Triển vọng cổ phiếu ngân hàng
Dù còn đó nhiều thách thức, song mặt bằng giá chiết khấu sâu cùng những yếu tố hỗ trợ giúp cổ phiếu ngân hàng trở thành một lựa chọn đáng cân nhắc của nhà đầu tư.
Trồi sụt:
Sau thời gian dài đi ngang trong 1 năm qua, mặt bằng chung các cổ phiếu ngân hàng đã có nhịp giảm rất sâu từ đầu tháng 4. TCB - mã cổ phiếu đầu ngành được giới đầu tư đánh giá cao, đã giảm mạnh từ 50.300 đồng/CP (phiên 1/4/2021) xuống đáy 32.600 đồng/CP chốt phiên 16/5, tương đương mức giảm tới 35%, trước khi hồi phục về 37.750 đồng/CP phiên 30/5. Đây là bức tranh chung của cổ phiếu ngân hàng thời gian qua.
Trong phiên VN-Index lập đáy 1.171 điểm ngày 16/5, một loạt mã ngân hàng áp sát mệnh giá như: VAB, ABB, VBB, EVF. VAB trong phiên có lúc còn về dưới mệnh giá. Đây là mức giá mà nhiều nhà đầu tư vào nửa đầu năm ngoái thôi có nằm mơ cũng không tưởng tượng được. Thời điểm đó, cổ phiếu vua gây ấn tượng khi nhà đầu tư cứ mua là thắng. Giao dịch tích cực của nhóm ngân hàng đã kéo VN-Index vượt hết đỉnh này đến đỉnh khác.
Sau khi lập đỉnh vào đầu tháng 7/2021, cổ phiếu ngân hàng sideway biên độ hẹp trong gần 1 năm qua, và bất ngờ giảm mạnh từ đầu tháng 4/2022 như đã biết.
Cổ phiếu ngân hàng, thay vì làm trụ đỡ hỗ trợ khi thị trường chung điều chỉnh sâu, thì thậm chí còn giảm nhanh và mạnh hơn, với không ít phiên chứng kiến các mã Bluechips như TCB, VPB giảm trắng bên mua.
Sự lao dốc của cổ phiếu ngân hàng được đánh giá đến từ các biện pháp mạnh tay thắt chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp vốn đang rất lộn xộn của cơ quan chức năng, mà đỉnh điểm là khởi tố vụ án liên quan 10.000 tỷ trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Chủ trương này không chỉ khiến các công ty chứng khoán thành viên của ngân hàng thất thu (thực tế cho thấy 2 tháng nay rất ít trái phiếu doanh nghiệp phát hành), mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến ngành bất động sản và ngày càng gia tăng rủi ro nợ xấu.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, nợ xấu tiềm ẩn và chất lượng tín dụng ngành bất động sản dân cư là rủi ro tiềm tàng với ngành ngân hàng. Cụ thể, với ảnh hưởng từ COVID-19, các dự án triển khai khá chậm, sản lượng căn hộ bán được giảm mạnh, chỉ còn khoảng 30% chỉ tính thị trường Hà Nội và TP.HCM - vốn chiếm khoảng 60% quy mô cả nước. Mặt khác, ngoài “siết” trái phiếu, tín dụng bất động sản còn gặp khó khăn với Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước và thay đổi chính sách sau sự kiện đấu giá đất Thủ thiêm.
Chưa dừng lại ở đó, nguy cơ lạm phát tăng cao đẩy ngân hàng vào thế phải nâng lãi suất huy động, trong khi Ngân hàng Nhà nước lại có chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất cho vay không tăng quá mạnh nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Về yếu tố kĩ thuật, cung cổ phiếu ngân hàng là rất lớn, thống kê từ Fiin Group cho thấy nhóm ngân hàng riêng năm 2021 đã phát hành gần 14,1 tỷ cổ phiếu. Với lượng “hàng” rất lớn trong khi cầu (thanh khoản thị trường) không tăng lên, thậm chí suy giảm, áp lực giảm giá với cổ phiếu ngân hàng là điều dễ hiểu.
Đáng chú ý, ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của nhiều nhà băng đã tiếp tục thông qua kế hoạch tăng vốn, như: Vietcombank chia cổ tức với tỷ lệ 18,1% bằng phương án phát hành cổ phiếu, tương đương với gần 856,6 triệu cổ phiếu phổ thông qua tăng vốn điều lệ; VPB tăng vốn điều lệ lên 79,3 nghìn tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ là 50%; phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tối đa khoảng 1,19 tỷ cổ phiếu, tỷ lệ 15% vốn điều lệ…
Áp lực cung cổ phiếu (trong trường hợp phát hành thành công) sẽ càng đè nặng lên nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung, trong bối cảnh lượng “hàng” phát hành trong năm 2021 (như đề cập) vẫn cần thời gian để hấp thụ.
Nhiều tín hiệu tích cực:
Sau đà giảm vừa qua, cổ phiếu ngân hàng được nhận định đã tạo mặt bằng giá mới với mức chiết khấu sâu từ đỉnh. Không ít nhà đầu tư đang cân nhắc giải ngân vào các mã đầu ngành với tầm nhìn, mục tiêu trung, dài hạn, bởi ngành ngân hàng không phải không có những yếu tố hỗ trợ.
Đầu tiên, đó là triển vọng tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng thúc đẩy bởi nhu cầu đầu tư, sử dụng vốn, nhờ vào: Nền kinh tế Việt Nam sau khi đạt tỷ lệ tiêm vaccine cao sẽ sớm hồi phục mạnh với dự phóng GDP tăng trưởng 6-6,5%; các hoạt động kinh tế cải thiện, đặc biệt ngành dịch vụ, du lịch với việc giảm 2% thuế VAT; gói hồi phục kinh tế 350 nghìn tỷ đồng trong đó 113,6 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng và 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho một số ngành lĩnh vực quan trọng, trong đó có cho vay cải tạo chung cư cũ và xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% (tổ chức ngày 27/5), lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng tại ngày 27/5 đạt 7,75%, mức tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Có thể thấy, sau gần nửa đầu năm 2022, nhiều ngân hàng như Vietcombank, BIDV, MBB, Vietinbank… cho biết đã gần hết “room” tín dụng. Các nhà băng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới hạn mức tăng trưởng tín dụng để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% trong thời gian tới, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn rất cao của nền kinh tế khi các lĩnh vực chịu ảnh hưởng bắt đầu giai đoạn phục hồi.
Với những triển vọng tích cực như trên, không ngạc nhiên khi các ngân hàng tự tin đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022. Tại ĐHĐCĐ thường niên, VPBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu lãi trước thuế 29.662 tỷ đồng, tăng 107% so với năm 2021. Con số này cao hơn nhiều so với quán quân lợi nhuận năm 2021 là 27.376 tỷ đồng của Vietcombank; BIDV kỳ vọng lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm nay đạt 20.600 tỷ đồng, tăng 52%; Techcombank với mục tiêu lãi 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021….
Bên cạnh những yếu tố tích cực nói chung, một số cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng hưởng lợi từ câu chuyện riêng. Có thể kể đến VPBank trong quý I/2022 ghi nhận toàn bộ phí hợp đồng Bancassurance từ AIA, thay vì chia làm nhiều năm. Qua đó, lãi ròng VPBank tăng đột biến 178,4% đạt 8.917 tỷ đồng, và đưa nhà băng này trở thành ngân hàng số 2 về vốn chủ sở hữu (95.202 tỷ đồng) tính đến cuối quý I/2022.
Theo đó, BCTC VPBank trở nên rất đẹp trước khi ngân hàng này triển khai bán vốn cho đối tác ngoại, đồng thời cũng mở ra dư địa tăng thêm vốn từ phát hành thưởng, như cách VPBank triển khai vào năm ngoái. Ngoài ra, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến “game” nhận các ngân hàng “0 đồng” Ocean Bank, CBBank và GPBank. Vừa qua, Báo cáo "Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022" của Chính phủ cho biết, đã hoàn thiện phương án cơ cấu lại theo định hướng mới đối với CBBank và OceanBank.
Trước đó, Vietcombank và MBB là 2 ngân hàng được lựa chọn để tham gia tái cơ cấu hai ngân hàng yếu kém theo hình thức chuyển giao bắt buộc. Sau đó, ĐHĐCĐ 2 nhà băng kể trên đều đã thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Do vậy, thị trường kỳ vọng MBB sẽ tiếp quản OceanBank, trong khi đó CBBank sẽ về tay Vietcombank
Về trạng thái kỹ thuật:
Các cổ phiếu ngân hàng đều cho tín hiệu tạo đáy đoạn này. Khi đa số đều giảm 50-70% từ đỉnh cũ cả rồi và thị trường hồi thì bắt buộc cần Bank tham gia. Với định giá PE hay PB (downtrend hay dùng PB < 1) đang về những vùng đáy lịch sử, tôi đánh giá có thể tới đây dòng tiền bắt đáy hay các NĐT dài hạn có thể tham gia dần cổ phiếu khi nhóm này về vùng giá hấp dẫn. Và chúng ta có thể tận dụng được nhịp hồi ngắn ở nhóm này được. Mọi người có thể thăm dò 10-20% nhóm này ăn nhịp hồi sắp tới
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận