Triển khai dự án PPP và 5 câu hỏi cần làm rõ
Dù PPP được kỳ vọng là “chìa khóa” giúp Việt Nam “lấp” khoảng trống về vốn đầu tư song đến nay, số lượng các dự án mới được triển khai theo quy định của Luật PPP vẫn còn hạn chế, đa phần đều là các dự án chuyển tiếp…
Chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 11/7, đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 2,9 triệu tỷ đồng).
“Như vậy, vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế - xã hội; việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực khu vực tư đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, ông An nhấn mạnh.
NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ LỚN
Cùng quan điểm, các chuyên gia quốc tế tại hội thảo cho biết, với tốc độ tăng trưởng bình quân 6-7%/năm, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới và khu vực. Đi cùng với tốc độ tăng trưởng này, nhu cầu phát triển hạ tầng logistics, nhà ga, sân bay hay y tế, giáo dục… là rất lớn.
“Hơn một thập kỷ trước, Việt Nam đã giải quyết vấn đề này thông qua đẩy mạnh chi đầu tư phát triển và kêu gọi sự tham gia của khu vực tư nhân trong và ngoài nước”, ông Donald Lambert, đại diện ADB, nhấn mạnh.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trước khi Luật PPP 2020 được ban hành, đã có 336 dự án PPP được ký kết hợp đồng (chủ yếu là BOT và BT) với tổng vốn huy động khoảng 1,609 triệu tỷ đồng.
Trong đó, các dự án trong lĩnh vực giao thông vận tải chiếm tỷ lệ 66%, tiếp đến là cơ sở hạ tầng kỹ thuật (10%), xây dựng văn phòng làm việc, trung tâm hành chính (6%), năng lượng (5%) và cấp nước, thoát nước (5%)…
Tuy nhiên, kể từ khi Luật PPP 2020 có hiệu lực thi hành, mới có 10 dự án mới được phê duyệt, 14 dự án vẫn đang trong quá trình triển khai các bước chuẩn bị đầu tư và 139 dự án PPP được triển khai trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành vẫn đang tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết, ít bị ảnh hưởng bởi các quy định mới ban hành.
Vì vậy, theo ông Đỗ Ngọc An, thực tế này cần phải được giải đáp để có phương hướng cho việc hút vốn vào các dự án PPP trong tương lai.
“Tình hình này đặt ra một số câu hỏi cần làm rõ.Thứ nhất, thể chế, chính sách, pháp luật hiện tại đã thực sự xây dựng được môi trường thúc đẩy đầu tư các dự án PPP bền vững tại Việt Nam?Thứ hai, những vướng mắc lớn trong triển khai các dự án PPP tại Việt Nam?Thứ ba, có khả năng mở rộng các lĩnh vực khác để áp dụng PPP không?Thứ tư, cơ chế, chính sách đã phù hợp để phát huy vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công?Thứ năm, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP”, ông An nêu quan điểm.
CẦN CƠ CHẾ HỢP TÁC BÌNH ĐẲNG
Trả lời 5 câu hỏi được Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu lên, GS.Akash Deep, Đại học Havard Kennedy School, nhấn mạnh Luật PPP 2020 là một bước quan trọng để mở rộng chương trình PPP đầy tham vọng của Việt Nam.
“Song chương trình thiếu một khuôn khổ để đánh giá và quản lý các nghĩa vụ dự phòng phát sinh từ cơ chế bảo đảm, bảo lãnh của Nhà nước”.
Dự án PPP đã ký hợp đồng phân chia theo lĩnh vực trước khi ban hành Luật PPP.
Theo chuyên gia của Đại học Havard Kennedy School, đặc điểm mạnh nhất của PPP là cho phép chính phủ chuyển giao một số rủi ro nhất định và các nghĩa vụ liên quan – cả trực tiếp và dự phòng – cho đối tác tư nhân. Điều này cho phép hiện thực hoá lợi ích cho cả vòng đời dự án, hiệu quả cao hơn.
Theo lập luận tương tự, một số rủi ro nhất định và các nghĩa vụ tương ứng tốt nhất là do Nhà nước gánh chịu.
“Theo đó, phạm vi bảo lãnh cho một dự án PPP cụ thể nên được mở rộng dựa trên đánh giá thị trường và Nhà nước nên nhìn nhận bảo lãnh là biện pháp thay thế cho đầu tư công”, GS.Akash Deep khuyến nghị.
Thông qua tổng hợp ý kiến của khoảng 60 đơn vị/tổ chức và 4 cuộc thảo luận với địa phương, ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, cho biết hiện có 2 nhóm vấn đề khiến Luật PPP khó khả thi.
Thứ nhất, là vướng mắc ở Luật PPP thuộc thẩm quyền sửa đổi, bổ sung của của Quốc hội. Trong đó, bao gồm quy định về mức vốn nhà nước tham gia dự án PPP tối đa 50% và cơ chế chia sẻ doanh thu giảm là chưa phù hợp với quy định ngân sách nhà nước.
"Các quy định này chưa phù hợp với thực tế và quy định liên quan tới ngân sách nhà nước", đại diện Bộ Tài chính nói.
Thứ hai, là những vướng mắc liên quan tới Nghị định số 28/2021/NĐ-CP như lãi suất vốn vay, nguồn vốn thanh toán cho doanh nghiệp dự án BTL, BLT hay các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tính khả thi của dự án, thủ tục thanh toán vốn nhà nước khi áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm...
“Do đó, để thúc đẩy các dự án PPP, những vướng mắc này cần sớm được tháo gỡ để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân vào nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục bên cạnh hạ tầng giao thông và năng lượng”, ông Đức nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận