Triển vọng sáng cổ phiếu “vua”
Giá cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng từ đầu năm và đà tăng được cho là sẽ chưa dừng lại nhờ nhiều thông tin hỗ trợ.
Thị giá tăng cao, giao dịch “khủng”
Thông tin sẽ chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE vào cuối năm 2020 đã tác động tích cực lên cổ phiếu ACB thời gian qua. Chốt phiên 12/11/2020, thị giá ACB tăng gần 4% so với giá tham chiếu, lên 26.400 đồng/cổ phiếu - vượt mức đỉnh thiết lập vào tháng 4/2018, trước khi tăng tiếp lên 27.200 đồng vào phiên 27/11/2020, gần chạm mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết (đạt 27.590 đồng/cổ phiếu vào ngày 19/3/2007, giá đã điều chỉnh). Tính từ đầu năm 2020, đến nay, thị giá ACB đã tăng hơn 51% và tăng hơn 93% so với mức đáy cuối tháng 3/2020.
Cùng với đà tăng giá, thanh khoản cổ phiếu ACB cũng tăng vọt. Chẳng hạn, trong phiên 12/11, có gần 19 triệu cổ phiếu ACB được khớp lệnh, cao thứ 4 toàn thị trường. Trước đó, hồi đầu tháng 10, mã này từng có phiên khớp lệnh kỷ lục hơn 23,2 triệu cổ phiếu và hai phiên khác với khoảng 20 triệu cổ phiếu. Còn tính trung bình 10 phiên gần nhất, mỗi phiên có khoảng 9,5 triệu cổ phiếu được sang tên.
Với mã TCB của Techcombank, đã có hơn 120,4 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư trong tuần gần cuối của tháng 11/2020, giá trị giao dịch tương ứng khoảng 30.000 tỷ đồng; tăng 12,8% về khối lượng và tăng 21,9% về giá trị so với tuần trước đó. Đây cũng là tuần thứ năm liên tiếp TCB dẫn đầu thanh khoản trong nhóm cổ phiếu “vua”.
Kể từ đầu tháng 11 đến nay đã có tổng cộng gần 294,4 triệu cổ phiếu TCB (trung bình 19,6 triệu đơn vị/phiên) được giao dịch, giá trị giao dịch đạt gần 6.594 tỷ đồng. Về thị giá, cổ phiếu TCB đã tăng hơn 11% kể từ đầu tháng 11, hiện giao dịch quanh mức 24.000 đồng/cổ phiếu.
Một mã có thanh khoản nổi bật khác trong tuần qua là KLB của Kienlongbank. Số liệu thống kê của HNX cho thấy, trong các phiên giao dịch từ 29/10 đến 20/11/2020 đã có hơn 128 triệu cổ phiếu KLB được giao dịch thỏa thuận, với tổng giá trị trên 1.750 tỷ đồng, tương đương hơn 40% vốn hóa của ngân hàng này. Giá cổ phiếu KLB cũng luôn giữ được sắc xanh trong 3 tuần qua, chốt phiên 27/11 ở mức 13.100 đồng, tăng khoảng 10% so với đầu tháng.
Ngoài những mã trên, nhiều mã ngân hàng khác cũng ghi nhận sự tích cực cả về thị giá lẫn thanh khoản cổ phiếu như VCB, MBB, BID, LPB, SHB, VIB… Trong đó nói về mức tăng giá, VIB là ấn tượng nhất với mức tăng khoảng 90% kể từ đầu năm, kế đến là LPB và VCB với mức tăng khoảng 60%, SHB tăng khoảng 50%...
Thêm nhiều thông tin hỗ trợ
Kienlongbank vừa thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 11/12/2020 để bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2022 và tham dự Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 dự kiến tổ chức vào tháng 1 năm tới. Số lượng thành viên dự kiến bầu bổ sung tối đa 2 thành viên và rất có thể cổ đông mới nhận chuyển nhượng cổ phần nói trên sẽ tham gia trực tiếp hoặc cử người đại diện vào HĐQT Kienlongbank dịp này, hứa hẹn mang lại “làn gió mới” cho Ngân hàng.
Còn với ACB, Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) kỳ vọng Ngân hàng sẽ niêm yết trên HOSE vào tháng 12/2020 hoặc tháng 1/2021 và được lọt vào rổ VN30. Tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng trong VN-Index theo đó sẽ được nâng từ 26% lên hơn 28%. Hiện ACB đã được HOSE chấp thuận niêm yết hơn 2,16 tỷ cổ phiếu trên sàn này.
Được biết, VinaCapital vừa công bố danh mục đầu tư cuối tháng 10/2020 với nhiều thay đổi. Cổ phiếu ACB trở thành khoản đầu tư lớn thứ 5, đẩy mã VHM ra khỏi Top 10 mã có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của Quỹ. Theo đó, VOF đã mạnh tay mua cổ phiếu ACB trong tháng 10, giá trị đầu tư cuối tháng 10/2020 vào khoảng 1.100 tỷ đồng.
Một thông tin đáng chú ý khác là ngày 18/11 vừa qua, ACB đã chính thức ký hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm với Sun Life Việt Nam trong thời hạn 15 năm. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, mức phí trả trước theo hợp đồng cho ACB lên tới 370 triệu USD (tương đương 8.500 tỷ đồng), đóng góp nhỏ vào kết quả kinh doanh của ngân hàng này
Từ giờ đến cuối năm 2020, thị trường có thể đón nhận thêm cổ phiếu MSB lên HOSE, VAB lên UPCoM... Theo MSB, niêm yết cổ phiếu trên HOSE là mục tiêu quan trọng tiếp theo trong chiến lược hoạt động, góp phần giúp Ngân hàng nâng cao vị thế trên thị trường, bảo đảm quyền lợi tối đa của cổ đông, đối tác...
TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư của Dragon Capital cho rằng, niêm yết cổ phiếu trong thời điểm hiện tại sẽ giúp các ngân hàng khẳng định giá trị, đồng thời tiếp cận và thu hút được các nhà đầu tư mới cả trong và ngoài nước, nâng cao vị thế thương hiệu. Theo ông Tuấn, hoạt động của ngành ngân hàng đang hồi phục dần, nhưng thị giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn đang giao dịch dưới giá trị sổ sách, nên là cơ hội cho nhà đầu tư.
Nói về nhóm cổ phiếu ưa thích, VinaCaptial cho rằng, một số nhóm ngành đã cho thấy sự hồi phục hậu dịch như tiêu dùng nội địa, vật liệu, bất động sản và công nghệ thông tin.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận