Triển vọng phục hồi toàn cầu trước mối đe dọa của biến thể Delta
Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất nặng nề cho các nền kinh tế, nhưng nền kinh tế toàn cầu có thể chứng kiến sự phục hồi toàn diện vào cuối năm 2022.
Báo điện tử Gulf News của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vừa đăng bài viết đánh giá rằng đại dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất nặng nề cho các nền kinh tế, nhưng nền kinh tế toàn cầu có thể chứng kiến sự phục hồi toàn diện vào cuối năm 2022 nhờ các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được triển khai rộng rãi.
Hiện còn quá sớm để ước tính thiệt hại mà nền kinh tế toàn cầu phải hứng chịu do tác động của đại dịch COVID-19, mặc dù một số ý kiến cho rằng thiệt hại có thể lên tới 12.000 tỷ USD. Nếu đúng như vậy, những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra vượt xa tất cả những tổn thất ghi nhận trong cuộc Đại Suy thoái của thế kỷ trước.
Nhưng vẫn còn nhiều yếu tố có thể làm thế giới an tâm hơn, sau khi các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được triển khai rộng rãi, mở đường cho các hoạt động kinh tế được nối lại. Tuy nhiên, đại dịch sẽ để lại những hậu quả rất nặng nề mà phải cần rất nhiều thời gian mới có thể khắc phục được, nhất là khi đại dịch gây ra sự gián đoạn sâu sắc đối với nền kinh tế toàn cầu.
Đó là lý do tại sao quá trình phục hồi sẽ gặp một số trở ngại. Bên cạnh đó, vaccine có thể làm giảm số ca lây nhiễm nhưng không cung cấp sự bảo vệ đầy đủ do có nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2.
Các lĩnh vực sản xuất quan trọng, trong đó có khai thác khoáng sản, đã bị ngừng hoạt động gần như hoàn toàn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Điều này đã gây ra sự thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng chủ chốt, tác động xấu đến một số mặt hàng như chip bán dẫn, qua đó ảnh hưởng đến ngành xây dựng, chế tạo ô tô và các ngành công nghiệp khác. Tình trạng thiếu hụt này nếu kéo dài có thể sẽ đẩy giá hàng hóa lên cao hơn và làm gia tăng các sức ép lạm phát.
Tình trạng thiếu hụt chip đã hạn chế hoạt động xuất khẩu mặt hàng này của Mỹ, vốn cũng là nước tiêu thụ chip lớn nhất thế giới. Điều này gây ra nhiều hậu quả không lường trước được trên các thị trường toàn cầu, dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong hoạt động sản xuất của tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) cũng như các gã khổng lồ xe hơi ở châu Âu.
Đây chỉ là một phần của sự gián đoạn chuỗi cung ứng rộng lớn hơn, vốn đã diễn ra ngay từ những ngày đầu của đại dịch COVID-19. Các nền kinh tế và các nhà sản xuất đều nhận thấy khó có thể phục hồi trở lại chu kỳ sản xuất trước đại dịch, và việc đó lại rất tốn kém. Những trở ngại như vậy sẽ tiếp tục tạo ra khoảng cách giữa cung và cầu.
Ở nhiều nơi, sự thay đổi hành vi cũng đã thể hiện ở lực lượng lao động. Một phần ba số lao động ở Mỹ muốn làm việc từ xa, và không ủng hộ việc trở lại văn phòng, ngay cả khi điều này có thể khiến họ bị sa thải. Người lao động ở các nền kinh tế phát triển có thể đã có được khoản tiết kiệm đáng kể nhờ các gói cứu trợ doanh nghiệp và hỗ trợ cho hộ gia đình của chính phủ.
Nhưng đối với những lao động ở nơi khác, họ đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, vì một số nền kinh tế thiếu nguồn lực để triển khai các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, và điều này làm trầm trọng thêm những thiệt hại kinh tế-xã hội của họ.
Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Triển vọng phục hồi toàn cầu có vẻ rất hứa hẹn, mặc dù vẫn còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh khi biến thể Delta lan rộng. Công nghiệp dự kiến sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn so với lĩnh vực dịch vụ. Các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ có thể đã bắt đầu ghi nhận sự phục hồi. Chẳng hạn, tập đoàn hóa dầu khổng lồ SABIC của Saudi Arabia ghi nhận tăng trưởng doanh thu rất cao trong nửa đầu năm nay, nhờ giá dầu và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng đáng kể.
Đối với lĩnh vực dịch vụ, bao gồm du lịch và hàng không, sự phục hồi về trạng thái bình thường trước đại dịch COVID-19 sẽ diễn ra chậm hơn nhiều. Sự lây lan của biến thể Delta làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã rất khó khăn hiện nay, khiến ngày càng nhiều nhà máy và công xưởng có thể sẽ phải tiếp tục đóng cửa và nhiều nước tiếp tục áp dụng các quy định hạn chế đi lại.
Tuy nhiên, giai đoạn tồi tệ nhất đối với nền kinh tế toàn cầu dường như đã đi qua. Do tác động của đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia đã chứng kiến kinh tế suy giảm ở mức hai con số trong năm 2020. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, sau khi đã giảm 4,9% trong năm ngoái. Các nền kinh tế trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ phục hồi nhanh hơn so với dự báo trước đó của IMF.
UAE dự kiến sẽ đạt tăng trưởng kinh tế ở mức 3,1% trong năm 2021, trong khi kinh tế Saudi Arabia sẽ tăng trưởng 2,9%, Bahrain tăng 3,3%, Kuwait 2,4%, còn Oman đặt mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế 1,8% và Qatar là 2,4%. Năm ngoái, kinh tế khu vực GCC giảm trung bình 4,5%.
Kinh tế toàn cầu đã bắt đầu phục hồi và hướng đến các mức trước đại dịch, mặc dù con đường này không hoàn toàn bằng phẳng. Song, có thể thấy những đoạn đường gập ghềnh chắc chắn sẽ không cản trở quá trình “hồi sinh” trong năm tới. Dự kiến, kinh tế thế giới sẽ chứng kiến sự phục hồi toàn diện vào cuối năm 2022./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận