Triển vọng sáng cho việc xanh hóa phân khúc nhà ở bình dân
Nhà ở bình dân nếu được phát triển theo các tiêu chuẩn xanh sẽ đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường thông qua giảm tiêu thụ tài nguyên.
Ngày 26/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) và Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House) phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo "Xanh hóa phân khúc nhà ở bình dân: Chi phí và lợi ích".
Đây là sự kiện nhằm tạo ra những góc nhìn đa chiều, những sáng kiến giải mới cho việc liên kết và thúc đẩy phát triển công trình xanh; hướng tới hình thành một thị trường bất động sản Việt Nam xanh và bền vững, do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam triển khai dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Triển vọng tươi sáng cho phân khúc nhà ở bình dân
Nhà ở bình dân nếu được phát triển theo các tiêu chuẩn xanh sẽ đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường thông qua giảm tiêu thụ tài nguyên, không chỉ cho chủ đầu tư, khách hàng, mà còn góp phần giải quyết nguồn cung nhà ở một cách bền vững, làm giảm phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, các bên liên quan, đặc biệt là Chính phủ cần phối hợp để cùng thúc đẩy sự phát triển xanh trong phân khúc này cả về chính sách lẫn ưu đãi tài chính.
Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Đỗ Viết Chiến cho biết: Việc chú trọng đầu tư, phân khúc phát triển nhà ở bình dân sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Cụ thể, việc chú trọng đầu tư nhà ở phân khúc này sẽ đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là người dân nghèo thành thị và đảm bảo cơ cấu về phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân hợp lý, bên cạnh việc phát triển nhà ở cho các đối tượng có nhu cầu khác, góp phần phát triển thị trường bất động sản bền vững.
Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, triển vọng thị trường nhà giá thấp về dài hạn có khả năng diễn biến tốt, bởi nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng bức thiết khi cơ cấu dân số đang bước vào thời kỳ dân số vàng với 70% dân số trong độ tuổi lao động, sự phát triển của các gia đình trẻ, nhu cầu tách hộ của các gia đình lớn…
Việt Nam có mức độ đô thị hóa nhanh với ước tính khoảng một triệu cư dân đô thị mới tăng lên mỗi năm. Dự báo đến năm 2020, 40% dân số Việt Nam trên tổng số khoảng 100 triệu dân sẽ sống ở khu vực đô thị/thành phố.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, các khu đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã thực sự quan tâm đến thị trường nhà giá thấp; một số rào cản đã được gỡ bỏ, các ưu đãu đã được ban hành. Ngoài ra, nhiều địa phương khuyến khích việc phát triển nhà giá thấp; một số dự án lớn chuyển hướng từ nhà ở thương mại sang nhà giá thấp…
Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Đỗ Viết Chiến khẳng định: Nhà ở giá thấp và trung bình là phân khúc lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng nhà ở dân dụng tại nước ta nhưng chưa được quan tâm ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng, trong khi đây lại chính là phân khúc có số người sử dụng nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Triển khai các giải pháp xanh tại những công trình nhà ở giá thấp và trung bình sẽ tạo nên những cộng đồng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Công trình xanh giúp nhà đầu tư thu được nguồn lợi nhiều hơn.
Chia sẻ kinh nghiệm từ các nước đang phát triển, chuyên gia công trình xanh của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) Vũ Hồng Phong cho rằng, trên thế giới, có những công trình đắt mà không xanh và cũng có công trình xanh mà không đắt. Sự khác biệt nằm ở cách tiếp cận và tận dụng tối đa các lợi ích mang lại.
Nếu định hướng sớm ngay từ giai đoạn ý tưởng kèm khai thác tốt các yếu tố thụ động trong kiến trúc, công trình hoàn toàn có tiềm năng đạt hiệu quả cao về năng lượng, nước và vật liệu xây dựng, giúp đạt chứng nhận công trình xanh EDGE (chứng nhận công trình xanh dành cho các thị trường mới nổi của Tổ chức Tài chính Quốc tế, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới) mà không làm gia tăng chi phí, hoặc chỉ tăng ở mức 1-2%.
Từ kinh nghiệm thực tế, dự án EcoHome 3 của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô tại phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã trở thành điểm sáng trên thị trường nhà giá thấp năm 2019 khi đạt chứng chỉ EDGE.
Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển (Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô) Trịnh Tùng Bách đã chỉ ra những lợi ích từ việc xanh hóa nhà ở xã hội. Cụ thể, đối với khách hàng, sẽ có cuộc sống tiện nghi hơn, cải thiện sức khỏe; chi phí điện nước giảm; bên cạnh đó, căn hộ đã mua sẽ giữ giá khi giao dịch; đặc biệt là góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên phát triển bền vững.
Ông Trịnh Tùng Bách cũng dẫn số liệu khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy “một công trình xanh đạt chứng chỉ EDGE tiết kiệm được 20% tiêu thụ năng lượng, nước và vật liệu so với tiêu chuẩn tiêu thụ tương ứng tại địa phương”.
Ngay tại EcoHome 3, khi đạt chứng chỉ xanh đã tiết kiệm khoảng 25% năng lượng; 36% nước và gần 32% năng lượng hàm chứa trong vật liệu. Việc thiết kế cảnh quan theo hướng xanh tại dự án cũng góp phần giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và môi trường xung quanh.
Đồng quan điểm, ông Jonas Grunder, Phó Trưởng Bộ phận Hợp tác Phát triển Thụy Sĩ (Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ) cho rằng: Chương trình Công trình Xanh EDGE là một giải pháp thông minh, bởi vì chương trình mang đến những giải pháp thực tiễn cho những thách thức Việt Nam đang gặp phải, với nền kinh tế và dân số ngày càng tăng. Thụy Sĩ rất tự hào được tài trợ chương trình toàn diện này và hy vọng kết quả của nó có thể đóng góp đáng kể vào mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đã đặt ra về việc “xanh hóa nền kinh tế cũng như ngành xây dựng”.
Nhiều chuyên gia bất động sản cũng khẳng định, kiến trúc xanh ngày càng phổ biến trên thế giới và là xu thế tất yếu mà loài người phải hướng đến nhằm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Kiến trúc xanh thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Công trình xanh có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí. Lợi ích rõ ràng nhất của công trình xanh là giảm chi phí vận hành, làm gia tăng giá trị tài sản; mức hoàn vốn đầu tư nhanh chóng.
Công trình xanh thu hút nhiều khách hàng, đẩy nhanh khả năng tiêu thụ… Do đó, công trình xanh sẽ giúp nhà đầu tư thu được nguồn lợi nhiều hơn so với công trình về mặt dài hạn, giúp giải quyết gánh nặng về mặt kinh tế cho người dân có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận