Triều Tiên vẫn "né" lệnh trừng phạt, tiếp tục nhập loạt xe sang và rượu ngoại?
Triều Tiên vẫn tiếp tục nhập thêm dầu mỏ và mua loạt xe sang cùng rượu ngoại bất chấp lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), một bản báo cáo thường niên trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 10/2 nhấn mạnh dù bị áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nhưng Triều Tiên vẫn tiếp tục nhập thêm dầu mỏ và mua loạt xe sang cùng rượu ngoại.
“Tiều Tiên đã vi phạm các nghị quyết bằng việc nhập khẩu trái phép dầu mỏ. Số lượng lớn các tàu chở dầu treo cờ nước ngoài vận chuyển trực tiếp dầu mỏ cho Triều Tiên nhiều lần”, SCMP dẫn lời các chuyên gia giám sát thi hành lệnh trừng phạt với Triều Tiên nhưng không nói cụ thể nguồn gốc của các tàu chở dầu cho Triều Tiên.
Vào năm 2017, hàng loạt lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế được áp đặt với Triều Tiên nhằm giới hạn hoạt động nhập khẩu dầu mỏ và xuất khẩu than, cá cùng dệt may. Động thái này nhằm ngăn chặn Triều Tiên tiếp tục phát triển các chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Nhưng cho tới nay, các biện pháp trừng phạt dường như không đạt được hiểu quả như mong đợi. Theo giới phân tích, kho vũ khí của Triều Tiên tiếp tục được mở rộng dù Mỹ - Triều đã tiến hành hai hội nghị thượng đỉnh.
Các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân giữa Mỹ - Triều rơi vào thế bế tắc, kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng 2/2019.
Ủy ban chuyên gia Liên Hợp Quốc đã tiếp nhận một bản báo cáo từ Mỹ cùng thông tin và hình ảnh vệ tinh chụp trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 – 31/12/2019.
Theo báo cáo của Mỹ, Triều Tiên đã tăng cường số lượng nhập khẩu dầu tinh chế. Bản báo cáo cũng nhấn mạnh “Triều Tiên tiếp tục coi thường các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản mà đặc biệt là than và cát. Bình Nhưỡng cũng tăng cường nhập khẩu các mặt hàng sang trọng và những hàng hóa nằm trong danh mục cấm như ô tô hạng sang, rượu và máy móc tự động. Một hành động vi phạm lệnh trừng phạt khác là việc Triều Tiên tiếp cận các kênh ngân hàng quốc tế mà chủ yếu thông qua trung gian”.
Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc yêu cầu đưa ra thêm bằng chứng để đánh giá chính xác hoạt động vi phạm lệnh trừng phạt của Triều Tiên.
Về phần mình, hôm 10/2, Trung Quốc, quốc gia lâu nay được xem là đồng minh thân thiết của Triều Tiên, nhấn mạnh Bắc Kinh “luôn trung thực và thi hành đầy đủ luật pháp quốc tế”.
“Trung Quốc chịu thiệt hại lớn khi triển khai các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Hội đồng Bảo an cần đưa ra những đánh giá cần thiết đối với các biện pháp trừng phạt nhất là liên quan tới đời sống người dân Triều Tiên”, Trung Quốc cho hay.
Vào cuối năm 2019, Trung Quốc và Nga đã đề xuất một nghị quyết mà theo đó cho phép gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên liên quan tới các sản phẩm ngư nghiệp và dệt may.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận