Triển vọng giá dầu, vàng tuần 30/5 - 3/6
Đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Giá dầu liên tiếp tăng trong những ngày gần đây do tâm lý quan ngại nguồn cung áp đảo lo lắng nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu.
Trong ngày giao dịch 27/5, giá dầu Brent tăng 2,03 USD, tương đương 1,7%, lên ngưỡng 119,43 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,98 USD, tương đương 0,9% lên 115,07 USD/thùng. Chốt tuần, giá dầu Brent tăng 6%, giá dầu WTI tăng 1,5%.
Dữ liệu của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng công bố ngày 25/5 cho thấy trữ lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm mạnh do quốc gia này tăng cường xuất khẩu dầu mỏ ra thị trường quốc tế, qua đó phản ánh tình trạng thiếu hụt cung dầu trên quy mô toàn cầu.
Mùa lái xe bận rộng tại Mỹ bắt đầu. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang trong quá trình đàm phán với Hungary nhằm thuyết phục quốc gia này đồng ý với bản dự thảo cấm dầu nhập khẩu từ Nga. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết ông tự tin khối này sẽ đạt được một thỏa thuận cuối cùng trước khi các lãnh đạo EU nhóm họp vào hai ngày 30-31/5 tới.
Một lãnh đạo Hungary tranh luận quốc gia này cần từ 3-4 năm để có thể hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu từ Nga, và cần một khoản đầu tư khổng lồ, ước tính ít nhất 750 triệu euro, nhằm có những điều chỉnh cần thiết đối với nền kinh tế. Do đó, Hungary không thể ủng hộ lệnh cấm dầu nhập khẩu này, điều có thể gây ra sự xáo trộn lớn đối với nền kinh tế của họ.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) sẽ nhóm họp trong ngày 2/6 tới. Nhiều người dự báo sẽ không có những thay đổi đột phá trong kế hoạch sản lượng của khối. Họ sẽ vẫn bám theo kế hoạch trước đó và gia tăng sản lượng trong tháng 7 thêm 432.000 thùng/ngày, bất chấp lời kêu gọi gia tăng sản lượng của các quốc gia phương Tây nhằm kéo giảm giá dầu, vốn tăng mạnh sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine.
Thị trường năng lượng toàn cầu phải đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn cung sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, buộc các quốc gia phương Tây phải áp một loạt các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, đặc biệt là ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới dòng chảy thương mại dầu mỏ toàn cầu, đồng thời đẩy lạm phát lên cao. Chính quyền tổng thống Joe Biden thúc dục các doanh nghiệp doanh nghiệp lọc dầu tái khởi động lại các nhà máy đang dừng hoạt động, gia tăng công suất, nhằm hạ nhiệt giá xăng, dầu trong nước. Các nhà máy lọc dầu tại Mỹ đã hoạt động với gần 100% công suất trong suốt thời gian qua.
Ngày lễ Tưởng niệm (Memorial Day) tại Mỹ diễn ra trong ngày 30/5, điểm khởi đầu cho mùa hè lái xe bận rộn tại Mỹ. Giá xăng, dầu của Mỹ liên tục lập đỉnh trong khoảng thời gian gần đây, tuy nhiên, điều đó không cản bước người dân Mỹ ra ngoài.
Yếu tố kìm hãm giá dầu chính là tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc, nền kinh tế số 2 đồng thời là quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Trung Quốc vẫn đang quyết tâm theo đuổi chiến lược zero Covid khiến cho nhu cầu dầu phục vụ sản xuất giảm xuống. Tuy nhiên, nhu cầu dầu tại Trung Quốc chỉ là khó khăn ngắn hạn, trong khi các vấn đề liên quan tới nguồn cung có thể sẽ kéo dài.
Thượng Hải và Bắc Kinh đang nới lỏng dần các biện pháp phòng dịch Covid-19, do đó, triển vọng thị trường dầu mỏ là tương đối tích cực. Anh đã công bố một gói cứu trợ đối với nền kinh tế và Trung Quốc cũng đã làm điều tương tự. Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tăng chậm lại trong khoảng thời gian gần đây, buộc quốc gia này phải sớm hành động. Nhưng với nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang mở cửa trở lại, nhu cầu dầu mỏ có thể sẽ tăng trong thời gian tới.
Với triển vọng khả quan, giá dầu hoàn toàn có thể kiểm chứng lại ngưỡng đỉnh hồi tháng 3 trong thời gian tới.
Kim loại quý
Giá vàng tăng 0,5% trong tuần trước. Ảnh: Reuters.
Trong phiên giao dịch ngày 27/5, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.853,39 USD/ounce. Giá vàng tương lai tăng 0,2% lên 1.851,00 USD/ounce. Chốt tuần, giá vàng tăng 0,5%.
Giá vàng tuần này tuần này được hỗ trợ bởi thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ dừng tăng lãi suất sớm nhất sau 2 lần họp tới nếu như lạm phát được kiểm soát tốt. Nhưng quan trọng hơn, đồng USD suy yếu chính là động lực lớn nhất thúc đẩy giá vàng, theo Ilya Spivak, Chiến lược gia tiền tệ tại DailyFX.
Đồng USD có tuần giảm thứ 2 liên tiếp, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Một yếu tố thúc đẩy giá vàng khác đó chính là đà giảm của lợi suất trái phiếu. Lợi suất chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm mạnh từ đỉnh hơn 3% hồi đầu tháng 5, hiện ở ngưỡng 2,75%.
Sau khi liên tục tăng từ đầu năm, đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã hạ nhiệt trước dữ liệu kinh tế thiếu khả quan của nền kinh tế Mỹ. Dữ liệu kinh tế Mỹ công bố gần đây cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới đang tăng trưởng chậm lại và có khả năng “hạ cánh cứng”. Tình thế này khiến các nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ không mạnh tăng siết chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Trong tuần này, Mỹ sẽ công bố nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng, trong bao gồm chỉ số Sản xuất và dịch vụ ISM cho tháng 4. Con số thực tế được dự báo sẽ thấp hơn so với tháng 3. Nhưng nếu những con số này giảm mạnh hơn dự báo, tâm lý lo lắng suy thoái của nhà đầu tư sẽ tiếp tục tăng lên, đồng thời, Fed có thể sẽ không quá quyết liệt siết chặt chính sách trong thời gian tới để không kéo nền kinh tế vào vùng lầy. Đồng USD vì thế mà suy yếu, và đây sẽ là tình huống giúp thúc đẩy giá vàng trong tuần này cũng như tháng 6 tới.
Trong tuần trước, giá vàng bị “mắc kẹt” ở ngưỡng 1.840-1.870 USD/ounce. Nếu có thể vượt khỏi ngưỡng 1.870 USD/ounce, giá vàng sẽ kiểm chứng mốc 1.895 USD, ngưỡng Fibonacci thoái lui 38,2%. Nhưng nếu thủng mốc 1.840 USD/ounce, áp lực bán sẽ gia tăng, giá vàng có thể hướng tới vùng giá 1.785 USD/ounce.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận