Trình Quốc hội xem xét tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày
Chính phủ đề xuất đưa chính sách mở rộng cấp thị thực điện tử và nâng thời hạn tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về đề xuất đưa một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, diễn ra tháng 5 tới.
Chính phủ đề xuất đưa chính sách mở rộng cấp thị thực điện tử và nâng thời hạn tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Chính thức trình Quốc hội chính sách visa mới. Ảnh: Hoàng Triều
Về chính sách cấp thị thực điện tử, Chính phủ đề xuất cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể. Đồng thời, nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Chính phủ đề xuất nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Ba ngày trước, tại buổi làm việc với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo phải gấp rút giải quyết những vướng mắc về visa cản trở du lịch phát triển, nếu chưa kịp sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì ngay trong kỳ họp tới có thể đề xuất Quốc hội đưa vào nghị quyết.
Việc sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cũng đang được Bộ Công an triển khai song song. Hiện, dự thảo đang được trình Bộ Tư pháp thẩm định.
Theo Bộ Công an, sau khi Chính phủ khôi phục các chính sách xuất nhập cảnh, cho phép mở cửa du lịch từ tháng 3-2022, các hoạt động xuất nhập cảnh đã dần trở lại bình thường, lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong năm 2022 tăng gấp 6,6 lần so với năm 2021 nhưng vẫn thấp so với thời điểm trước dịch, chỉ bằng 32,6% so với năm 2019.
Trong bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng sau đại dịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các hiệp hội thương mại, doanh nghiệp nước ngoài, Hội đồng tư vấn lịch...có nhiều kiến nghị cần thông thoáng hơn trong chính sách thị thực của Việt Nam nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Chính vì vậy, Bộ Công an cho rằng việc sửa đổi một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cứ trú của người nước ngoài tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết.
Minh Phong
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận