn nói bị cáo không cần làm gì hết, chỉ cần ký giấy tờ, mọi chuyện có bà Phấn lo.
Trong giai đoạn này, bị cáo Dũng có 2 người con cũng là bị cáo, gồm Lâm Hứa Quỳnh Trinh (con gái) cựu thủ quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB) Chi nhánh Lam Giang, cựu phó phụ trách phòng ngân quỹ Trustbank và Phạm Hồng Hảo (con dâu) cựu nhân viên Trustbank. Khi HĐXX hỏi, các bị cáo liên tục khóc và khẳng định với HĐXX rằng họ làm theo chỉ đạo và không hề hưởng lợi ngoài tiền lương bà Phấn chi trả hàng tháng.
Với bị cáo Bùi Thị Kim Loan, cựu kế toán Công ty Phú Mỹ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Phúc Nguyễn - người được coi là tay hòm chìa khóa của “bà trùm” Trustbank, bị cáo vẫn có những lời khai như ở giai đoạn 1. Theo đó, bị cáo khai bị cáo chỉ phụ trách việc nhận giấy tờ từ bà Phấn rồi mang cho người khác ký.
Trả lời câu xét hỏi của HĐXX về mối liên hệ giữa Ngân hàng Đại Tín với bà Phấn cũng như doanh nghiệp, bị cáo Loan cho rằng chỉ làm theo chỉ đạo chứ không rõ ngân hàng giao dịch với bà Phấn ra sao.
Trong vụ án này, Loan có hành vi giúp bà Phấn chiếm đoạt hơn 60 tỷ đồng thông qua việc thực hiện chỉ đạo của bà Phấn làm các thủ tục để Hảo và Trinh thực hiện mua 2 căn nhà số 422B Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 và nhà 409 Sư Vạn Hạnh, quận 10; sau đó làm thủ tục bán 2 căn nhà này cho Đại Tín; chỉ đạo việc rút tiền và chuyển tiển chiếm đoạt được cho bà Phấn sử dụng.
Ngoài ra, bị cáo Loan còn có hành vi thực hiện chỉ đạo của bà Phấn đưa hồ sơ, chứng từ cho Lâm Kim Dũng, Huỳnh Thị Xuân Dung, thành viên HĐTV Công ty Địa ốc Lam Giang và Đặng Thị Hải Lý, kế toán Công ty Lam Giang, ký hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc ký hợp đồng hợp tác với Đại Tín và ký các chứng từ sử dụng tiền, giúp bà Phấn chiếm đoạt hơn 330 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 1 của vụ án, Bùi Thị Kim Loan đã bị tòa xử phạt 28 năm tù, hiện đang được hoãn thi hành án do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận