Trợ lực cho bất động sản công nghiệp
Những kế hoạch về nguồn cung mới, vốn FDI tiếp tục được bơm vào thị trường… đang khiến bất động sản công nghiệp trở thành phân khúc hồi phục nhanh nhất sau giãn cách.
Nhiều tin tốt
Theo các chuyên gia, trong các phân khúc, bất động sản công nghiệp được xem là phân khúc ít chịu tác động nhất từ dịch bệnh. Đặc thù của loại hình bất động sản này là các hợp đồng thuê dài hạn và hình thức thanh toán có lợi cho các chủ đầu tư nên không bị ảnh hưởng nhiều từ các rủi ro ngắn hạn như thiên tai, dịch bệnh...
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Đại Việt Group cho biết, trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, đa phần các khách thuê đều trả tiền thuê trước, chủ đầu tư nhận “tiền tươi” nên thường có sẵn nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh. Việc có nền tảng tài chính vững vàng sẽ giúp các chủ đầu tư khu công nghiệp nhanh hồi phục sau khủng hoảng.
“Hơn nữa, khách thuê là các doanh nghiệp FDI thường có cái nhìn đầu tư dài hạn, không phụ thuộc vào yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh nên chúng ta không cần quá lo lắng về việc các nhà tư “bẻ lái” sang các thị trường khác, khi Việt Nam được xem là quốc gia được hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung cũng như lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Ngoài ra, việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công và thu hút FDI cũng sẽ tạo điều kiện cho phân khúc này phát triển mạnh mẽ”, ông Quốc Anh nói, đồng thời lưu ý rằng, quá trình dịch chuyển sản xuất từ bên ngoài vào Việt Nam sẽ cần thời gian chứ không thể trong “ngày một, ngày hai”, cho nên bất động sản công nghiệp sẽ còn dẫn dắt thị trường trong giai đoạn tới.
Dự báo về bức tranh thị trường bất động sản công nghiệp quý IV/2021, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, đây sẽ là phân khúc phục hồi sớm nhất với tỷ lệ lấp đầy tiếp tục duy trì như quý liền trước và giá thuê không biến động nhiều. Thậm chí, nguồn cung bất động sản xung quanh các khu công nghiệp đang trong quá trình triển khai bắt đầu có dấu hiệu sôi động.
Các khó khăn trong ngắn hạn sẽ sớm được giải quyết và thị trường bất động sản công nghiệp sẽ duy trì đà tăng trưởng cao trong dài hạn với kế hoạch mở rộng của các nhà máy nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, CBRE Việt Nam
Trao đổi với phóng viên, đại diện một chủ đầu tư khu công nghiệp cho biết, từ nay đến cuối năm, bất động sản công nghiệp sẽ là phân khúc thu hút được nhiều sự quan tâm từ cả nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế. Triển vọng kinh tế tích cực trong dài hạn cũng như sự ổn định chính trị là những chất xúc tác chính mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư.
“Mặc dù cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, song Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được nâng hạng đánh giá tích cực bởi cả 3 tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế là Moody’s, S&P và Fitch. GDP Việt Nam tăng 5,6% trong nửa đầu 2021, cũng thuộc nhóm cao nhất thế giới”, vị đại diện trên cho hay.
Dự báo về xu hướng thời gian tới, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc, Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam kỳ vọng thị trường bất động sản công nghiệp sẽ bật mạnh sau khi các hạn chế về di chuyển được dỡ bỏ dần trong quý IV/2021. Theo đó, giá thuê đất trung bình vẫn giữ ổn định tại các địa phương công nghiệp chính.
Theo bà Thanh, xu hướng di chuyển ra các vùng phụ cận TP.HCM và Hà Nội của các chủ đầu tư khu công nghiệp và khách thuê ngày càng rõ ràng hơn, khi giá thuê đất tại các trung tâm công nghiệp đang cao hơn đáng kể vùng phụ cận, trong khi quỹ đất công nghiệp không còn nhiều. Đồng thời, tính kết nối của các vùng phụ cận sẽ được cải thiện đáng kể khi loạt dự án hạ tầng giao thông như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Dầu Giây - Phan Thiết tại phía Nam; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Ninh Bình - Hải Phòng tại phía Bắc… hoàn thành.
Bước vào giai đoạn bùng nổ mới
Thực tế, kỳ vọng tích cực trên đã phần nào phản ánh qua lượng cung mới được đưa ra thị trường ngay trong quý III/2021 - thời điểm dịch diễn biến căng thẳng nhất. Ở khu vực phía Bắc, tỉnh Hưng Yên đón chào nguồn cung mới từ Khu công nghiệp Phố Nối A mở rộng với tổng diện tích 93 ha do Hòa Phát làm chủ đầu tư. Tại Bắc Ninh, Khu công nghiệp Yên Phong 2C của Viglacera cũng đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và tiến hành xây dựng cơ bản 70% diện tích quy hoạch, nâng tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại miền Bắc lên 9.900 ha.
Thị trường nhà xưởng xây sẵn cũng có thêm nguồn cung mới từ Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng), nâng tổng diện tích nhà xưởng xây sẵn cho thuê tại địa phương này lên 2,1 triệu m2 sàn. Ngoài ra, một khu nhà xưởng mới 7 tầng với tổng diện tích sàn 15.000 m2 vừa được khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh.
Không chỉ nguồn cung mới, thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc còn trở nên hấp dẫn hơn với các dự án đầu tư lớn. Chẳng hạn, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc cùng Công ty Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Saigontel) và Tập đoàn Quantum (Mỹ) mới ký thoả thuận hợp tác đầu tư chuỗi dự án trong các lĩnh vực trọng điểm với tổng giá trị 20-30 tỷ USD. Cuối tháng 8/2021, Tập đoàn LG (Hàn Quốc) tiếp tục đổ thêm 1,4 tỷ USD vào dự án ở Hải Phòng, hay Tập đoàn AVG Capital Partners và Tập đoàn Foxconn đều đầu tư mạnh vào Khu kinh tế Nghi Sơn - Thanh Hóa với số vốn lần lượt là 1,4 tỷ USD và 1,5 tỷ USD.
Tập đoàn L-H (Hàn Quốc) cũng bày tỏ mong muốn đầu tư dự án công nghiệp, đô thị và dịch vụ phức hợp Đại Hưng quy mô 304 ha, tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD, hay Công ty IDICO dự kiến đầu tư xây dựng Khu công nghiệp đô thị dịch vụ Vinh Quang với diện tích 495 ha đều tại Hải Phòng. Công ty Viglacera đang đề xuất thực hiện dự án Tổ hợp khu công nghiệp đô thị dịch vụ với tổng diện tích khoảng 496 ha tại tỉnh Yên Bái.
Tại thị trường phía Nam, các kế hoạch mở rộng tuy không rầm rộ như miền Bắc, nhưng theo tiết lộ của một chủ đầu tư khu công nghiệp tại Long An, một nhà đầu tư Đài Loan đang tìm kiếm địa điểm đủ lớn để đầu tư một dự án khu công nghiệp với số vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận