Triển vọng đảo ngược chính sách của Ngân Hàng Trung Ương Nhật Bản (BOJ)
Sự bền bỉ của Nhật Bản đối với mục tiêu lạm phát 2%
Trong tháng 1, tỷ lệ lạm phát ghi nhận sự tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước đối với các chỉ số chính - lạm phát chung, lạm phát lõi và lạm phát siêu lõi - lần lượt là 2,2%, 2,0%, và 3,5%. Mặc dù vậy, các con số này vẫn cao hơn dự báo và duy trì ở mức bằng hoặc trên mục tiêu 2,0%. Lạm phát chậm lại chủ yếu đến từ việc xu hướng giảm của lạm phát giá thực phẩm, với tốc độ tăng giảm từ 6,7% trong tháng 12 xuống còn 5,7% trong tháng 1, đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2022. Lạm phát trong thực phẩm giảm mạnh nhất ở rau tươi, với mức tăng chỉ là 5,9% trong tháng 1 so với 15,5% trong tháng 12; tương tự là mức giảm đáng kể ở trái cây tươi, từ mức tăng 13,6% trong tháng 12 xuống còn 9,8% trong tháng 1. Lạm phát giá hàng hóa cũng có sự giảm tốc đáng kể, từ 2,8% trong tháng 12 xuống còn 2,1% trong tháng 1.
Nguyên nhân dẫn đến sự giảm lạm phát trong lương thực và hàng hóa là do áp lực giá cả cao đã làm kiệt quệ sức mua của người tiêu dùng, trong khi tiền lương vẫn chưa được điều chỉnh tương ứng. Bên cạnh đó, giá năng lượng đã giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do giảm 21,0% trong hóa đơn tiền điện trong tháng 1, nhờ việc thực hiện các chính sách trợ cấp giá nhiên liệu được thực hiện từ tháng 2 năm 2023. Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là chi phí của các gói du lịch nước ngoài tăng đột ngột lên đến 63%, góp phần vào việc đánh bại dự báo về lạm phát trong tháng Giêng.
Vòng xoáy tiền lương-giá cả tại Nhật Bản
Thống đốc Ueda và các quan chức khác đã liên tục nhấn mạnh rằng tăng trưởng tiền lương là rất quan trọng đối với các quyết định chính sách tiền tệ sắp tới và điều này có vẻ tích cực cho cuộc đàm phán lương vào mùa xuân khi công ty dự đoán mức tăng lương trong khoảng 4,5% đến 5,0%. Tuy nhiên, trong 22 tháng qua, tiền lương thực tế, đã điều chỉnh theo lạm phát, vẫn ở mức âm được ghi nhận vào tháng 12 năm 2023 ở mức -2,12% sau khi cải thiện xuống mức thấp hơn dự kiến là -0,6% vào tháng 1 năm 2024 do lạm phát liên tục cao hơn mức tiền lương danh nghĩa. Báo cáo mới nhất cho thấy rằng tiền lương danh nghĩa - thu nhập tiền mặt trung bình hàng tháng trên mỗi công nhân, bao gồm cả lương cơ bản và lương làm thêm giờ - đã tăng lên 2,0% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 1 năm 2024 sau khi điều chỉnh mức tăng 0,8% vào tháng 12 năm 2023. Như vậy, lương danh nghĩa đang tăng cao hơn, và việc lạm phát cơ bản giảm tốc đã và đang dẫn đến mức tăng lương thực tế giảm ít hơn.
Các cuộc đàm phán lương mùa xuân, hay còn gọi là Shunto, diễn ra vào tháng 3 hàng năm khi các công ty lớn của Nhật Bản triệu tập các công đoàn để thảo luận về việc tăng lương. Kết quả của các cuộc họp này đóng vai trò là thước đo quan trọng để xác định khả năng thiết lập mô hình tăng lương vượt qua tỷ lệ lạm phát, từ đó hỗ trợ NHTW Nhật Bản chấm dứt mức lãi suất âm. Rengo, tập đoàn công đoàn lớn nhất Nhật Bản, cho biết nhu cầu tăng lương trung bình đạt 5,85% trong năm nay, lần đầu tiên vượt 5,0% sau 30 năm. Ngoài ra, một số công ty lớn, như nhà sản xuất ô tô Honda, đã công bố mức tăng lương đáng kể, trong đó Honda đồng ý tăng lương hàng năm là 5,6%. Điều này đã tạo ra động lực đáng kể cho việc tăng lương trong cuộc đàm phán lao động vào mùa xuân năm nay.
NHTW Nhật Bản nghiêng về việc đảo chiều chính sách vào tháng 3 hoặc tháng 4
Với triển vọng tích cực về lạm phát và tăng lương, khả năng cao NHTW Nhật sẽ đảo ngược chính sách tiền tệ vào tháng 3 hoặc tháng 4. Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn cho rằng sự suy yếu của tiêu dùng trong nước có thể sẽ khiến cho thời điểm tăng lãi suất bị trì hoãn. Tiêu dùng tư nhân, chiếm khoảng 60% nền kinh tế Nhật Bản, đã giảm 0,3% trong quý 4 năm 2023, tệ hơn so với ước tính ở mức giảm 0,2%. Nhật Bản đã phải đối mặt với tình trạng giá cả không ổn định trong những năm vừa qua, do lạm phát gia tăng chủ yếu là do nhập khẩu cao vì đồng Yên yếu hơn được chuyển sang giá tiêu dùng và giá năng lượng tăng vì xung đột ở Trung Đông. Vì vậy, NHTW Nhật Bản hy vọng rằng mức tăng lương năm nay sẽ thúc đẩy giá cả và chi tiêu của người tiêu dùng để họ có thể tự tin đảo ngược chính sách lãi suất âm.
Nhiều nhà phân tích đang nảy ra câu hỏi về chu kỳ tăng lãi suất của NHTW Nhật Bản có thể kéo dài trong bao lâu. Thực tế, các chu kỳ lãi suất trước đó tại Nhật Bản đã xảy ra trong các bối cảnh khác nhau, khó có thể so sánh được. Trong giai đoạn 1989-1990, Nhật Bản đã tăng lãi suất lên hơn 300 điểm cơ bản, kéo theo sự đổ vỡ bong bóng bất động sản và làm suy yếu cả nền kinh tế và thị trường chứng khoán trong suốt một thập kỷ. Năm 2006, nỗ lực chấm dứt chính sách lãi suất 0% đã thất bại do lạm phát không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, hiện nay, các nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách đang tập trung vào mức lương cao hơn như một yếu tố mới để hỗ trợ tiêu dùng, điều này có thể chuyển tâm lý sang một chu kỳ tăng lãi suất kéo dài hơn. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp khó khăn do chi phí vay cao hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận