menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trương Huy Hoàng

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023

Năm 2022, GDP của Việt Nam tăng 8,02%, từ mức 2,58% ở năm 2021. Đây là kết quả tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 1997. Sự tăng trưởng mạnh mẽ đạt được trong năm 2022 cho thấy sự bền bỉ và khả năng phục hồi của Việt Nam sau những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, nhờ vào các lĩnh vực kinh tế đa dạng từ các ngành sản xuất và dịch vụ.

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ

Theo báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của Ngân hàng UOB, tăng trưởng GDP thực của Việt Nam trong quý IV/2022 bình thường trở lại với tốc độ tăng bền vững hơn ở mức 5,92% so với cùng kỳ, sau khi tăng mạnh 13,67% trong quý III, khi nhu cầu bên ngoài có dấu hiệu sụt giảm. Nhìn chung cả năm, GDP của Việt Nam tăng 8,02%, từ mức 2,58% ở năm 2021, đây là kết quả tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 1997.

Mặc dù dữ liệu cả năm cho thấy kết quả tăng trưởng mạnh trên bình diện chung, nhưng khi phân tích chi tiết dữ liệu, các dấu hiệu của sự suy giảm tăng trưởng khá rõ ràng và đáng quan ngại, vì lĩnh vực sản xuất hầu như không mở rộng trong khi xuất khẩu ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, điều này đã được bù đắp bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của các lĩnh vực kinh tế trong nước bao gồm bán lẻ và dòng vốn đầu tư.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023
GDP của Việt Nam tăng 8,02%, từ mức 2,58% ở năm 2021, đây là kết quả tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 1997.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ đạt được trong năm 2022 cho thấy sự bền bỉ và khả năng phục hồi của Việt Nam sau những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, nhờ vào các lĩnh vực kinh tế đa dạng từ các ngành sản xuất và dịch vụ. Tuy nhiên, đà tăng trưởng về tổng thể có thể sẽ suy giảm hơn nữa vào năm 2023, do việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài. UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,6%, nhất quán với dự báo chính thức là 6,5%.

Kinh tế bình thường trở lại sau khi tăng đột biến trong quý III/2022

Nhìn chung trong cả năm, GDP của Việt Nam đã tăng 8,02%, từ mức 2,58% vào năm 2021, đây là mức tăng trưởng trong năm nhanh nhất kể từ năm 1997 khi nền kinh tế tăng trưởng đến 8,2%. Kết quả cao hơn ước tính chung là 7,8% và thấp hơn một chút so với dự đoán của UOB là 8,2%, tuy nhiên vẫn nằm trong kỳ vọng ở mức 8% mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu ra trong bài phát biểu trước Quốc hội vào cuối tháng 10/2022. Thủ tướng cũng đặt kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,5% vào năm 2023.

Tất cả các lĩnh vực sản xuất chính đều tăng trưởng tốt trong năm, nông nghiệp tăng trưởng 3,36% so với cùng kỳ, trong khi công nghiệp và xây dựng tăng 7,78% và lĩnh vực dịch vụ tăng 9,99%. Theo Tổng cục Thống kê, các ngành này lần lượt đóng góp 5,11%, 38,24% và 56,65% vào mức tăng trưởng chung.

Sau khi phục hồi từ mức thấp nhất trong quý III/2021, sản lượng sản xuất trong cả năm 2022 đã tăng 8,10% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi nhu cầu bên ngoài gia tăng mạnh mẽ, kéo dài mức tăng 6,37% đạt được vào năm 2021.

Sản lượng của ngành dịch vụ tiếp tục giữ nguyên nhịp độ tăng trưởng trong năm 2022, do việc mở cửa trở lại nền kinh tế đã thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng trong các tiểu ngành khác nhau, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực du lịch như lưu trú và ăn uống, vận chuyển, bán buôn và bán lẻ.

Sự sụt giảm về nhu cầu bên ngoài

Mặc dù dữ liệu hàng năm cho thấy kết quả tăng trưởng mạnh trên bình diện chung, nhưng khi phân tích chi tiết dữ liệu, các dấu hiệu của sự suy giảm tăng trưởng khá rõ ràng và đáng quan ngại.

Sản lượng của ngành sản xuất trong quý IV/2022 giảm mạnh xuống mức 3,63% so với cùng kỳ, từ mức tăng 15,24% trong quý III/2022, xuống mức tăng nhỏ nhất trong năm 2022. Trong tháng 12/2022, sản lượng sản xuất chỉ tăng 0,56% so với cùng kỳ, tháng thứ 4 ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm lại sau khi đạt mức cao nhất là 16,23% vào tháng 8/2022. Điều này cũng phản ánh nhu cầu bên ngoài suy giảm khi cả xuất khẩu và nhập khẩu đều suy giảm ở tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 12, tương ứng là -14% và -8,1% so với cùng kỳ. Bất chấp đà thương mại suy yếu, Việt Nam vẫn ghi nhận thặng dư thương mại 10,4 tỷ USD trong năm, gấp hơn 3 lần so với mức 3,4 tỷ USD của năm 2021, đây là năm xuất siêu thứ 7 liên tiếp.

Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) của ngành sản xuất cũng đang báo hiệu sự suy yếu trong thời gian tới đối với một số nền kinh tế trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, Malaysia và Singapore, khi PMI Việt Nam giảm xuống 47,4 vào tháng 11 từ mức 50,6 vào tháng 10, lần đầu tiên ghi nhận chỉ số dưới 50 trong 14 tháng.

Tuy nhiên, các động lực thúc đẩy tăng trưởng nội địa vẫn ổn định và có khả năng sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng trong năm 2023. Tổng thể ngành thương mại bán lẻ tăng 17,1% so với cùng kỳ trong tháng 12, kéo dài mức tăng 17,5% trong tháng 11 nhờ doanh số bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch tiếp tục tăng mạnh. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức kỷ lục 22,4 tỷ USD trong năm 2022, từ mức 19,7 tỷ USD năm 2021 và cao hơn gần 10% so với kỷ lục trước đó là 20,4 tỷ USD vào năm 2019. Tuy nhiên, dòng vốn FDI nhiều khả năng sẽ suy giảm lại trong thời gian tới, dựa trên nguồn vốn FDI đã đăng ký, vốn chỉ đạt 27,7 tỷ USD vào năm 2022 so với mức 31,2 tỷ USD vào năm 2021 và là mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Giá tiêu dùng tại Việt Nam đang có dấu hiệu chịu áp lực gia tăng khi tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng trong 3 tháng liên tiếp kể từ tháng 9/2022 và vượt mục tiêu 4% trong tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 12/2022, bất chấp việc triển khai các biện pháp hành chính để bù việc tăng giá. CPI tổng thể trong tháng 12/2022 tăng 4,55% so với cùng kỳ, trong khi CPI cơ bản tăng 4,99% so với cùng kỳ, đây là tháng thứ ba có chỉ số trên 4%. Đóng góp chính là chi phí thực phẩm, nhà ở, xây dựng và giáo dục trong khi áp lực từ chi phí vận chuyển đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây. Trong cả năm, chỉ số giá CPI tăng 3,15% so với cùng kỳ so với mức 1,84% vào năm 2021. Lạm phát cơ bản là một mối lo ngại khác khi đã tăng trung bình 2,61% vào năm 2022 từ mức 0,81% của năm trước.

Triển vọng 2023

Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 cho thấy sự bền bỉ cùng với khả năng phục hồi của Việt Nam sau những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, đặc biệt là vào cuối năm 2021, phần lớn nhờ vào các lĩnh vực kinh tế đa dạng trong ngành sản xuất và dịch vụ.

Tuy nhiên, sự phục hồi mạnh mẽ khó có thể bền vững và động lực tăng trưởng về tổng thể có thể sẽ suy giảm hơn nữa vào năm 2023, do việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài, đặc biệt là từ Hoa Kỳ và châu Âu, chiếm 41% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam.

Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã thắt chặt chính sách trước áp lực lạm phát và đồng Việt Nam (VND) suy yếu, mặc dù nhu cầu trong nước có thể sẽ dẫn dắt tăng trưởng vào năm 2023 với thu nhập gia tăng và triển vọng kinh doanh được cải thiện. Do đó, chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,6%, phù hợp với dự báo chính thức là 6,5%.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023

Với tỷ lệ lạm phát có khả năng duy trì ổn định, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2023, NHNN dự kiến sẽ cân bằng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng đồng thời duy trì sự ổn định giá cả và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Cuối tháng 12, NHNN cho biết sẽ điều hành chính sách tiền tệ “một cách linh hoạt” để giữ lạm phát ở mức 4,5% vào năm 2023, nhằm “ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng”.

Tóm lại, trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11, NHNN đã bắt tay vào thực hiện một loạt các chính sách điều hành trước sự quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), sức mạnh của đồng USD và áp lực lạm phát. Ngân hàng trung ương bất ngờ tăng lãi suất cơ bản thêm 100 điểm cơ bản vào ngày 22/9, sau đó là một đợt tăng 100 điểm cơ bản khác một tháng sau đó (24/10). Giữa lúc đó, vào ngày 17/10 NHNN đã công bố mở rộng biên độ giao dịch USD/VND từ +/-3% lên +/-5%, để cho phép VND linh hoạt hơn trong bối cảnh đồng USD mạnh lên. Với việc tăng lãi suất liên tiếp một cách nhanh chóng, NHNN có thể sẽ không có các quyết định mới trong thời gian còn lại của năm 2022 để đánh giá tác động của những quyết sách đã thực hiện trước đó.

Do đó, UOB đang dự báo khả năng NHNN thực hiện một đợt tăng lãi suất 100 điểm cơ bản khác vào đầu năm 2023, và có thể tạm ngừng từ đó, phù hợp với quan điểm của UOB về quỹ đạo chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Chiến lược ngoại hối

VND đã tăng trở lại từ mức 24.500/USD hồi đầu tháng 12 lên mức hiện tại khoảng 23.630/USD. Động thái này trùng hợp với sự phục hồi của đồng Nhân dân tệ (CNY) khi các biện pháp kiềm chế Covid-19 được nới lỏng, cổ vũ cho những suy đoán về việc nền kinh tế Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến. Cùng với việc Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi VND có mối tương quan chặt chẽ với CNY. Sự suy yếu của đồng CNY kéo dài do những lo ngại về tăng trưởng và chính sách không Covid đã khiến đồng VND rơi xuống mức thấp kỷ lục mới là 2.874/USD vào đầu tháng 11 bất chấp các yếu tố cơ bản trong nước mạnh mẽ.

Trong khi các thị trường ủng hộ việc Trung Quốc mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến, thì quỹ đạo phục hồi của quốc gia này khó có thể diễn ra suôn sẻ do sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm Covid-19. Suy thoái dự kiến diễn ra ở các nền kinh tế phương Tây như Mỹ, Anh và khu vực đồng Euro có khả năng làm tăng thêm những bất ổn. Hiện tại, chúng tôi tiếp tục duy trì đà tăng của USD/VND với dự đoán đạt mức 25.200 trong quý I/2023, 25.400 trong quý II/2023, 25.600 trong quý III/2023 và 25.800 trong quý IV/2023.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại