Trợ lực suy giảm, ngành phân bón cần ứng phó thế nào?
"Sang năm 2023 một số yếu tố thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh có thể giảm nên các doanh nghiệp phân bón cần tiết giảm chi phí, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tối ưu hóa quy trình", ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định.
Với sản lượng đạt gần 1,7 triệu tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD, ngành phân bón đã chính thức gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD trong năm vừa qua, cùng với 34 ngành hàng khác.
Nhiều doanh nghiệp cho biết xuất khẩu phân bón tăng trưởng mạnh nhờ thị trường thế giới chuyển biến tích cực, giá tốt.
Thực tế xuất khẩu phân bón thuận lợi đã giúp hàng loạt tên tuổi trong ngành phân bón như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, một số đơn vị trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam như Phân bón miền Nam, Phân bón Bình Điền… ghi nhận lợi nhuận kỷ lục kể từ khi hoạt động.
Tuy nhiên, năm 2023 những yếu tố thuận lợi này có thể sẽ mất đi nếu Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu phân bón lớn thứ 2 thế giới, khôi phục lại sản xuất và có thể xuất khẩu trở lại.
Để tìm hiểu về dư địa xuất khẩu ngành phân bón cũng như tìm ra giải pháp ứng phó cho các doanh nghiệp phân bón trong năm 2023, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV).
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2022 xuất khẩu phân bón chính thức cán mốc hơn 1 tỷ USD, với sản lượng hơn 1,7 triệu tấn. Theo ông, vì sao ngành phân bón đạt được thành tích cao như vậy, và ông có dự báo thế nào về dư địa ngành trong năm 2023?
Ông Phùng Hà: Năm 2022 mặc dù tình hình trên thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nhưng ngành phân bón vẫn đạt nhiều kết quả khả quan.
Trước hết về sản xuất, năm 2022 các nhà máy sản xuất phân bón trong nước cung ứng khoảng 6,5 - 7 triệu tấn phân hóa học, hầu hết các loại phân bón chủ lực như: phân lân (supe lân, lân nung chảy), phân urea, phân NPK, trong khi đó, phân SA và kali phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 là hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó 4 công ty phân bón bao gồm Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Hải Phòng, DAP Lào Cai đóng góp 2.645 tỷ đồng;
Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau đạt sản lượng kỷ lục 911.000 tấn, có lợi nhuận sau thuế là 3.713 tỷ đồng;
Trong khi đó, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí lần đầu đạt sản lượng kỷ lục khoảng 912.000 tấn, vượt xa công suất thiết kế ban đầu 740.000 tấn, lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.884 tỷ đồng,…
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 559 triệu USD, tăng lần lượt 16,4% và 64% so với năm 2020. Năm 2022, do tình hình phân bón trên thế giới, xuất khẩu phân bón của Việt Nam vượt xa về lượng.
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu phân bón đạt gần 1,7 triệu tấn với kim ngạch gần 1,1 tỷ USD, tăng 34% về lượng và gấp gần 2 lần về kim ngạch so với năm 2021. Đây là thành tích xuất khẩu cao nhất của ngành phân bón cho đến nay.
Có nhiều nguyên nhân, có thể kể do nguồn cung cầu trên thế giới có biến động, giá phân bón tăng phi mã, đợt tăng thứ ba trong 50 năm trở lại đây.
Theo các chuyên gia thì giá phân bón tăng do, thứ nhất năng lượng và các chi phí biến đổi khác tăng. Khí tự nhiên là nguyên liệu chính cho hầu hết các loại phân đạm, chiếm từ 70% đến 90% chi phí sản xuất. Giá khí đốt tự nhiên tăng đột ngột đã dẫn đến tăng giá phân bón, buộc nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải đóng cửa.
Thứ hai, xung đột Nga-Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình hình nguồn cung toàn cầu. Để đối phó với các biện pháp trừng phạt kinh tế, Nga đã tạm dừng xuất khẩu hàng trăm mặt hàng trong đó có phân bón, mở rộng diện tích trồng trọt.
Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt áp dụng đối với Belarus đã ảnh hưởng đến lượng cung kali do Belarus đóng góp khoảng 20% tổng lượng kali toàn cầu. Nga và Belarus sản xuất một lượng đáng kể phân bón, khoảng 40% kali, riêng Nga 23% amoni nitrat.
Hơn nữa, lệnh hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc và Nga, hai quốc gia chiếm lượng lớn phân bón xuất khẩu, thực hiện kiểm soát xuất khẩu đã gây áp lực lên giá cả.
Thứ ba, chi phí vận chuyển (logistics) nhất là vận chuyển bằng container tăng chóng mặt.
Tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu phân bón năm 2023 sẽ có một số thay đổi, trước hết là việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, khôi phục lại sản xuất và xuất khẩu phân bón, tuy nhiên giá cả và nguồn cung khí thiên nhiên vẫn đóng vai trò quan trọng đối với việc khôi phục sản xuất và giá phân bón trong năm 2023.
Trong phân tích mới đây, Agriseco Research nhận định, khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, nước này có thể khôi phục lại sản lượng sản xuất và gỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu. Điều này có thể khiến giá phân bón tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2023 và ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của các DN. Ông nhận định ra sao về vấn đề này?
Ông Phùng Hà: Khi xét về sản xuất phân bón thì Trung Quốc là cường quốc hàng đầu, theo số liệu năm 2019 của Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA), Trung Quốc đứng đầu thế giới về sản xuất phân đạm với khoảng hơn 30 triệu tấn mỗi năm, chiếm 24,6% sản lượng toàn cầu, Mỹ đứng thứ hai và Ấn Độ, đứng thứ ba.
Sản xuất phân bón chứa lân: Trung Quốc, sản xuất khoảng 20 triệu tấn, chiếm 37,7% và đứng đầu thế giới, tiếp theo là Mỹ đứng thứ hai chiếm 9,9% Ấn Độ đứng thứ ba, chiếm 9,8% sản lượng toàn cầu.
Sản xuất phân bón kali: Gồm 2 loại MOP và SOP, Canada dẫn đầu về sản lượng MOP, chiếm 31,9% sản lượng toàn cầu với gần 15 triệu tấn/năm, tiếp theo là Belarus và Nga mỗi nước chiếm khoảng một nửa khối lượng đó, Belarus sản xuất 16,5%, Nga đứng thứ ba với 16,1%, Trung Quốc đứng thứ tư.
Vào năm 2020, Nga đã xuất khẩu 7,6 tỷ USD phân bón, trở thành nước xuất khẩu phân bón lớn thứ nhất trên thế giới, Trung Quốc đứng thứ hai.
Năm 2021, theo COMTRADE của Liên hợp quốc về thương mại quốc tế, Nga xuất khẩu phân bón trị giá 12,49 tỷ USD, Trung Quốc đứng thứ hai với 11,47 tỷ USD, Canada đứng thứ ba với 6,61 tỷ USD (trị giá tăng vọt do giá phân bón tăng cao).
Mặc dù từ ngày 15/10/2021, Trung Quốc thông báo danh sách 29 sản phẩm phân bón bao gồm phân urê, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, Amoni clorua, và amoni nitrat hạn chế xuất khẩu (amoni sun phát không có trong danh sách này, Trung Quốc là nước xuất khẩu amoni sun phát chủ chốt, xuất khẩu 8.7 triệu tấn trong năm 2020) nhưng năm 2021 Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu phân bón lớn thứ hai trên thế giới.
Hiện chưa có số liệu xuất khẩu phân bón năm 2022 của Trung Quốc, nhưng việc nước này khôi phục lại việc sản xuất và xuất khẩu phân bón chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến nguồn cung, giá cả phân bón nhưng mức độ khôi phục sản xuất và xuất khẩu phân bón còn phụ thuộc các yếu tố khác như cuộc chiến giữa Nga – Ukraine, nguồn cung và giá khí thiên nhiên, nguyên liệu quan trọng cho sản xuất phân đạm và DAP.
Cần nhấn mạnh là Trung Quốc tham gia thị trường, không có nghĩa doanh nghiệp Việt Nam không còn cơ hội.
Thực tế, xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, các nhà máy phân bón ở châu Âu vẫn đóng cửa vì giá khí, nhiên liệu cao, Nga vẫn khó khăn trong xuất khẩu phân bón, lệnh cấm vận xuất khẩu hàng hóa của Belarus chưa được dỡ bỏ…
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể vừa duy trì các thị trường cũ vừa tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thậm chí ngay cả khi xung đột chính trị kết thúc, các nước cũng cần thời gian để phục hồi sản xuất, do vậy ít nhất trong năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón vẫn còn có những cơ hội nhất định.
Các “ông lớn” ngành phân bón như DCM, DPM, Vinachem, đều ghi nhận doanh thu và lãi kỷ lục trong năm 2022. Tuy nhiên, những yếu tố thuận lợi sẽ thay đổi trong năm tới, vậy các DN cần phải làm gì để ứng phó, thưa ông?
Ông Phùng Hà: Sang năm 2023 một số yếu tố thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh có thể giảm nên các doanh nghiệp trên và doanh nghiệp phân bón nói chung cần tiết giảm chi phí, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tối ưu hóa quy trình, giữ vững thị trường cũ và tìm thêm các thị trường xuất khẩu mới, tiếp tục nghiên cứu các loại phân bón có chất lượng cao.
Đồng thời các doanh nghiệp phân bón cần quan tâm đến phát triển bền vững, hóa học xanh trong sản xuất.
Để ngành phân bón phát triển bền vững, việc nên làm là sửa đối Luật 71 đưa mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế. Mặc dù vấn đề này đã được các chuyên gia, các cơ quan ban ngành đưa ra phân tích, đánh giá mấy năm qua nhưng cho đến nay, Luật thuế 71 vẫn chưa được xem xét, sửa đổi. Ngoài ra cần có những đánh giả tổng quát về dự thảo Nghị định áp thuế xuất khẩu 5% với một số chủng loại phân bón.
Xin cảm ơn ông!
Trang Nguyễn
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận