Triển vọng du lịch Việt Nam trong chặng đường mới
Theo các chuyên gia du lịch, bức tranh toàn cảnh của Du lịch Việt Nam trong thời gian tới được dự báo và kỳ vọng sẽ là bức tranh rực rỡ, tươi sáng hơn so với năm 2023.
Du lịch Việt Nam năm 2023 có nhiều điểm sáng, trong đó nổi bật là các chỉ tiêu phát triển du lịch đều "về đích", các chính sách tạo thuận lợi về xuất nhập cảnh đã phát huy hiệu quả và hình ảnh du lịch Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Tuy nhiên, dẫu đón được lượng khách quốc tế vượt kế hoạch mục tiêu cả năm 2023, song ngành du lịch Việt Nam vẫn sẽ đối diện nhiều thách thức của năm 2024 trong bức tranh khó khăn chung toàn cầu.
Để tận dụng và khai thác tốt tiềm năng trong giai đoạn tới, PGS - TS. Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính Trị, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.
"Du lịch không thể độc thân tiến bước. Để hiện thực hoá mục tiêu này, chúng ta cần sự liên kết hợp tác của các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường,...Ví dụ, sự phối hợp của ngành hàng không đối với việc điều tiết chuyến bay, tạo sự thuận lợi cho du khách tới trải nghiệm các địa điểm du lịch được đánh giá là vô cùng quan trọng. Mặt khác, mặc dù chính sách visa đã có nhiều bước tiến vượt bậc nhưng tôi cho rằng, du khách quốc tế vẫn mong chờ Việt Nam sẽ mở rộng hơn nữa đối với đa dạng các thị trường khách nước ngoài." - ông Long nhận định.
Cùng với đó, PGS - TS. Phạm Hồng Long đặc biệt nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong hành trình khai thác, xây dựng và liên tục làm mới các sản phẩm du lịch, đánh thức tiềm năng vốn có của Du lịch nước ta.
"Theo Quy hoạch Du lịch Quốc gia, bên cạnh 4 dòng sản phẩm du lịch chính, bao gồm Du lịch văn hoá, Du lịch biển đảo, Du lịch sinh thái và Du lịch đô thị, hiện nay chúng ta có rất nhiều sản phẩm bổ trợ mới. Ví dụ như dòng sản phẩm Du lịch sự kiện (thể thao, lễ hội, chương trình âm nhạc, phim ảnh), sản phẩm liên quan đến Sức khoẻ (thiền, yoga),...Do đó, vai trò của Hiệp hội và Doanh nghiệp trong công tác xây dựng sản phẩm hỗ trợ địa phương. Tôi cho rằng, toàn ngành du lịch đang rất cần sự chung tay quyết tâm của các doanh nghiệp và đây cũng chính là lực lượng quyết định sự 'sống còn' của sản phẩm du lịch."
Dự báo về bức tranh toàn cảnh, theo ông Long, mục tiêu đón 14 - 15 triệu khách quốc tế trong năm 2024 là động lực rất lớn để thúc đẩy ngành Du lịch Việt Nam quyết tâm vươn tầm khẳng định vị thế.
"Tôi cho rằng, con số mục tiêu đặt ra mặc dù lớn nhưng hoàn toàn có khả năng thực thi. Trong năm 2024, hy vọng rằng, thị trường du lịch Trung Quốc sẽ hồi phục trở lại và thị trường Hàn Quốc cùng nhiều thị trường tiềm năng khác sẽ tiếp tục yêu thích lựa chọn Việt Nam. Bức tranh du lịch Việt Nam 2024 được kỳ vọng là bức tranh tươi sáng với gam màu rực rỡ, báo hiệu cho một mùa du lịch bội thu đang tới." - PGS - TS. Phạm Hồng Long chia sẻ.
Điều quan trọng là Việt Nam đã trở thành điểm đến được yêu thích, thậm chí được “săn đón” tại các thị trường tiềm năng. Qua truyền thông nước ngoài, hình ảnh và thông tin về du lịch Việt Nam đã phổ biến rộng rãi và thu về những phản hồi tốt, tạo thuận lợi để ngành du lịch Việt Nam đẩy mạnh thu hút khách từ các thị trường này, và nếu khai thác tốt sẽ mang đến lượng khách bền vững. Chúng ta đã có nhận thức tốt về các công tác xúc tiến, quảng bá trong giai đoạn vừa qua và đây cũng là hoạt động trọng tâm làm đòn bẩy chắp cánh cho du lịch Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận